| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt trên 920 triệu USD

Thứ Năm 16/12/2021 , 17:03 (GMT+7)

Sóc Trăng Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt trên 920 triệu USD

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh Sóc Trăng, có diện tích nuôi trồng thủy sản các loại đã được thả nuôi là 76.530 ha, với tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 337.400 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 70.100 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản 267.300 tấn. Đặc biệt là diện tích tôm nước lợ được thả nuôi cả năm 2021 đạt 53.000 ha.

Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi) và tôm sú 13.000 ha (chiếm 75,5% diện tích thả nuôi). Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Bên cạnh đó, nhu cầu giống tôm nước lợ đã thả nuôi là gần 16.500 triệu con giống (tôm thẻ chân trắng ước trên 14.320 triệu giống).

Ngành thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Nhã, trong những tháng đầu năm 2021 giá tôm luôn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhưng đến thời điểm từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8/2021 là khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá tôm liên tục giảm. Từ đầu tháng 9 đến nay giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt 927 triệu USD.

Mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại chỉ xảy ra ở mức khoảng 6%. Đây là một tín hiệu khả quan và đã phát huy hiệu quả tốt công tác chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh.

Hơn nữa, việc thả nuôi đã được người dân bố trí theo mô hình thả cuốn chiếu. Áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến bộ, chú trọng công nghệ, nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm đã góp phần hạn chế được thiệt hại, mặc dù thời tiết đầu vụ nuôi có xảy ra nắng nóng kéo dài.

Khó khăn lớn nhất ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng đối mặt trong năm 2021 là sự tác động rất lớn của tình hình dịch bệnh Covid-19 làm cho giá tôm thương phẩm thấp, diện tích thiệt hại nhiều nhất tập trung vào tháng 7, chủ yếu là do sự biến động của môi trường.

Để ứng phó, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời thông tin về giá cả thị trường, quan trắc môi trường, dịch bệnh cảnh báo kịp thời cho vùng nuôi. Việc tuyên truyền đã tác động hiệu quả đến người nuôi, diện tích ao đất thả nuôi mật độ thưa hơn do áp lực của giá các yếu tố đầu vào tăng, giá tôm giảm, người nuôi ao đất đã nắm bắt được thông tin và tính toán được là phải giảm mật độ để nuôi tôm kích cỡ lớn.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật

Để góp phần thắng lợi chung cho ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì vai trò của công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tuyên truyền các văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành đến từng hộ dân là hết sức quan trọng.

Trong năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức được 166 lớp tập huấn với các nội dung về chuyển giao khoa học kỹ thuật như nuôi các đối tượng: tôm nước lợ, cá kèo, cá chốt, tôm càng xanh, lươn,… và tuyên truyền các văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành. Đặc biệt là tuyên truyền thực hành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác. Ngoài ra, công tác xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả mới, công nghệ tiên tiến đến với người dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Kết quả trong năm thực hiện 126 mô với các nội dung như nuôi cá chốt nghệ - sử dụng thức ăn nhân tạo, nuôi luân canh tôm sú – lúa, xen canh tôm càng xanh toàn đực – lúa. Nuôi vọp, ốc len, cá hồng mỹ, nuôi tôm theo hướng VietGAP, nuôi tôm sú ghép với cá rô phi, kết hợp nuôi cá đối mục trong ao lắng. Mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín, nuôi tôm kết hợp cá rô phi, nuôi tôm có hố xi-phon, nuôi 2-3 giai đoạn…

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 139 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 139 sản phẩm OCOP được chứng nhận. Ảnh: Trọng Linh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Sóc Trăng có 3/10 huyện, thị xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 105,5% chỉ tiêu nghị quyết), trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh có 139 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 28 sản phẩm 4 sao, 111 sản phẩm đạt 3 sao và sản phẩm gạo ST24 được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.