Thị trường thanh long không chỉ có mỗi Trung Quốc
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cây thanh long từ lâu đã khẳng định vị thế trên đất Bình Thuận. Bởi, Bình Thuận là vùng đất thường xuyên xảy ra khô hạn, lại nhiều gió, trong khi thanh long là loại cây chịu hạn nên có thể phát triển tốt trên vùng đất khó này.
Tuy đã khẳng định ưu thế trên đất Bình Thuận, nhưng trong thời gian qua, cây thanh long ở đây cũng đành “thúc thủ”, nông dân đành phải phá bỏ hàng ngàn ha, nguyên nhân do việc tiêu thụ bị ách tắc, giá rẻ.
Theo TS Cường, qua thời gian dài thị trường tiêu thụ thanh long bị “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiếp đến là thị trường Trung Quốc đóng cửa, trong khi thanh long ở Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra hoàn toàn bị “tắc tị” là điều không thể tránh. Hàng loạt yếu tố bất lợi ập lên cây thanh long, khiến một bộ phận nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận trở nên chán nản, dẫn đến phá bỏ vườn cây đã từng là nguồn thu chính của gia đình, trong đó có không ít diện tích thanh long đã già cỗi.
“Nếu nông dân thấy cây gì không còn mang lại lợi nhuận liền chặt bỏ để trồng cây khác, sau này thấy có giá trị cao thì quay lại trồng, làm như vậy sẽ tổn thất rất nhiều, bởi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Do vậy, dù đang gặp khó khăn, nhưng nông dân không nên phá bỏ cây thanh long, mà phải tìm giải pháp bền vững cho nó trong thời gian tới, chứ bây giờ phá bỏ thanh long là thất sách”, TS Hồ Huy Cường nêu quan điểm.
Trước thực tế trên, theo TS Hồ Huy Cường, giải pháp cho cây thanh long hiện nay chính là việc cần phải xốc lại việc tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu một cách bài bản. Người trồng thanh long phải biết nhìn xa hơn. Bởi đầu ra của thanh long không phải chỉ mỗi thị trường Trung Quốc, mà còn rất nhiều thị trường khác cũng có nhu cầu rất lớn, như thị trường Châu Âu, Úc và nhiều thị trường ở châu Á khác ngoài Trung Quốc. Thế nhưng để thanh long Bình Thuận thâm nhập được các thị trường nói trên, trước tiên, sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ.
Gấp rút tìm hiểu, mở rộng thị trường
Theo TS Hồ Huy Cường, bất lợi về đầu ra của thanh long đã hiện hữu khi bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc quá lớn, trong khi dư địa của các thị trường khác trên thế giới còn rất nhiều. Thế nên đã đến lúc nhà nước, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương cần phải khẩn trương nhập cuộc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Phải chung tay tìm hiểu nhu cầu về sản phẩm thanh long của thị trường từng quốc gia trên thế giới. Qua đó, nắm bắt thị trường nào có yêu cầu gì, hàng rào kỹ thuật về sản phẩm thanh long như thế nào, sau đó tổ chức lại sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu.
“Thanh long ở Bình Thuận có thuận lợi là vùng sản xuất tập trung với diện tích hơn 30.000 ha, giờ chỉ cần tổ chức lại sản xuất là có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới. Trước tiên là phải xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, xuất khẩu. Có như vậy mới tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cây thanh long Bình Thuận đi theo hướng đó sẽ bền vững hơn, chứ bây giờ phá bỏ thanh long để chuyển đổi sang trồng cây khác là cả vấn đề. Bởi, ngoài 30.000
ha thanh long, hiện Bình Thuận còn khoảng 1.500 ha nho, 1.500 ha táo và nhiều diện tích xoài là những loại cây trồng cũng phù hợp với đồng đất Bình Thuận. Nếu bây giờ chuyển từ thanh long sang trồng các loại cây nói trên, lại sẽ tạo áp lực về đầu ra cho sản phẩm, nông dân rồi lại loay hoay”, TS Hồ Huy Cường nêu quan điểm.
TS Cường phân tích thêm: Khi thanh long của Bình Thuận đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì giá trị của nó sẽ được tăng lên đáng kể. Bởi thị trường nào càng khắt khe về rào cản kỹ thuật thì giá mua ắt sẽ tăng cao. Trong khi trước đây, phần lớn sản lượng thanh long của Bình Thuận chỉ biết có mỗi thị trường Trung Quốc, giờ đây cũng sản lượng ấy, nếu chia đều cho nhiều thị trường khác trên thế giới thì sẽ giảm được áp lực về đầu ra, lại tăng thêm giá trị.
“Muốn được vậy, thanh long Bình Thuận phải tổ chức lại sản xuất. Ngoài xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, còn phải đảm bảo thu hoạch trong một thời gian nhất định, phải đủ lượng hàng mà thị trường yêu cầu. Về vấn đề này đối với thanh long Bình Thuận là không khó. Bởi, với hơn 30.000 ha thanh long trồng tập trung thì Bình Thuận đủ thuận lợi để đáp ứng yêu cầu này của thị trường”, TS Hồ Huy Cường nói.
Cơ hội tổ chức lại sản xuất
Hiện nay, cách sản xuất thanh long ở Bình Thuận là cho cây thanh long bám vào trụ. Từ vụ này sang vụ khác, cây thanh long đẻ đến 30 - 40 cành. Trong khi mỗi cây thanh long chỉ có 20 cành cho quả, những cành không cho quả được xem là cành vô hiệu. Tuy không cho quả, nhưng những cành vô hiệu vẫn “ăn” phân “ăn” nước chẳng khác những cành hữu hiệu.
Như vậy, người trồng thanh long phải tốn thêm chi phí đầu vào về phân bón, nước tưới cho những cành thanh long không mang lại lợi ích gì. Thêm vào đó, cây thanh long để dày cành sẽ dễ phát sinh sâu bệnh hại, người trồng thanh long lại phải tốn thêm chi phí thuốc BVTV.
Trong khi hiện nay, theo TS Hồ Huy Cường, thanh long không còn trồng bằng trụ nữa mà có thể trồng theo cách cho leo giàn. Với cách trồng này, thu hoạch đến đâu, nông dân tỉa bớt những cành vô hiệu đến đó, vừa giảm bớt được chi phí vật tư đầu vào, vừa kiểm soát được sâu bệnh. Khi đã giảm được thuốc BVTV, đồng nghĩa thanh long sẽ đáp ứng được yêu cầu của thị trường về sản phẩm an toàn.
“Trước nay, người trồng thanh long ở Bình Thuận cũng biết trồng thanh long cho leo giàn hiệu quả sẽ cao hơn, hoặc cải tiến hệ thống tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn, thế nhưng vườn thanh long cũ đã định hình, muốn thay đổi là cả vấn đề. Thế nên hiện nay, đối với những diện tích thanh long đã bị phá bỏ, ngành chức năng nên khuyến cáo nông dân cải tạo lại vườn thanh long phù hợp với xu hướng mới theo cách trồng leo giàn.
Đặc biệt, phải bố trí lại sản xuất theo chuỗi để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Làm được như thế, thanh long Bình Thuận lại có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Bền vững trong nông nghiệp hiện nay là không đặt nặng sản lượng, mà chất lượng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khi ấy mới thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.