| Hotline: 0983.970.780

Tạm giữ 25 tấn nội tạng động vật đông lạnh '4 không'

Thứ Hai 25/12/2023 , 18:19 (GMT+7)

Cục Quản lý thị trường TP.HCM tạm giữ 25 tấn nội tạng động vật đông lạnh không ghi xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không hóa đơn chứng từ.

Nội tạng không rõ nguồn gốc được trữ trong kho lạnh. Ảnh: QLTT

Nội tạng không rõ nguồn gốc được trữ trong kho lạnh. Ảnh: QLTT

Chiều 25/12, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện một kho lạnh tại TP Thủ Đức chứa lượng lớn nội tạng động vật đông lạnh các loại "bốn không".

Vụ việc được đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Công an phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức; Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Thủ Đức và Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra Công ty TNHH DECQB LOGISTICS trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức. Công ty này do ông N.D.A làm giám đốc, hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên.

Đoàn kiểm tra ghi nhận tại kho lạnh của công ty đang chứa trữ số lượng lớn hàng hóa là nội tạng động vật đông lạnh các loại, không ghi xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không hóa đơn chứng từ. Cụ thể gồm: 3.110 kg bao tử heo, 9.150 kg vú heo, 5.000 kg lá xách bò, 7.095 kg dồi trường heo và 650 kg trứng gà non. Tổng cộng 24.915 kg, trị giá trên 2,4 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Nguyên đán thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay.

Vì vậy, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138 TP.HCM về việc thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật trự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thành phố, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, công tác quản lý địa bàn, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, về kinh doanh xăng dầu, kinh doanh pháo nổ, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn ngốc xuất xứ, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm… góp phần bảo vệ quyền lợi và an toàn người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM.

Cũng trong trong ngày 25/12, Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức thực hiện tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm thuộc 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do UBND TP.HCM ban hành. 

Hàng hóa vi phạm bị buộc tiêu hủy gồm gần 325.000 đơn vị sản phẩm các loại gồm quần áo nữ, dầu gió; nước muối hiệu Vĩnh Phúc Smile Natri Clorid giả mạo nhãn hiệu; hóa mỹ phẩm các loại; thực phẩm chức năng hiệu JEX, Alipas; đường cát. Tổng trị giá hàng tiêu hủy trên 638 triệu đồng.

Phương thức tiêu hủy được áp dụng là đốt trong lò đốt 2 cấp có hệ thống xử lý đồng bộ; đối với mặt hàng đường cát áp dụng phương thức hòa tan, pha loãng, xử lý trong hệ thống xử lý chất thải. Toàn bộ quá trình tiêu hủy hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường, có sự giám sát chặt chẽ của Cục Quản lý thị trường TP.HCM và lực lượng chức năng theo đúng quy định.

Xem thêm
Cơ quan chức năng của Hải Phòng ở đâu khi lưới bẫy chim giăng khắp nơi?

Hễ vào mùa chim di trú là lưới lại giăng khắp các vùng quê của TP Hải Phòng để rồi chim trở thành nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.