| Hotline: 0983.970.780

Thanh long đã phá bỏ chưa nên trồng cây dài ngày

Thứ Sáu 01/04/2022 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Trước mắt, đối với những diện tích thanh long đã phá bỏ, nông dân Bình Thuận có thể nghiên cứu chuyển đổi sang trồng ngắn này, chưa nên vội chuyển đổi sang cây dài ngày.

Đó là chia sẻ của TS Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, cơ quan nghiên cứu khoa học nông nghiệp có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 80 năm trên dải đất Nam Trung bộ.

TS Phan Công Kiên đồng tình quan điểm nông dân không nên vội chặt bỏ thanh long, mà cần duy trì, tránh việc bỏ bê vườn cây. Ảnh: KS.

TS Phan Công Kiên đồng tình quan điểm nông dân không nên vội chặt bỏ thanh long, mà cần duy trì, tránh việc bỏ bê vườn cây. Ảnh: KS.

Cần tận dụng lợi thế của thanh long Việt Nam

Bài liên quan

Theo TS Phan Công Kiên, chuỗi bài viết về cây thanh long của Báo Nông nghiệp Việt Nam những ngày qua đã được ông theo dõi kỹ. Bởi đây là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay đối với tỉnh Bình Thuận. Ông cho rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân không bi quan mà vội phá bỏ thanh long là cấp thiết. Bởi lẽ, thanh long là cây lâu năm nên chu kỳ khai thác dài, nếu phá bỏ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có cây trồng nào thay thế mang lại hiệu quả cao hơn và mang tính bền vững và lâu dài.

TS Phan Công Kiên đồng quan điểm với TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (đã có chia sẻ về vấn đề này tại bài "Phá bỏ thanh long lúc này là thất sách", đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 31/3). Bởi, thanh long từ lâu đã khẳng định vị thế trên đất Bình Thuận. Hơn nữa đây cũng là vùng đất thường xuyên xảy ra khô hạn, lại nhiều gió, trong khi thanh long là loại cây chịu hạn nên có thể phát triển tốt trên vùng đất khó này.

Nông dân cần chăm sóc cầm chừng, tránh để vườn thanh long bị suy kiệt. Ảnh: KS.

Nông dân cần chăm sóc cầm chừng, tránh để vườn thanh long bị suy kiệt. Ảnh: KS.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, đầu ra của thanh long không phải chỉ mỗi thị trường Trung Quốc, mà còn rất nhiều thị trường khác cũng có nhu cầu rất lớn. Dĩ nhiên để thanh long Bình Thuận thâm nhập được các thị trường nói trên, trước tiên, sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ.

TS Phan Công Kiên còn gợi ý thêm về vấn đề thời vụ khai thác sản phẩm thanh long, bởi lẽ hiện nay, mặc dù Trung Quốc cũng phát triển thanh long rất lớn, nhưng do bất lợi trong mùa đông lạnh giá kéo dài, nên họ chỉ có lợi thế khai thác được vào mùa hè. Trong khi đó, thanh long Bình Thuận có lợi thế về khí hậu nên có thể thu hoạch quanh năm. Vì vậy, chúng ta cần tranh thủ lợi thế để chú trọng đầu tư hơn cho vụ thanh long vụ nghịch (vụ chong đèn cuối năm trước tới đầu năm sau), do đây là thời điểm mà thanh long Trung Quốc rất khan hiếm.

Cũng theo TS Kiên, thanh long ăn tươi nên thời gian bảo quản không lâu, vì vậy chúng ta cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ quả thanh long, có vậy mới ổn định đầu ra sản phẩm, ổn định cuộc sống cho người trồng thanh long.

Theo TS Phan Công Kiên, thanh long Bình Thuận có rất nhiều lợi thế, vấn đề cần thiết nhất là cần tổ chức lại sản xuất và thị trường. Ảnh: KS.

Theo TS Phan Công Kiên, thanh long Bình Thuận có rất nhiều lợi thế, vấn đề cần thiết nhất là cần tổ chức lại sản xuất và thị trường. Ảnh: KS.

“Cần phân tích kỹ những thuận lợi và khó khăn hiện nay về thị trường tiêu thụ thanh long cả ở trong nước cũng như các thị trường ngoài nước để có chiến lược phát huy lợi thế của thanh long Việt Nam. Bởi hiện nay, kể cả thị trường Trung Quốc chúng ta cũng chưa có những tìm hiểu, phân tích, đánh giá cặn kẽ để tranh thủ lợi thế và thâm nhập sâu vào thị trường này, trong khi đây vẫn sẽ là thị trường có sức tiêu thụ thanh long rất lớn và lâu nay chúng ta cũng chủ yếu xuất sang thị trường này”, TS Phan Công Kiên nêu quan điểm.

