Bình Định là tỉnh có phong trào trồng rừng rất mạnh; mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh này khai thác, trồng lại khoảng 10.000ha rừng. Để đáp ứng nguồn cây giống cho hoạt động trồng rừng hàng năm, trên địa bàn tỉnh có đến 160 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cây giống.
“Chất lượng của giống cây lâm nghiệp làm nên năng suất, chất lượng của rừng trồng sau này. Đối với các tổ chức trồng rừng thì đơn vị nào cũng có vườn ươm giống riêng để sản xuất cây giống, còn các cá nhân thì nguồn cây giống hầu hết được mua từ những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Do đó, ngành chức năng quản lý rất chặt hoạt động này để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trên địa bàn”, ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.
Theo ông Lâm, để giám sát chất lượng cây giống lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập hội đồng thẩm định nguồn giống cây trồng lâm nghiệp khi đơn vị sản xuất giống có đơn đề nghị công nhận nguồn giống. Nhân sự của hội đồng thẩm định gồm Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kế hoạch Tổng hợp Sở NN-PTNT, chuyên gia và đại diện Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, đây là lực lượng tham mưu cho Sở NN-PTNT về quyết định công nhận nguồn giống.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn được phân cấp rõ ràng. Chi cục Kiểm lâm Bình Định có nhiệm vụ quản lý các cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do tỉnh cấp và cả các cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cấp huyện cấp; kiểm tra, chứng nhận nguồn gốc giống để các cơ sở này đưa vào sản xuất giống. Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã có nhiệm vụ quản lý đối với các cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cấp huyện cấp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa đăng ký kinh doanh.
Các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn Bình Định phải tuân thủ nghiêm cẩn quy trình kỹ thuật theo quy định. Cây giống keo lai sản xuất theo phương pháp giâm hom được cắt hom cấy vào bầu, có trang thiết bị như hệ thống tưới, dàn che, máy phát điện… đảm bảo tỷ lệ sống của cây giống khi xuất vườn đảm bảo tiêu chuẩn, không sâu bệnh. Các đơn vị lấy vật liệu giống (hom) từ vườn cây đầu dòng đang trong thời hạn công nhận (thời hạn 36 tháng kể từ khi trồng) đã được Sở NN-PTNT công nhận đủ tiêu chuẩn để sản xuất cây con theo phương pháp giâm hom.
Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cung cấp danh sách, thông tin các vườn cây đầu dòng đang trong thời hạn công nhận, các vườn đã hết thời hạn công nhận trong năm cho Hạt Kiểm lâm, để phối hợp với các Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã trong công tác quản lý, kiểm tra. Hạt Kiểm lâm các huyện chủ trì, phối hợp với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện kiểm tra việc hủy bỏ các vườn cây đầu dòng hết thời hạn công nhận, hướng dẫn các chủ nguồn giống xây dựng vườn cây đầu dòng mới.
Nếu các chủ nguồn giống không hủy bỏ vườn cây đầu dòng hết hạn theo quy định và có dấu hiệu cắt hom để sản xuất cây giống thì sẽ bị xử lý theo quy định. Sau đó, chính quyền các địa phương cấp xã sẽ công bố thông tin các trường hợp vi phạm trên loa truyền thanh tại địa phương để người trồng rừng tại địa phương biết, tránh mua nguồn giống kém chất lượng.
“Các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của chất lượng cây giống đối với năng suất, chất lượng rừng trồng. Do đó, hầu hết các đơn vị chủ động hủy bỏ nguồn giống hết thời hạn công nhận để xây dựng nguồn giống mới, chủ động nâng cao chất lượng cây giống để giữ uy tín trên thị trường”, ông Nguyễn Đình Lâm chia sẻ.