| Hotline: 0983.970.780

‘Siêu lừa’ Nguyễn Thị Hà Thành xin giảm án để khắc phục hậu quả

Thứ Ba 26/03/2024 , 16:19 (GMT+7)

Khai báo trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cho biết mục đích kháng án, xin giảm nhẹ hình phạt là để có cơ hội khắc phục hậu quả cho các bị hại.

Đề nghị làm rõ số tiền 85 tỷ đồng để khắc phục hậu quả

Sáng 26/3, phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành cùng các đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành. Bị cáo Hà Thành cùng 12 bị cáo (trong tổng số 26 người) có mặt tại Tòa.

Tại bản án sơ thẩm, Hà Thành nhận mức án chung thân và có đơn kháng cáo. 5 người có quyền, nghĩa vụ liên quan không được tòa tuyên trả lại sổ tiết kiệm hàng trăm tỉ cũng kháng cáo về phần dân sự.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Kiên Trung.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Kiên Trung.

Xuất hiện tại tòa với gương mặt tỏ ra mệt mỏi, mái tóc đã cắt ngắn so với thời điểm hơn 1 năm trước khi TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành được luật sư bào chữa cho mình là  Nguyễn Thị Ngọc trình bày tình trạng sức khỏe, xin được ngồi để tham dự phiên tòa.

Trình bày tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cho biết mục đích gửi đơn kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo là mẹ đơn thân nuôi 3 con trong đó có một con bị u não. Bản thân bị cáo bị bệnh (viêm hạch lao, sỏi thận, hạch ở gan bàn chân…), gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, mục đích xin giảm án nhằm có cơ hội để khắc phục hậu quả cho các bị hại để từ đó có tình tiết giảm nhẹ mức án.

Khai báo tại Tòa, Hà Thành cho biết mình hiện có 2 nguồn tiền với giá trị tổng số 85 tỷ đồng. Đây là tài sản bị cáo mong muốn sẽ được thừa nhận để thi hành án.

Cụ thể: tài sản thứ nhất là 26% cổ phần (tương đương 7,3 triệu cổ phần tại công ty MHD) trị giá 75 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Hà Thành chuyển cho bị cáo Nguyễn Thanh Tùng đứng ra giao dịch, mua cổ phiếu của MHD.

Các bị cáo có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 26/3. Ảnh: Kiên Trung.

Các bị cáo có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 26/3. Ảnh: Kiên Trung.

Trả lời HĐXX về quan hệ giữa bị cáo với Nguyễn Thanh Tùng, lý do vì sao để Tùng đứng tên mà không trực tiếp đứng tên khối tài sản lớn như vậy, bị cáo Thành cho biết vì không có kinh nghiệm, kiến thức không hiểu biết về lĩnh vực này nên tin tưởng và giao cho Tùng đại diện. Việc mua số cổ phần này từ năm 2018. Hiện tại, số tiền này đang được ngân hàng cổ phần thương mại Việt Á (Ngân hàng VAB) phong tỏa.

Khoản tiền thứ hai là 10 tỷ đồng Nguyễn Thị Hà Thành chuyển cho bà Nguyễn Thị Thủy để bà Thủy mua cổ phần của MHD giúp mình. Tại KLĐT của Cơ quan điều tra có ghi nhận nội dung này. Tuy nhiên, kể từ khi bản án sơ thẩm đã được tuyên, số tiền 10 tỷ đồng này vẫn chưa được làm rõ.

Một bị cáo xin rút đơn kháng cáo: 
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Hiên xin rút đơn kháng cáo. Bị cáo nhận mức án 30 tháng tù treo. Lý do rút đơn kháng cáo. Bị cáo Hiên cho biết lý do rút đơnlà để tự nguyện chấp nhận bản án sơ thẩm.

Bị cáo Hà Thành chứng minh số tiền này bằng việc đọc lại nội dung đã được nêu trong bản án (trang 188 – 189 bản án sơ thẩm) và đề nghị HĐXX truy thu cho mình để làm tài sản thi hành án.

HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Tùng đứng lên trước bục xét xử cùng đối chất với Nguyễn Thị Hà Thành để làm rõ nội dung số tiền 75 tỷ đồng mua cổ phần tại công ty MHD. Bị cáo Tùng xác nhận, Nguyễn Thị Hà Thành có 26% cổ phần tại công ty MHD (từ thời điểm 2018) và Ngân hàng Việt Á đang phong tỏa. Phần này nội dung bản án sơ thẩm chưa nêu nhưng trong HĐ thế chấp của bị cáo có nêu nội dung này.

HĐXX hỏi ý kiến đại diện của Ngân hàng Việt Á có đồng ý với việc Hà Thành muốn dùng số tiền (75 tỷ đồng hiện VAB đang phong tỏa - Pv) để khắc phục hậu quả cho VAB hay không, người bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng Việt Á cho biết: quan điểm của VAB thấy rằng, hiện tại số cổ phần này đứng tên bị cáo Nguyễn Thanh Tùng. Tại phiên tòa, nếu như HĐXX làm rõ đây là tài sản của Hà Thành thì sẽ chấp nhận khấu trừ cho Hà Thành. 