Chưa nên trồng cây dài ngày

Đối với diện tích thanh long hiện đã phá bỏ, theo quan điểm của TS Phan Công Kiên, trước mắt nông dân nên chuyển sang trồng cây ngắn ngày, khoan chuyển sang trồng cây dài ngày. Vì trồng cây dài ngày phải có định hướng của chính quyền và ngành chuyên môn. Hơn nữa cây dài ngày chi phí đầu tư cao, đồi hỏi phải nắm vững kỹ thuật canh tác nên nông dân cần thận trọng, chứ không trồng rồi lại chặt, gây thiệt hại kinh tế cho chính mình.

Một số vùng ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong (Bình Thuận) nông dân trồng táo khá hiệu quả. Ảnh: NH.

Một số vùng ở huyện Bắc Bình, Tuy Phong (Bình Thuận) nông dân trồng táo khá hiệu quả. Ảnh: NH.

Bài liên quan

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, TS Kiên cho rằng, để chuyển thanh long sang trồng cây gì cũng phải căn cứ vào tiểu vùng sinh thái mỗi địa phương có phù hợp hay không, vì mỗi nơi đều khác nhau. Hơn nữa khi trồng cây gì đều phải xem xét đầu ra tiêu thụ ra sao, có người thu mua không.

“Để trả lời câu hỏi phá bỏ thanh long rồi thì nên chuyển sang trồng cây gì thì trồng cây gì mà không được! Nhưng chúng ta phải xem xét đầu ra và tổ chức sản xuất như thế nào, nhân công lao động ra sao...? Rất nhiều thứ để bàn, chứ không thể đưa ra khuyến cáo ngay được”, ông Kiên bày tỏ.

TS Kiên cũng đưa ra gợi ý: Đối với cây ngắn ngày, hiện nay nông dân Bình Thuận muốn chuyển đổi trên đất thanh long đã phá bỏ nên chọn những cây họ đậu, vừng (mè). Đây cũng là các cây trồng vốn trước đây nông dân đã trồng trên chân ruộng lúa bấp bệnh, sau đó đã chuyển sang cây thanh long. Mặt khác, đây là những cây dễ trồng, chi phí đầu tư không cao, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ từ 3 - 4 tháng, nhu cầu tiêu thụ thường khá ổn định và lợi nhuận cũng chấp nhận được nên sẽ thuận lợi.

Theo TS Phan Công Kiên, trồng các loại cây họ đậu và vừng cũng là giải pháp trước mắt đối với các diện tích thanh long già cỗi đã chặt bỏ. Ảnh: NH.

Theo TS Phan Công Kiên, trồng các loại cây họ đậu và vừng cũng là giải pháp trước mắt đối với các diện tích thanh long già cỗi đã chặt bỏ. Ảnh: NH.

Bài liên quan

Trong đó đối với cây vừng, đặc biệt vừng 2 vỏ của Bình Thuận là một trong những vùng nguyên liệu đã được Bình Thuận, Ninh Thuận cũng như các tỉnh Nam Trung bộ đưa vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Hơn nữa, cây trồng này thích ứng chịu hạn rất tốt, thị trường tiêu thụ cũng rất và có tiềm năng. Đặc biệt ở Bình Thuận hiện nay cũng có một doanh nghiệp đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho cây vừng. Nên đây cây trồng có thể lưu ý lựa chọn.

Ngoài nhóm cây trồng trên, việc trồng ngô lấy hạt hay trồng ngô sinh khối cũng có thể giải quyết tình thế trước mắt hiện nay cho những diện tích thanh long mà nông dân đã chặt bỏ. Hay việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc cũng nên quan tâm, nhất là cây thức ăn xanh. Các cây trồng này cũng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng Nam Trung bộ, trong đó có Bình Thuận. Nhiều địa phương trong vùng cũng đã lựa chọn trồng ngô lấy hạt, ngô sinh khối trong quá trình chuyển đổi sản xuất và đã phát huy hiệu quả tốt, đầu ra cũng khá ổn định trong thời gian qua.

Chuyển đổi sang trồng ngô sinh cũng là một gợi ý cho các diện tích thanh long đã phá bỏ. Ảnh: KS.

Chuyển đổi sang trồng ngô sinh cũng là một gợi ý cho các diện tích thanh long đã phá bỏ. Ảnh: KS.

"Để định hướng chuyển diện tích thanh long đã phá bỏ sang các cây trồng có hiệu quả hơn thì cần cân nhắc trên nhiều khía cạnh. Vì thế, trong giải pháp tình thế, để tránh hiện tượng bỏ hoang thì nên khuyến cáo nông dân trồng các cây ngắn ngày.

Trong thời gian chờ ngành chức năng xem xét, phân tích thị trường, cân đối cung - cầu, tôi cho rằng nên khuyến cáo nông dân không trồng mới, cũng không nên phá bỏ những diện tích thanh long đang khai thác ở giai đoạn kinh doanh.

Bên cạnh đó, là cây lâu năm nên cũng phải tiếp tục chăm sóc tối thiểu cho cây thanh long để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Đối với những điện tích thanh long già cỗi, sinh trưởng kém thì nên phá bỏ. Về lâu dài, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương phải lập lại các quy hoạch nhằm tránh phá vỡ cơ cấu cây trồng của từng vùng".

TS Phan Công Kiên

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.