Thì bán được nhiều nên hàng chạy, nguồn về tươi, quy luật của những nơi làm ăn tín nhiệm. Sở dĩ mẹ thích món này là vì mẹ đã già, mẹ sống với ký ức và ăn kỷ niệm.
Nhớ ngoại héng mẹ, cá lóc thời xưa của tự nhiên, mua được hay kiếm được thì ngoại xọc một nhánh tre thẳng xuyên từ đầu đến đuôi cá, nhóm bếp củi và nướng trên lửa ngọn, xong, cạo vảy cháy, hơ tiếp trên than hồng. Các cháu chạy ra vườn, một rổ rau, mấy trái khế mấy trái chuối xanh. Đích thân ngoại đi làm nước mắm me, phải nước mắm me mới xứng với con cá lóc nướng trui.
Nếu mẹ còn đủ đôi có lẽ con gái không phải ship hàng cho mẹ. Đơn giản vì ba và mẹ sẽ tíu tít nấu và nướng, tùy thích. Giãn cách ư, thì chỉ cần vài người bà con hay vài người bạn, trong không gian khác thường. Không còi xe inh ỏi, không lũ xe máy hứng chí điên dại, không thả ga karaoke, không tiếng rao hàng, không cả âm thanh lạc giọng của các chị em ve chai đồng nát. Như mọi thứ đứng khựng lại, không ngạc nhiên ngơ ngác, chỉ giật thót khi biết tin ai đó rất trẻ vừa nhảy cầu.
Dễ đến hai bữa ăn mẹ mới dần nổi con cá to này. Còn nửa kia? Sẽ lọc lấy đầu và xương nấu với một nắm gạo, thịt lọc ra ướp với thì là rồi cho vào sau. Món này ba gọi cháo nấu ám, tức là cá được nướng lên, rất thơm. Tinh tế và tận dụng được hết chất ngọt có mùi của xương cá, và từng miếng cá trắng muốt, cũng rất thơm.
Làm và nhớ thời xoay được một con cá lóc to như vầy. Sao gọi là xoay? Hoặc ba đi câu được, hoặc mua được. Cá phải to mới không tanh, cá lão, một trự cá, sự ngon của nó là dạn dày, từng trải, cả một đời vận động để tồn tại và đã đến lúc chầu trời. Hai bên má cá và hai thẻo thịt trên xương bụng cá dẻ thơm như thể thịt gà.
Nước mắm me con gái biết mẹ thích nên làm cả một lọ to. Ăn dần với cá khô cùng với xoài xanh. Chúng ta đã vượt qua mấy thập kỷ bằng thứ cá khô với thứ me này. Cá ngoại làm khô, gửi từ quê lên, gạo cũng từ nhà ngoại, thời còn chưa sắm nổi nồi cơm điện nên gạo phải nấu trong nồi gang, trên bếp than đước, có hôm hết tiền mua than, nấu bằng vỏ dừa xin được ở các hàng quán đem về phơi khô.
Món cá khô nước mắm me nằm bàn, bên cạnh là canh bầu canh mướp cũng mẹ con mình tự túc được từ sân thượng khu tập thể. Cây tốt nhờ phân xanh mẹ tự ủ, trộn với tro than để hoai. Con và em đã lớn lên như vậy, kiên cường chật vật và tử tế.
Mẹ để ý thấy khi đã nhà riêng chồng vợ và hai con đề huề, con gái của mẹ vẫn hay nhắc nhớ ngoại và làm theo ngoại khi phân loại một mớ rau muống. Rau thật non gói riêng, dành để trụn tái rồi xào tỏi, rau non vừa vừa để luộc, riêng cái gốc già sau khi rửa sạch sẽ luộc hết lên, luộc nhừ rồi bỏ xác, lấy nước vắt chanh làm canh.
Mẹ thấy con giống hệt mẹ khi nước mắm ăn dư trên bàn ăn, con dọn vào hết, lọc lại, nấu lên, để dành cho kho nấu, không đổ bỏ một giọt nào. Cầm một củ tỏi hay vốc hành tím lên, sẽ xem kỹ nhánh nào có nguy cơ cầm cự kém thì sẽ ăn trước. Luôn luôn như vậy.
Mẹ biết chung quanh ta không ít người cũng sống chậm lại như vậy. Nhớ và nghĩ. Không ai là không nhớ và nghĩ cái thời 20 hoặc 30 năm trước. Gạo vừa đủ trong nhà, nước mắm chỉ một thứ để kho và cả để pha chế, mỡ heo mua lẻ từng mấy trăm gờ-ram, nhà ai sang lắm mới có bếp gas, những cuộn giấy toa-let còn xem là xa xỉ...
Chỉ chúng ta mới biết đã có lúc còn tệ hơn như vầy, chỉ có chúng ta, mỗi nhà mỗi kho ký ức xám. Và chỉ có mỗi chúng ta mới hiểu nhờ cái gì mà đã ngoi lên được để thở và để sống. Rồi thì, hầu như số đông đã bỏ rất xa thời kỳ quặc ấy.
Sự yên tĩnh hôm nay chắc chắn là bắt buộc. Barie vô hình đã hiện diện khắp nơi, gần hai năm nay. Tặc lưỡi nói, thôi, sống chậm cũng hữu ích chứ sao, nói túng kiểu AQ hay nói thật lòng? Mẹ nghĩ là có một bàn tay vô hình đã bắt cả nhân loại bước chậm lại và nhìn vào bên trong mình. Không có gì khiến số đông cùng trong một tình thế, một tình trạng, một hành xử mà lại vô lý cả. Đúng, không gì tự dưng và vô lý cả.
Cách nhau có 10 cây số mà mẹ con ta cách trở, như đã từng hồi năm ngoái. Mẹ khoan thai một mình, sả chanh trong tủ mát, cam tươi trên bàn, Vitamin C và paracetamol trong tủ thuốc. Bếp gọn ghẻ, không một mẩu gì thừa, sẵn sàng nếu như xã hội đứng lại rồi trôi lùi một quãng. Tự nhắc, kiên cường, đã từng như vậy, cứ kiên cường. Rồi ngày mai trời lại sáng.