Sau một buổi tìm kiếm, ông Sường đau đớn phát hiện thi thể vợ mình ở con suối gần nhà, bên cạnh còn gánh phân đổ tung tóe. Cho rằng vợ mình gánh phân ra ruộng, đi ngang qua chiếc cầu tre bắc ngang suối bị ngã chết, ông Sường hô hoán mọi người giúp mình khiêng vợ về nhà, lo liệu đám tang.
Bà Vi Thị Cú và con trai đặt quyết định đình chỉ điều tra lên bàn thờ chồng |
Nhưng đang trong đám tang, ông bị công an tỉnh ập vào, đọc lệnh bắt, còng tay lôi đến trại giam Kế, vì tình nghi ông giết vợ rồi mang thi thể vợ ra suối tạo hiện trường giả. Lúc đó, con gái lớn của ông mới được 5 tuổi, con trai nhỏ mới 6 tháng tuổi.
Sau 11 năm bị tạm giam, ông Sường được tạm tha, vì công an không thể ra nổi bản kết luận điều tra về hành vi “giết người” của ông. Từ trại tạm giam trở về, ông Mưu Quý Sường trở thành kẻ trắng tay, nhà cửa, đất đai mất hết, hai đứa con ông cũng phiêu dạt sang Trung Quốc nương nhờ người họ hàng.
Mang tội danh giết vợ trên đầu, ông Sường sống vất vưởng trong sự ghê sợ, ghẻ lạnh của người đời. Một thời gian sau, ông được một người phụ nữ góa chồng, đã có 4 con, ngụ cùng địa phương, là bà Vi Thị Cú, đem lòng yêu thương.
Biết tin ấy, cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ chồng bà Vi Thị Cú đều phản đối kịch liệt. Bố đẻ bà Cú thậm chí còn tuyên bố sẽ từ con gái nếu bà lấy một kẻ giết người. Nhưng bất chấp tất cả, bà Vi Thị Cú vẫn một lòng tin rằng ông Vi Quý Sường bị oan, và vẫn gắn bó cuộc đời với ông.
Lấy nhau, ông bà có thêm 2 người con chung nữa. Để nuôi 6 đứa con cả chung lẫn riêng, ông bà lăn lưng ra làm, không có cả thời gian lẫn tiền bạc để kêu oan. Chỉ đến khi cuộc sống vợi bớt một phần khó khăn, ông bà mới bắt đầu kêu oan. Cả gánh đơn từ đã được ông gửi đi.
Chỉ đến năm 2008, may mắn được một người ở Viện KSND huyện Lục Ngạn giúp đỡ, làm giúp đơn từ, và hướng dẫn địa chỉ gửi. Tháng 8/2008, ông Sường mới nhận được văn bản trả lời của Công an tỉnh Bắc Giang. Trong văn bản, Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng theo quy định, thì vụ việc của ông đã hết thời hiệu xem xét yêu cầu bồi thường.
Không chấp nhận văn bản trên, ông Mưu Quý Sường tiếp tục gõ cửa các cơ quan tố tụng kêu oan. Tháng 11/2008 Viện KSND tỉnh Bắc Giang có văn bản trả lời ông. Trong văn bản, quý viện cho rằng đơn kêu oan của ông là có căn cứ, vì sau hơn 11 năm tạm giam mà cơ quan Cảnh sát Điều tra công an tỉnh Bắc Giang không ra được bản kết luận điều tra, cũng không có một phiên tòa nào.
Nhưng cũng như Công an tỉnh Bắc Giang, trong văn bản trả lời, quý viện cấp tỉnh cũng khẳng định vụ việc của ông Sường đã hết thời hiệu xem xét bồi thường theo quy định tại Nghị quyết 388 của Quốc hội khóa XI. Năm 2013, ông Sường mất vì bệnh ung thư. Vợ ông, bà Vi Thị Cú, nói giọng nghẹn ngào:
- Những ngày cuối đời, chồng tôi sống trong nỗi day dứt, dằn vặt đầy đau đớn. Trước lúc mất, chồng tôi còn dặn vợ con tiếp tục kêu oan cho ông, để con cháu sau này khỏi mang tiếng với người đời. Bởi nếu không giải được nỗi oan này, thì tôi có chết cũng không nhắm được mắt.
Tháng 9/2016, khi xem tivi, bà Vi Thị Cú thấy phát về trường hợp tử tù Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, bị kết án tử hình 43 năm trước về tội giết người mà vẫn được minh oan. Thấy giống với trường hợp của chồng mình, bà Cú quyết định tìm sang Bắc Ninh gặp ông Thêm, và được ông Thêm cho địa chỉ của LS Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Cty Luật Hòa Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người đã giúp mình minh oan.
Bà Cú lập cập đi tiếp lên Hà Nội gặp LS Nguyễn Văn Hòa, với tia hy vọng mong manh là chồng bà sẽ được gột rửa oan khuất. Nghe xong, LS Hòa nhận lời giúp tư vấn cho bà miễn phí. Và ông Hòa đã có văn bản gửi đến Bộ Công an, Công an và Viện KSND tỉnh Bắc Giang, yêu cầu minh oan cho... cố thân chủ của mình. Ngày 3/1/2018, khi ông Mưu Quý Sường mất đã 5 năm, và sau 36 năm gánh nỗi oan giết vợ trên mình, ông mới được Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định đình chỉ điều tra, vì “hành vi của ông Mưu Quý Sường không cấu thành tội giết người”. Nhận được quyết định trên, bà Vi Thị Cú và con trai mừng rơi nước mắt. Bà đặt tờ quyết định đó lên bàn thờ chồng, và nghẹn ngào “ông ơi, thế là ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối được rồi”.
"Nhà lúc đó nghèo lắm, cứ vay mượn được đồng nào là ông ấy lại làm đơn rồi bắt xe xuống tỉnh kêu oan. Có lúc tôi định khuyên chồng bỏ cuộc. Nhưng thấy hàng đêm, ông cứ day dứt không yên, rồi ôm lấy vợ mà khóc, nên tôi lại cố", bà Cú kể lại. |