| Hotline: 0983.970.780

Sức hút thanh long Việt Nam tại Trung Quốc chưa bao giờ hạ nhiệt

Thứ Hai 04/04/2022 , 13:30 (GMT+7)

Theo các báo Trung Quốc, Covid-19 gây nghịch cảnh khi ở Việt Nam, nông dân chặt thanh long do giá quá thấp, trong khi sức hút quả này ở Trung Quốc chưa bao giờ hạ.

Thanh long Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc chờ làm thủ tục hải quan tại Bằng Tường, Quảng Tây. Ảnh: China Daily.

Thanh long Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc chờ làm thủ tục hải quan tại Bằng Tường, Quảng Tây. Ảnh: China Daily.

Nhiều tờ báo, trang tin của Trung Quốc nhận định nhu cầu tiêu thụ và giá thanh long tại thị trường này còn tăng mạnh trước bối cảnh nhập khẩu hạn chế.

Nhu cầu thanh long còn lớn

Theo China Daily - tờ báo tiếng Anh phát hành lớn nhất Trung Quốc - nhu cầu của quốc gia này với các sản phẩm thanh long chất lượng cao ngày càng tăng, trong đó Việt Nam là một nguồn nhập khẩu lớn.

Hiện nay, Guangxi TWT là công ty nhập khẩu hoa quả lớn có trụ sở tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây và chuyên nhập thanh long của Việt Nam qua các khu vực cửa khẩu với tỉnh Lạng Sơn.

Theo dữ liệu của Guangxi TWT, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,04 tỷ USD thanh long thì có đến 925,5 triệu USD là của thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 89%.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, các phương án phòng dịch được thắt chặt đã khiến khả năng nhập khẩu hoa quả nói chung là thanh long nói riêng giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Guangxi TWT cũng như các thương nhân Trung Quốc khác đã tìm kiếm các phương án để giải quyết vấn đề.

Kết quả là, từ cuối tháng 2, tại khu vực cửa khẩu Pò Chài - Tân Thanh đã sử dụng phương án “cắt container” để đẩy nhanh tốc độ thông quan.

Theo ông Wang Zhengbo, Chủ tịch của Guangxi TWT mô hình vận tải này đã nâng cao hiệu quả thông quan, giảm chi phí hậu cần và mang lại lợi ích rõ ràng cho các thương nhân.

“Chúng ta nên đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng và vận chuyển xuyên biên giới đối với các loại nông sản nhập khẩu. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo các biện pháp chống dịch phù hợp với yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc cũng như các nước ASEAN”, ông Wang nói.

Mặc dù vẫn nhập khẩu nhiều thanh long nhưng diện tích loại cây này ở Trung Quốc cũng đang tăng nhanh. Theo China Daily, đến hết năm 2020, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đạt 35.555ha, tương đương với diện tích thanh long của Việt Nam.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, với sự phổ biến của thanh long hiện nay, diện tích trồng loại cây này đến hết 2021 là 40.000ha. Ở Trung Quốc, thanh long được trồng chủ yếu tại Quảng Tây và Quảng Đông, chiếm 60% diện tích của cả nước.

Phương án 'cắt container' khi thông quan được các thương nhân đánh giá cao về hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Phương án "cắt container" khi thông quan được các thương nhân đánh giá cao về hiệu quả. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá còn tăng

Trên một số webiste bán hàng online ở Trung Quốc, giá thanh long Việt Nam đang dao động từ 29 NDT đến 79 NDT. Loại 79 NDT được đặt trong hộp, mỗi hộp 6 quả, trọng lượng mỗi quả từ 300 - 350g, ruột đỏ hoặc ruột trắng (khoảng 130-150 nghìn đồng Việt Nam/kg). Theo các thương lái Trung Quốc tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, hiện loại ruột đỏ được tiêu thụ nhỉnh hơn, do người nước này thích màu đỏ.

Chuyên trang Chinafruitportal dẫn các nguồn tin nhập khẩu thanh long, khẳng định giá loại quả này đang tăng 3 - 4 lần ở thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân có thể do Covid-19 khiến cư dân Trung Quốc khó tiếp cận thanh long Việt Nam hơn.

Báo mạng Sohu nhận định, Covid-19 đang gây ra nghịch cảnh khi ở Việt Nam, nông dân chặt bỏ thanh long do giá quá thấp, trong khi sức hút của loại quả này ở Trung Quốc chưa bao giờ hạ nhiệt.

Báo này cho rằng, một trong những giải pháp là Bộ Công thương Trung Quốc cần vận động các công ty nông sản nước này tăng cường vận chuyển qua đường biển, tới các địa phương xa Việt Nam như Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc. Đây là các địa phương có cảng biển, người dân cũng yêu thích thanh long Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, riêng trong cuối năm 2021, chỉ một tỉnh Bình Thuận của Việt Nam có sản lượng tới hơn 33.000 tấn thanh long. Sản lượng thanh long của Bình Thuận trong cả năm khoảng 700.000 tấn.

Tại Quảng Tây, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, cho biết thanh long đang được thu mua do giá cao gấp 3 lần so với trước Tết. “Hiện loại quả nhiệt đới là cam đường đã qua mùa thu hoạch, thanh long là hoa quả bổ sung kịp thời cho người dân. Liên tục các phiên mua bán vừa qua, không lần nào giá thanh long không tăng mạnh”, ông Thang nói.

Theo doanh nhân nhiều năm kinh nghiệm buôn bán thanh long, nguyên nhân thanh long Việt Nam tăng giá mạnh do “chất lượng vượt trội, giá cả hấp dẫn”. Trong khi đó, thanh long do Trung Quốc trồng không chiếm ưu thế về độ ngọt, mát, giá lại quá cao - ngay cả khi thanh long Việt Nam tăng giá 3 lần, vẫn thấp hơn giá thanh long nội địa Trung Quốc.

Mặt khác, dự kiến đến hết 2022, sản lượng thanh long Trung Quốc vẫn không thể đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, phải dựa chủ yếu vào nhập khẩu từ Việt Nam.

Chuyên trang tài chính của báo mạng Sina nhận định, trong thời gian ngắn sắp tới, giá thanh long Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Thanh long Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Thanh long Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Lạng Sơn, tính đến 20h ngày 31/3, đang còn 1.401 xe tải còn tồn ở các khu vực cửa khẩu của tỉnh, trong đó có 1.101 xe hoa quả.

Cũng trong ngày 31/3, có 60 xe hàng được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có 43 xe hoa quả đều thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh và 17 xe hàng khác (6 xe tại Hữu Nghị và 11 xe tại Tân Thanh).

Ở chiều ngược lại, có 66 xe hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong ngày 31/3, gồm 30 xe ở Hữu Nghị và 36 xe tại Tân Thanh.

Hiện nay, cửa khẩu Chi Ma đang tạm dừng thông quan. Trong khi đó, Ga Đồng Đăng vẫn duy trì được khối lượng xuất nhập khẩu ổn định, như trong ngày 31/3 có 66 toa xuất và 51 toa nhập.

    Tags:
Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm