Đó là ngôi làng cổ được coi là đẹp nhất Tây Nguyên, trong ký ức và nỗi nhớ của nhiều người làng Kon Sơ Lăl thì dù đã chuyển về làng mới ở nhưng đó vẫn là ngôi làng của mình, thân thiết nhất, gần gũi nhất.
Làng cháy
Hơn 50 năm qua, làng Kon Sơ Lăl (làng cũ, xã Hà Tây, chuyện Chư Păh, Gia Lai) ẩn sâu trong một thung lũng xanh tươi. Ngôi làng có vài chục nóc nhà sàn đắp đất quây quần bên nhà rông sừng sững. Màu vách tường hoàng thổ, màu mái rạ nâu, màu gỗ trắc mộc mạc quyện với màu đất đỏ bazan. Đó là ngôi làng cổ còn giữ lại hầu như nguyên vẹn nhất những ngôi nhà cũ trên miền cao nguyên này.
Kon Sơ Lăl này là nơi đầu tiên họ được nuôi lớn, nơi tâm hồn họ thấm đẫm trong văn hóa dân tộc mình. Những người già vẫn thủy chung với làng cũ có lẽ vì trong sâu xa, họ tìm thấy ở đó những gì thiết thân nhất, gần gũi nhất.
Thế nhưng rời làng cũ về làng mới chưa được bao lâu thì làng đã cháy trong một cơn giông giữa mùa khô chiều ngày 29/4/2015. Khi ấy trong trời chiều, tiếng gọi thảng thốt của già Chor gọi váng giữa tiếng ầm ĩ của cơn giông miền cao nguyên trung phần. Nghe tiếng thảng thốt của già Chor, người làng lũ lượt đổ ra.
Nhưng làng đang ở đâu có cháy. Cháy làng cũ thôi. Làng cũ cách làng mới vài chục tầm con dao quăng. Đứng từ làng mới nhìn về phía làng cũ thấy lửa rực một góc trời giông đen kịt. Cứu làng! Cứu làng! Hàng trăm tiếng gọi nhau khản đặc của người làng Kon Sơ Lăl, tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kêu than kinh động cả Yang trời, Yang đất.
Bốn trăm mấy chục con người, già có, trẻ có, nam có, nữ có chạy mải miết về phía làng cũ. Chiếc cầu treo đầu làng cũ chao nghiêng như cánh lá dưới bước chân của mấy trăm con người. Nhưng rồi những bước chân chậm dần, chậm dần và đứng lại, sít bên nhau.
Làng đã cháy! Cháy từ nhà rông trăm tuổi, cháy sang những ngôi nhà sàn của những người già khác, cháy trong sự bất lực. Cơn gió xoáy oan nghiệt lại như trêu người, cứ cuốn tàn lửa từ nhà cháy sang nhà khác. Người làng thì chỉ biết lấy cành cây dập lửa vì không có nước. Tây Nguyên đang mùa khô hạn mà. Cành cây rồi cũng cháy.
Già Chor, người làng bất lực đứng nhìn ngọn lửa hung bạo thiêu rụi từng ngôi nhà. Một nhà, hai nhà, rồi cả chục nhà. “Cháy hết rồi! Còn gì của cha ông nữa!”, già Chor lẩn thẩn tự bảo với mình như thế. Dân làng Bahnar của Kon Sơ Lăl khuỵu xuống, thảng thốt. Cơn giông không trút mưa xuống mà sao trên mặt ai cũng đầy nước.
Già Chor đau đáu nhìn về phía ngọn lửa, về phía từng mái gianh nhà sàn thành tro bốc lên theo gió xoáy, nhìn từng chiếc cột nhà đỏ ối màu lửa dần đổ xuống. Những người già trong làng đau ngay lồng ngực, không còn sức để nói.
Đó là ngôi làng cổ được coi là đẹp nhất Tây Nguyên, trong ký ức những người già của làng già Chor, già Hyưnh, già Xôn… trong nỗi nhớ của nhiều người làng Kon Sơ Lăl này thì dù đã chuyển về làng mới ở nhưng đó vẫn là ngôi làng của mình, với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: Cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại dù chỉ là một chiếc đinh.
Quần tụ quanh nhà rông vẫn là những ngôi nhà sàn truyền thống của người BahNar không kém phần bề thế, và tất nhiên là những nguyên liệu cũng hoàn toàn lấy từ rừng. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng. Những ngôi nhà tranh lá ấy lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào nhưng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ. Đó là ngôi nhà rông Bahnar truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ lên mấy chục năm với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay.
Ngôi làng ấy, có giá trị không chỉ bởi là làng cổ, mà còn có giá trị về kinh tế rất lớn bởi các loại gỗ trắc, lim, hương được dùng để dựng lên. Cách đây gần 20 năm, khi biết được giá trị của ngôi làng, nhiều thương lái săn mua gỗ đã tìm đến làng dụ người dân bán nhà để lấy gỗ. Có căn nhà được trả giá vài trăm triệu đồng, hay nhà rông được trả tới gần 4 tỷ, một con số quá khủng khiếp với người làng vào năm 2002, có thương lái còn mạnh dạn đề nghị xây nhà rông mới, tặng hàng trăm chiếc xe máy tay ga cho người làng, chỉ để đổi lấy nhà rông. Tuy nhiên, chủ nhân của làng quyết không bán dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vậy mà…
Xung quanh những đám khói nghi ngút, những người con trai, những người con gái, cả những bà mẹ bồng con cũng cặm cụi nhặt lại từng thanh gỗ, từng mẩu tre, cần mẫn như con kiến, tìm chút gì của ký ức đặng tha về tổ, chút ký ức loang lổ như đám cháy. Tất cả lặng im, cái im lặng đến nao lòng.
Dựng dậy “người khổng lồ” giữa rừng xanh
Sau trận hỏa hoạn chiều hôm ấy, làng cũ chẳng còn lại mấy sau vụ cháy. 12 căn nhà đã bị thiêu rụi, trong đó có nhà rông đẹp và nổi tiếng nhất vùng này. Đó là 12 nỗi nhớ của chủ nhân nhưng lại là cả ngàn nỗi nhớ, sự khắc khoải đến tê tái của lớp trước, của lớp bây giờ, của cả lớp trẻ phía sau nữa với làng cũ.
Phải mất một ngày một đêm, người dân trong làng mới dọn hết được những gì còn sót lại do đám cháy oan nghiệt gây ra. Nỗi đau buồn đã bao trùm lên toàn bộ ngôi làng. Như mế Chưm đã nằm khóc một ngày đêm mà không ăn bất kì thứ gì, những người già, người trẻ trong làng vừa dọn dẹp vừa khóc.
Tôi đã từng nhiều lần đến thăm làng, biết cái bụng của người Bahnar thương làng cũ lắm. Không chỉ riêng người già, mà cả lũ trẻ cũng vậy. Nhớ một lần lang thang chụp ảnh nhà rông làng cũ cách đây mấy năm khi người làng đa phần đã chuyển sang làng mới ở cách đó chừng 3km, làng cũ chỉ còn lại mấy cụ già không muốn xa nơi này. Thấy tôi chụp ảnh, lũ trẻ nhao nhao chỉ cái đẹp nhất của làng để tôi ghi lại. Hóa ra, ngay cả với lũ trẻ năm ấy, cái đẹp của làng cũ đã in đậm trong tâm trí chúng rồi.
Một vài năm trôi qua, có một vài người làng về với Yang Trời, nhưng nỗi đau đáu về nhà rông của làng vẫn còn truyền mãi cho những già làng sau này như già Xôn. “Làng không có nhà rông như nhà không có bếp, như buổi sáng không có tiếng gà gáy, như ban ngày không có ánh mặt trời”, già Xôn bảo với lũ làng như thế khi quyết định cùng cả làng góp công góp của dựng lại nhà rông mới.
Sau khi nghe tin làng cháy, một số thương lái săn gỗ trắc đã vào làng tìm mua những gì sót lại của đám cháy. Dù những ngôi nhà gỗ trắc đã bị cháy gần hết, như nhà già Chor vẫn được thương lái trả giá 20 triệu cho những trụ gỗ trắc đã bị lửa thiêu gần hết. Những trụ gỗ của nhà rông còn sót lại cũng được thương lái liên tục hỏi mua.
“Người Bahnar mình quan niệm không bao giờ dùng lại những đồ bị sét đánh, vì có dùng thì sét cũng theo đánh lại cho bằng được. Nhiều người đã hỏi mua những trụ gỗ của nhà rông nên làng sẽ họp cả làng để thống nhất ý kiến của cả làng rồi mới quyết định. Rồi số tiền bán được đã được dùng để mua nguyên vật liệu dựng lại nhà rông mới!”, anh Yưuh thôn trưởng cho biết.
Người làng đã bỏ ra 1 năm để chuẩn bị nguyên liệu, gần 4.000 ngày công. Và già Xôn là “tổng công trình sư” cho nhà rông mới ấy, dù già không biết chữ. Nhưng với già, từng góc cột góc kèo, từng nan mây, từng hoa văn của nhà rông cũ đã hằn in trong trí nhớ rất siêu phàm, như thể từ trong ấy cuồn cuộn tuôn ra tri thức, ra chất xám, ra văn hóa, ra kinh nghiệm, ra từng trải... để dẫn dắt người làng từng chút một dựng lại nhà rông.
Nhà rông mới cứ thế được hoàn thành mà không cần bản vẽ thiết kế, bởi nó được làm từ những đôi tay, khối óc và trái tim dân làng với ký ức không bao giờ quên lãng về nhà rông cũ. Nhà rông mới đẹp đến nỗi đã vào rồi, sẽ không muốn rời đi. Sau 4 tháng ròng rã, nhà rông mới đã được hoàn thành vào tháng 8/2017 trên nền nhà rông cũ, và trở thành nhà rông lớn nhất Tây Nguyên bây giờ với chiều dài là 23m, cao 20m, rộng chính giữa là 12m, rộng 2 bên mỗi bên 10m.
Làng Kon Sơ Lăl cũ nay đã thưa vắng bóng người nhưng dấu tích quần cư xưa vẫn còn ẩn hiện, nhiều loại cây ăn trái quen thuộc như me, vú sữa, nhãn, ổi, xoài… đã hóa cổ thụ. Kol Sơ Lăl cũ chỉ còn mấy người già sinh sống, toàn bộ cư dân đã chuyển ra tái định cư ở làng mới, để được hưởng chính sách điện đường trường trạm. Những người già ấy quyết ở lại làng, sinh sống như cách tổ tiên họ đã hàng ngàn năm sinh sống với rừng. Họ muốn sống và chết ở đó.