| Hotline: 0983.970.780

Sống mòn trong những dự án... bất động 10 năm nay

Thứ Ba 17/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Xóm ấy có gần 100 nóc nhà nằm trong dự án Thương mại - Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. 

Từ gần 10 năm trước, khi Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có được dự án này, cũng là lúc người dân ở đây phải sống chui rúc trong những ngôi nhà lụp xụp, phải chịu cảnh không điện, không nước.
 

Điện, nước là điều xa xỉ

Nếu tính đường chim bay, ước chừng cái "xóm ổ chuột" ấy chỉ cách Phú Mỹ Hưng, khu đô thị sầm uất với những toà nhà cao vút, những căn biệt thự sang trọng, chừng chưa đến 1 cây số. Đến đây, ngước lên là thấy những toà nhà cao tầng lô nhô của khu đô thị Phú Mỹ Hưng che hết tầm mắt, nhìn xuống, thấy xóm nghèo với những căn nhà rách như tổ đỉa. Đó là 2 bức tranh tương phản gây ấn tượng không hề nhỏ đối với chúng tôi.

12-44-50_nh_1
12-44-50_nh_4
Người dân xóm ổ chuột dự án Khu dân cư Phước Kiển và những “ngôi nhà" họ đã chui ra chui vào gần 10 năm nay

Đường vào khu dân cư Phước Kiển rộng khoảng 1m. Dù đã được trải bê tông nhưng đã xuống cấp do nhiều năm không được tu sửa. Khu dân cư có 94 hộ dân, lọt thỏm trong dự án 91ha. Ngoài những nơi có nhà dân, phần lớn diện tích của dự án từ nhiều năm nay đã bị cỏ dại cao lút đầu người bao trùm. Những căn nhà tạm bợ nằm chênh vênh trên bờ kênh, rạch, bên dưới nước đen ngòm, bốc mùi hôi nồng. Toàn bộ nước và rác thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống kênh này, sau đó dẫn ra rạch Cây Khô và sông Ông Lớn.

Toàn bộ những ngôi nhà ở đây đều xuống cấp nghiêm trọng, một vài căn thuộc loại “sang”, có tường gạch thì cũng đã xiêu vẹo, trên tường nhiều khe nứt chạy ngoằn ngoèo, chằng chịt. Còn đa số những ngôi nhà khác được lợp, che chắn tạm bợ bằng tôn, vải nhựa thì rách te tua, trống trước hở sau.

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Tý ở ấp 5, dù được xây đàng hoàng nhưng từ khoảng hơn năm nay căn nhà đang trong tư thế nghiêng mình xuống kênh. Nền nhà, tường, cột nứt nghiêm trọng.

“Nhà cấp 4, xây trên nền đất yếu từ hàng chục năm nay, lại không được nâng cấp, sửa chữa gì, không xuống cấp mới là chuyện lạ. Giờ lo nhất là không biết nó sụp xuống kênh lúc nào”, anh Tý nói.

Đi sâu vào khu dân cư, người dân càng khổ hơn, nhiều “nhà” rộng chưa đến 10m2, mái tôn, vách cũng bằng tôn, bên trong ẩm thấp, chật trội, dù nội thất chẳng có gì. Nơi đây từng vài lần là nơi bùng phát dịch sốt xuất huyết.

“Ở đây mùa mưa thì dột, mùa nắng thì chẳng khác gì cái lò bát quái. Nhiều khi tôi nghĩ thấy sức chịu đựng của mình “siêu” thật, cỡ nào cũng chịu được, riết rồi quen”, ông Nguyễn Văn Chín, ở ấp 5, cười buồn.

12-44-50_nh_5
Nước máy mua về được chứa trong những chiếc thùng nhựa, lu sành cũng được mua với giá 20 - 30 ngàn đồng/cái

Từ khi bị “treo” đến nay, những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như điện, nước cũng là thứ xa xỉ, là giấc mơ đối với người dân nơi đây. Ông Đặng Văn Tiên, nhà ở ấp 5, xã Phước Kiển, nói: “Sống giữa Sài Gòn, chỉ cách trung tâm quận 1 có vài cây số mà không có điện, nước sạch xài. Hiện tại, chúng tôi phải câu nhờ điện một hộ dân cách đây mấy trăm mét với giá cao gấp 2 giá điện nhà nước là 3.500 đồng/kwh.

Còn nước máy, phải mua với giá 20 ngàn đồng, nước giếng khoan 8 ngàn đồng/khối. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của chúng tôi không phải ở đó, mà là hàng ngày phải chui ra chui vào căn nhà rách như tổ đỉa, mỗi khi mưa xuống thì nước từ trên dội xuống, từ nền nhà trồi lên. Chắc ít ai ngờ được là giữa Sài Gòn hoa lệ, lại có một xóm ổ chuột với cuộc sống dưới mức tối thiểu như vầy”. Ông Tiên bảo, mỗi khi triều cường, cuộc sống của họ lại vất vả hơn, nước ngập lênh láng.

