Cánh rừng “vô chủ”
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ (Bình Định), giai đoạn từ năm 2013 - 2015, một số hộ dân ở thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) lấn chiếm diện tích đất chưa sử dụng, nhưng đã được quy hoạch là đất rừng phòng hộ tại Tiểu khu 131 (khu vực hồ chứa nước Vạn Định) với diện tích hơn 45ha để trồng keo. Việc lấn chiếm đất rừng lồ lộ mà không bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.
Khi “chuyện đã rồi”, UBND xã Mỹ Lộc “chữa cháy” bằng cách thông báo đến người dân địa phương nếu ai biết đối tượng lấn chiếm đất trồng rừng trái phép tại tiểu khu 131 thì đến UBND xã khai báo, để chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hết thời hạn thông báo mà không ai đến khai báo, cũng không có ai nhận là chủ sở hữu rừng keo trồng trên đất lấn chiếm.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; cuối năm 2016, UBND xã Mỹ Lộc cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Bình Định tiến hành chặt bỏ toàn bộ cây keo trồng trái phép tại Tiểu khu 131 nói trên. Trong quá trình thực hiện không có người dân nào phản ứng, ngăn cản hoặc khiếu nại, khiếu kiện.
Cuối năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ phối với UBND xã Mỹ Lộc tổ chức trồng lại rừng theo tiêu chí phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 131 bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế. Thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, một số hộ dân ở thôn Vạn Định (xã Mỹ Lộc) đã ngang nhiên ngăn cản, đe dọa lực lượng chức năng không cho trồng rừng. Những đối tượng này còn táo tợn giữ cả xe ô tô của Ban Quản rừng phòng hộ và Công an huyện Phù Mỹ tại hiện trường suốt 2 ngày 1 đêm. Dù được chính quyền địa phương giải thích, vận động, nhưng những hộ dân nói trên vẫn “dàn quân” ngăn cản, không cho Ban Quản rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ tiếp tục trồng rừng. Do đó, việc trồng rừng kể như bất thành.
Đến năm 2018, số cây keo trên đất lấn chiếm bị chính quyền địa phương và ngành chức năng phá bỏ vào cuối năm 2016 đã tái sinh và sinh trưởng tốt. Do đó, UBND huyện Phù Mỹ đề nghị UBND tỉnh Bình Định cho giữ lại để tiếp tục quản lý, bảo vệ và được tỉnh thống nhất. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác theo quy chế rừng phòng hộ. Đồng thời chỉ đạo đơn vị này kiên quyết ngăn chặn tình trạng người dân tiếp tục lấn chiếm đất để trồng rừng trái phép như trước đây.
Tuy nhiên, dù đã có ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Phù Mỹ, nhưng sau đó Ban Quản lý rừng phòng hộ không làm việc với UBND xã Mỹ Lộc và các cơ quan liên quan để lập thủ tục pháp lý và tiến hành khoanh nuôi bảo vệ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định. Cánh rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vạn Định trở nên “vô chủ”!
Cuối tháng 7/2023, những hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ để trồng keo trái phép trước đây mới lộ diện, thông qua lá đơn của 20 hộ dân ở thôn Vạn Định gửi UBND xã Mỹ Lộc, xin được khai thác rừng trồng tái sinh trên diện tích hơn 45ha tại tiểu khu 131 để thu hồi vốn đầu tư, cam kết sau khi khai thác xong sẽ trồng lại rừng theo tiêu chí rừng phòng hộ.
Xử lý lúng túng
Thế nhưng UBND huyện Phù Mỹ không thỏa hiệp với kẻ làm sai, nên không cho phép 20 hộ dân nói trên khai thác rừng trồng tái sinh tại khu vực hồ Vạn Định. Đồng thời, UBND huyện Phù Mỹ giao Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích hơn 45ha rừng trồng tái sinh nói trên, vì đến nay diện tích rừng này chưa làm thủ tục bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý. UBND huyện Phù Mỹ còn chỉ đạo xã Mỹ Lộc phải phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hộ dân cố tình vi phạm, cho đến khi diện tích rừng này được bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, vào ngày 6/9/2023, nhiều người dân đã tự ý vào khu vực hồ Vạn Định lén lút khai thác diện tích rừng nói trên. Nhận được tin báo, lực lượng kiểm lâm huyện Phù Mỹ lập tức tổ chức kiểm tra. Khi xe của tổ công tác đến ngã 3 Tân Ốc đi Vạn Định (xã Mỹ Lộc), cách hiện trường khoảng 3km, thì những đối tượng khai thác rừng trái phép đã tẩu tán số keo khai thác khỏi hiện trường.
Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi thấy hàng loạt cây rừng bị đốn hạ tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 131 (xã Mỹ Lộc). Những cây rừng bị đốn hạ có dấu cưa còn rất mới, có cây có đường kính lớn hơn 30cm. Theo ông Phan Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện có khoảng 4.600m2 rừng nằm trong khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ bị khai thác trái phép, nhưng chưa xác định được thủ phạm. Những cây keo bị khai thác có đường kính từ 10-30cm.
Đến ngày 10/9, lợi dụng ngày Chủ nhật, nhiều người dân lại lén lút đưa máy cưa vào cánh rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131 tiếp tục khai thác, nhưng nhờ lực lượng kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên cánh rừng không bị xâm hại thêm. Để làm rõ đối tượng khai thác rừng phòng hộ và vận chuyển gỗ khai thác trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với Công an xã Mỹ Lộc điều tra, xác minh đối tượng để xử lý.
Theo ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, sau khi đã có chủ trương của tỉnh và huyện, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Phù Mỹ không tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để lập thủ tục tiếp nhận hơn 45ha rừng trồng tái sinh. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị này cũng không tổ chức quản lý, chăm sóc, bảo vệ hoặc giao khoán diện tích này cho người dân chăm sóc, bảo vệ; dẫn đến tình trạng những hộ dân vi phạm trước đây lén lút chăm sóc diện rừng đang tái sinh để bây giờ họ có cớ để xin khai thác nhằm thu hồi vốn đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tố, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, thì khu vực rừng phòng hộ bị khai thác trái phép chưa được huyện giao cho đơn vị này quản lý. “Việc khai thác rừng trái phép nói không thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ”, ông Tố khẳng định.
Nói về trách nhiệm để xảy ra khai thác rừng trái phép, ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, cho rằng về mặt nguyên tắc, diện tích rừng phòng hộ nói trên chưa giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý thì trách nhiệm quản lý thuộc về UBND xã Mỹ Lộc.
Diện tích rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 131 nằm trong khu vực hồ chứa nước Vạn Định bị khai thác trái phép trong bối cảnh chẳng đơn vị nào nhận trách nhiệm quản lý khiến Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ cũng lung túng trong việc giải quyết, vì cánh rừng này chưa xác lập quyền sở hữu.
“Để xử lý vụ việc đúng quy định, chúng tôi đề nghị Huyện ủy Phù Mỹ tổ chức cuộc họp, thành phần tham gia là các ngành nội chính trong huyện gồm Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Phòng Tư pháp và Hạt Kiểm lâm lấy ý kiến tham vấn các ngành, để việc xử lý được thích đáng”, ông Ngô Khánh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, đề xuất.