| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng có thêm nhiều giống lúa chịu mặn vượt trội

Thứ Sáu 31/07/2020 , 12:11 (GMT+7)

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng hợp tác với các viện, trường khảo nghiệm, tuyển chọn ra hàng chục giống lúa mới có khả năng chịu mặn vượt trội.

Đánh giá giống lúa mới tại ruộng lúa thực nghiệm Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Đánh giá giống lúa mới tại ruộng lúa thực nghiệm Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Tìm giống lúa thích ứng

Tỉnh Sóc Trăng có vị trí địa lý nằm kề biển Đông với bờ biển dài 70 km và tiếp giáp mặn từ hai phía biển qua cửa sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Hằng năm phần lớn đất canh tác lúa ở các huyện Trần Đề, Long Phú, 6 xã vùng lúa - tôm Mỹ Xuyên và một phần thị xã Vĩnh Châu thường xuyên đối mặt xâm nhập mặn theo mùa khô.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua nông dân vẫn canh tác lúa trúng mùa nhờ lịch thời vụ thích hợp và nhất là lựa chọn giống lúa thích nghi tốt, năng suất cao và phẩm chất gạo ngon như: ST20, ST24, OM4900, OM6976…

Đến những năm gần đây, một số diện tích canh tác lúa ở Vĩnh Châu nông dân chuộng trồng giống cũ IR42 và Một Bụi Đỏ. Riêng giống lúa OM380 kiểm chứng khả năng chịu mặn cục bộ trong 2-3 tuần với độ mặn 2‰ vẫn giữ được năng suất. 

TS Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm thực hiện liên kết với Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Đại học Cần Thơ, đã khảo nghiệm, tuyển chọn, thanh lọc các dòng lúa có triển vọng, là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và nhà lưới của Viện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng quan tâm đến các biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng - vitamin, chế phẩm sinh học, hóa chất cải tạo đất, kỹ thuật tưới tiêu, cải tạo đất... giúp cây lúa chịu đựng tốt hơn trong điều kiện bị nhiễm mặn. Kết hợp được giống lúa chịu mặn cùng biện pháp kỹ thuật giúp tăng tính chịu mặn của cây lúa lên cao hơn. Ngoài tính chịu mặn ra, giống lúa mới phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh tốt mới được nông dân ưa thích, đưa vào sản xuất như: OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166, OM9577...

Hiện bên cạnh bộ giống lúa thơm đặc sản ST như ST20, ST24, ST25 có khả năng chịu mặn 2‰, các giống lúa khác được nông dân tỉnh Sóc Trăng lựa chọn sản xuất nhiều có: OM6976, OM4900, OM5451, OM576, OM380, OM3673, chính là xuất phát điểm từ quá trình khảo nghiệm, tuyển chọn của Trung tâm Giống và các đề tài khoa học chọn tạo giống lúa thơm của tỉnh. Đây là các giống ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chống chịu với những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nông dân ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng quen chọn giống lúa ST. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng quen chọn giống lúa ST. Ảnh: Hữu Đức.

Đồng hành cùng với việc tuyển chọn giống mới, Trung tâm giống thực hiện “Xây dựng mô hình liên kết và tiêu thụ lúa đặc sản” để đảm bảo người trồng lúa có lời, chọn giống lúa tốt để sản xuất, nông dân được tập huấn kỹ thuật mới như “3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm” để hạn chế về những chi phí không cần thiết, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Điều quan trọng nhất, sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ lúa thuận lợi, mở ra hướng đi bền vững cho người trồng lúa.

Giống lúa chịu mặn khá

Theo TS Trần Tấn Phương, vấn đề nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa năng suất cao, thích nghi tốt và có khả năng chịu mặn nhằm đáp ứng nguồn giống chất lượng cho địa phương là vấn đề cấp thiết, được Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Kết quả khảo nghiệm cơ bản, so sánh giống: đánh giá được một số giống nổi bật OM6932, OM359, OM232 và các giống được đánh mã số LP, D... (LP viết tắt Long Phú và D – viết tắt dòng), như: LP31, D535, LP2, LP3, LP11, LP22, LP24, LP26, LP31, LP36, LP37, LP39, LP41, LP42, D2-3, D16-1, D21-3, D40-1, D40-2, D41, D42, D45, D46, D49-19, D50-3, D53-7, D53-8, D54, D60-4, D63, D530, D530-1, D535, D534-1...

Trung tâm Giống cây trồng đã sản xuất thử giống mới, đánh giá được một số giống triển vọng, thích nghi rộng tại các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh, năng suất vượt trội trên 10% so với các giống sản xuất đại trà hiện nay (OM4900, OM6976, OM5451, Đài Thơm 8…), như: LP39, LP43, D535, LP21, LP24… được nông dân đón nhận mở rộng diện tích sản xuất.

Các giống được chọn đều đạt các tiêu chí về đặc tính nông học, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với từng mùa vụ, trọng lượng hạt, năng suất khá cao và có tiềm năng phát triển, đặc biệt là khả năng chịu mặn của các giống được chọn hầu như đạt mức khá trở lên.

Các giống lúa triển vọng của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Các giống lúa triển vọng của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng cho biết sẽ tiếp tục duy trì công tác chọn tạo giống lúa mới cung cấp nguồn giống chất lượng cho địa phương và giới thiệu để nông dân ứng dụng canh tác.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.