Do chưa an cư nên hệ quả tất yếu là hầu hết các hộ dân trong xóm ổ chuột không thể lạc nghiệp. Họ mưu sinh bằng đủ thứ nghề cũng tạm bợ như chạy xe ôm, nuôi gà vịt, heo, thả lưới bắt cá, bán vé số... thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày như lời ông Chín nói.
 

Bài ca đổ lỗi

Nói về việc đền bù, người dân nơi đây cho biết, họ rất muốn Cty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai giải quyết sớm để chuyển đến nơi khác sống tốt hơn nhưng chủ đầu tư không có thiện chí bồi thường.

12-44-50_nh_6
Dự án Khu dân cư Phước Kiển cỏ mọc lút đầu người

“Chúng tôi là nông dân thật nhưng cũng nắm tình hình giá đất chứ không mù tịt như xưa. Theo giá thị trường thì đất có hạ tầng hoàn chỉnh ở đây cả 3-4 chục triệu đồng/m2. Chúng tôi chỉ đề nghị họ đền bù từ 15-17 triệu/m2. Nhưng họ nhất quyết không chịu, chỉ đồng ý bồi thường tối đa 10 triệu đồng/m2”, anh Tiên nói.

“Hai năm trước, chủ đầu tư ra giá đền bù cho đất thổ cư là 7,2 triệu đồng, đất nông nghiệp chỉ 3 triệu đồng/m2, chúng tôi không chịu. Mấy tháng trước, họ chấp nhận tăng 10 triệu đồng/m2 đất thổ cư, 3,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường nhiều nên chúng tôi không đồng ý. Đây là đất hương hoả ông bà để lại đã mấy chục năm, có sổ đàng hoàng, vậy mà họ cứ nói tôi lấn chiếm để ép giá”, bà Đặng Thị Hồng, ở ấp 5, bức xúc nói.

Ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, thừa nhận cuộc sống người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn. Nhưng vấn đề ở đây không phải chính quyền thiếu trách nhiệm, để dân sống lay lắt như thế mà do chủ đầu tư và người dân chưa chưa tìm được tiếng nói chung về giá đền bù. Huyện đã ba lần tổ chức đối thoại giữa chủ đầu tư và người dân nhưng vẫn chưa xong.

12-44-50_nh_7
Ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (bìa phải): Việc người dân chưa giao đất là do chưa thoả thuận được giá bồi thường với nhà đầu tư, chứ có sai phạm gì đâu mà cưỡng chế?
“Đây là dự án kinh doanh, chủ đầu tư phải tự thỏa thuận đền bù, giải tỏa với người dân. Chính quyền chỉ làm cầu nối để người dân và doanh nghiệp gặp nhau. Không có chuyện huyện tham gia vào việc cưỡng chế người dân để thu hồi đất giao cho doanh nghiệp” (ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè).

Trao đổi với chúng tôi về dự án Phước Kiển, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho rằng người dân phản ánh không đúng: “Chúng tôi cũng muốn làm cho xong để bán dự án, lấy tiền về. Nhưng đất nông nghiệp mà dân đòi đền bù 15-17 triệu đồng/m2 là quá cao. Chúng tôi lấy tiền đâu mà đền? Tiền đền bù này là của đối tác chứ không phải của Quốc Cường Gia Lai”.

Với thái độ khá cứng rắn, bà Loan cho rằng trách nhiệm giải phóng mặt bằng và đền bù cho dân là của chính quyền huyện chứ không phải của nhà đầu tư. “Đúng ra về pháp lý thì chúng tôi không đền bù. Ông huyện phải vào đây. Ông làm đi, tại ông không quản lý được. Nhà nước trả lương cho ông để làm gì khi để người dân cất nhà vô tội vạ như vậy.

Việc huyện Nhà Bè trả lời không tham gia vào quá trình đền bù, giải tỏa là sai. Bao nhiêu lần, chúng tôi yêu cầu huyện trả lời bằng văn bản, đóng dấu vô. Nếu ổng dám trả lời bằng văn bản, chúng tôi mang đi kiện ngay. Dự án Phước Kiển đã đẩy Quốc Cường Gia Lai vào tình thế rất ngặt nghèo.

Đền bù không xong, công ty phải nhiều lần xin gia hạn dự án. Giờ trả cũng không có ai nhận. Vừa rồi có đối tác đồng ý mua nhưng họ yêu cầu giao đất sạch. Chúng tôi đã hợp đồng nhận của họ 50 triệu USD và sẽ giao đất trong tháng 10 này. Nếu không xong, Quốc Cường Gia Lai phải đền cho họ số tiền gấp đôi”, bà nói.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

3 bố con chết cháy trong khe núi khi đi đào dúi

Chính quyền xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, đã phát hiện thi thể 3 người dân lên rừng đào dúi sau nhiều ngày không về.

Bình luận mới nhất