Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa phát ra bản tin dự báo tình hình nguồn nước phục vụ chỉ đạo sản xuất và điều hành cấp nước mùa kiệt năm 2023 – 2024. Trong đó, phần đất thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ nguồn nước vẫn còn đảm bảo. Tuy nhiên, mực nước hiện thấp hơn trung bình nhiều năm, gây khó khăn cho việc bơm tưới.
Còn tại các địa phương vùng giữa và khu vực ven biển ĐBSCL, dự báo từ ngày 24/3 – 26/3, ranh mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu từ 50 – 60km. Điều này, có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất và cấp nước sinh hoạt ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn bất thường, có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như: Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú – Tiếp Nhựt.
Do đó, trong thời gian từ ngày 15/3 – 21/3, mặn có phần giảm nhẹ, các địa phương cần tranh thủ lấy nước ngọt ngay khi có thể để tích trữ, ứng phó với kỳ hạn mặn cao trở lại vào cuối tháng 3.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 13/3, các đợt xâm nhập mặn trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh và kênh Quản Lộ Phụng Hiệp xuất hiện muộn hơn khoảng 1 tháng.
Dự báo đến cuối tháng 5, ranh mặn 4g/l trên sông Hậu sẽ xâm nhập sâu khoảng 55 – 60km, trên sông Mỹ Thanh khoảng 65 – 70km.
Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ động phối hợp với Đài khí tượng thủy văn Sóc Trăng tiến hành quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch. Nhất là tại các điểm xung yếu, đầu các cống đầu nguồn lấy nước phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, ở những vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, chính quyền địa phương và người dân đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành có kế hoạch sản xuất phù hợp. Khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương đưa các công trình thủy lợi mới vào hoạt động để tham gia chống hạn mặn. Điển hình, các địa phương đã hoàn thành công tác nạo vét các tuyến kênh trục để chủ động trong việc tích trữ nguồn nước ngọt.
Công trình Âu thuyền Rạch Mọp thuộc Dự án Phân ranh mặn ngọt nhằm kiểm soát xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Kế Sách do Bộ NN-PTNT đầu tư trên địa bàn đang được triển khai thi công.
Đến thời điểm này, tại huyện Long Phú, vụ đông xuân muộn ngoài kế hoạch khoảng 6.000ha, đã ghi nhận gần 574ha lúa bị ảnh hưởng và khoảng 33ha bị thiệt hại hoàn toàn. 30ha lúa đông xuân muộn trong kế hoạch của huyện Kế Sách cũng đang có nguy cơ thiếu nước trong 10 ngày tới.
Ngày 15/3, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) đã có buổi kiểm tra công tác ứng phó xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ông Khanh đánh giá cao những giải pháp ứng phó hạn mặn mà tỉnh đã triển khai. Nhất là sự linh hoạt trong bố trí sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn cho lúa đông xuân chính vụ
Ông Khanh đề nghị các cơ quan chuyên môn trong tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến độ mặn cũng như tình hình nguồn nước. Đồng thời, có văn bản nêu rõ nguồn kinh phí cụ thể để triển khai các hạng mục, công trình ngăn mặn, trữ ngọt mà địa phương cần được hỗ trợ.
Trước đó, trong buổi làm việc, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã có báo cáo, kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục xem xét hỗ trợ, đầu tư các hạng mục còn lại của công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu. Cụ thể là xây dựng 8 cống dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu.
Song song đó, nâng cấp đê bao các cồn trên sông Hậu để bảo vệ sản xuất. Đầu tư khẩn cấp các cửa cống cưỡng bức đầu nguồn lấy nước vùng Long Phú – Tiếp Nhựt. Xây dựng mới các cống xung yếu lấy nước phục vụ sản xuất đã xuống cấp, như cống Mỹ Phước, Xẻo Gừa, Cái Trầu, Cái Oanh, Cái Xe, Nopol.