| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản nhân tạo và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo

Thứ Tư 31/01/2024 , 09:06 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công và hướng đến nuôi thương mại cá khoang cổ nemo.

Chuyên viên Nguyễn Ngọc Đạt (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh) phụ trách nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá khoang cổ nemo. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chuyên viên Nguyễn Ngọc Đạt (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh) phụ trách nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá khoang cổ nemo. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại tỉnh Quảng Ninh, thủy sản là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với nuôi trồng thủy sản, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vừa nhằm sản xuất nhân tạo con giống mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn các giống loài thủy sản có giá trị.

Vùng biển tỉnh Quảng Ninh có vịnh và nhiều eo ngách lớn nhỏ là nơi tập trung nhiều loài cá, san hô có giá trị về đa dạng sinh học. Những năm gần đây, nhu cầu cá cảnh ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước đã thúc đẩy việc khai thác các loài cá cảnh và sinh vật cảnh ngoài tự nhiên. Việc khai thác quá mức cùng với những phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt đã hủy hoại nơi cư trú và làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển.

Cá khoang cổ nemo thích hợp sống trong môi trường có rạn san hô. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cá khoang cổ nemo thích hợp sống trong môi trường có rạn san hô. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ đó, gây những ảnh hưởng đáng kể đến tương lai nghề cá. Do đó, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo các loài cá cảnh biển là biện pháp tối ưu nhằm bổ sung nguồn lợi, góp phần giảm bớt áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên, đồng thời tăng khả năng cung cấp cá cảnh biển cho thị trường, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, và phục vụ nhu cầu phát triển nghề cá giải trí tại tỉnh.

Các nhà khoa học đã thống kê được tại Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có 419 loài sinh vật phù du, 181 loài  san hô, 156 loài cá, 139 loài rong biển, 5 loài cỏ biển và 19 loài thực vật ngập mặn, thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy biển và động vật tự du...

Tuy nhiên, những năm qua, việc gia tăng các phương tiện khai thác thủy sản trên vịnh Hạ Long cùng với các kiểu đánh bắt tận diệt của ngư dân khiến các loại thủy sản suy kiệt nghiêm trọng, đặc biệt có nhiều loài có nguy cơ biến mất hoàn toàn và ảnh hưởng tới hệ sinh thái của vịnh Hạ Long.

Cặp cá khoang cổ nemo bố mẹ đẻ trứng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cặp cá khoang cổ nemo bố mẹ đẻ trứng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất nhiệm vụ "Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương mại cá khoang cổ nemo" với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng. Sau quá trình hơn 5 năm nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc sinh sản nhân tạo, xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi cá khoang cổ nemo phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng biển Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, kết quả của đề tài đã và đang được ứng dụng góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá cảnh tại địa phương. Đặc biệt, các đối tượng cá cảnh biển sẽ được nhân rộng cho vùng ven biển Quảng Ninh, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Việc sản xuất đại trà con giống cũng sẽ góp phần giảm bớt khai thác nguồn lợi cá san hô hoang dã, bảo tồn các loài cá này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở nước ta.

Ông Nguyễn Ngọc Đạt, chuyên viên phụ trách đề tài thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sản xuất, kinh doanh cá cảnh biển đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn nhiều đối tượng thủy sản khác có cùng điều kiện đầu tư. Theo đó, cá cảnh là nhóm sản phẩm thủy sản tiềm năng, có thể mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành thương mại hóa cá khoang cổ nemo và nghiên cứu thêm một số giống cá mới để phục vụ thị trường, hướng đến khách hàng có niềm đam mê với cá cảnh biển, cũng như phát triển nghề cá giải trí ở Quảng Ninh", ông Đạt cho biết.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.