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc, người bào chữa cho bị cáo Hà Thành nói tại Toà: Số cổ phần này vẫn do Nguyễn Thị Hà Thành sở hữu. Thành thực hiện giao dịch dân sự bảo đảm và đồng ý cho Việt Á quản lý số tiền này với mục đích, khi thi hành án, cơ quan THA sẽ khấu trừ số tiền này. Luật sư đề nghị Ngân hàng Việt Á có ý kiến với đề nghị của Thành. Luật sư Ngọc cũng cho biết, tính theo trượt giá, số tiền Nguyễn Thị Hà Thành đầu tư hiện đang có giá trị lên tới hơn 100 tỷ đồng.

HĐXX ủng hộ bị cáo khắc phục hậu quả

Ngoài hai khoản tiền nêu trên, Nguyễn Thị Hà Thành cũng đề nghị HĐXX truy thu số tiền gần 42 tỷ đồng chênh lệch mà anh Triệu Đình Hoan đã thu của bị cáo vượt so với lãi suất quy định.

HĐXX phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Kiên Trung.

HĐXX phiên phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Hà Thành. Ảnh: Kiên Trung.

Bị cáo trình bày: nguồn tiền để mua cổ phẩn của MHD đều là tiền từ nguồn vay từ ngân hàng để mua cổ phần. Số tiền 10 tỷ đồng đưa cho Nguyễn Thị Thủy cũng có nguồn gốc từ các khoản vay.

HĐXX đề nghị Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng làm rõ mối liên hệ trong các hợp đồng mua cổ phần MHD; bị cáo Tùng xác nhận Thành đưa tiền cho bị cáo để mua cổ phần của MHD, còn nguồn tiền từ đâu bị cáo Tùng không biết.

“Các khoản vay đứng tên Nguyễn Thanh Tùng nhưng bị cáo đều không nhận tiền, vì các khoản vay đều chuyển tiền cho Thành. Bị cáo không được hưởng lợi từ các khoản vay của Thành. Bị cáo mong muốn có việc làm tại MHD nên giúp Hà Thành thực hiện các giao dịch mua cổ phần của MHD” – bị cáo Tùng khai trước Toà.

Bị cáo đề nghị HĐXX định giá lại khoản đầu tư (26% cổ phiếu tại MHD) để đảm bảo quyền lợi cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Toàn bộ quá trình mua cổ phần MHD, anh Tùng đứng ra thay bị cáo thực hiện giao dịch giúp. 

HĐXX cho biết, theo diễn biễn tại phiên phúc thẩm, vụ án có thể sẽ kéo dài tới ngày 29/3.

Bản án sơ thẩm ngày 24/3/2023, TAND TP.Hà Nội xác định "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành được 17 cựu cán bộ ngân hàng VietAbank, PVcombank và NCB tiếp tay trong việc lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với nhiều đại gia, hứa trả lãi suất cao.

Sau đó, Hà Thành giả mạo chữ ký để cầm cố sổ, vay tiền 3 ngân hàng trên.

Hành vi của các bị cáo khiến NCB thiệt hại hơn 47 tỷ đồng, PVcombank hơn 49 tỷ đồng và VietAbank hơn 273 tỷ đồng; 4 cá nhân bị rút 63 tỷ đồng, tổng cộng 433 tỷ đồng.

Cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Hà Thành tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 25 người còn lại bị tuyên phạt từ 12 tháng cải tạo không giam giữ đến 18 năm tù giam.

Mặc dù 3 ngân hàng đều đề nghị xem xét tư cách là "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", không phải "bị hại", cùng với việc nhận định sai phạm của nhóm cựu cán bộ các ngân hàng trên tạo điều kiện để Hà Thành chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho 3 ngân hàng.

Song cấp sơ thẩm tuyên 3 ngân hàng được tiếp tục tạm quản lý là 122 tỷ đồng đứng tên vợ chồng đại gia Đ.N.T. cùng hàng chục tỷ đồng của 4 đại gia đứng tên đồng sở hữu với Hà Thành.

3 đại gia còn lại được tòa tuyên buộc ngân hàng VietAbank trả lại tiền, không phong tỏa sổ tiết kiệm, với lý do số tiền họ đồng sở hữu với Thành không phải quan hệ vay nợ.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Tặng 2.000m2 đất cho ông Nhưỡng, ông Vân để 'về ở cùng cho vui'

Bị cáo Nguyễn Văn Vương khai, việc tặng ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân 2.000m2 đất tại Quảng Ninh để cảm ơn vì 'quý hai ông nên muốn rủ về ở cùng cho vui'.