| Hotline: 0983.970.780

Tam Kỳ - thành phố không thịt động vật hoang dã

Thứ Sáu 10/02/2023 , 11:44 (GMT+7)

UBND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa ban hành Kế hoạch triển khai chương trình “Tam Kỳ - Thành phố không thịt động vật hoang dã” giai đoạn 2023 - 2030.

Nạn đặt bẫy chính là mối đe dọa hàng đầu đối với loài hoang dã trong các khu bảo tồn. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Nạn đặt bẫy chính là mối đe dọa hàng đầu đối với loài hoang dã trong các khu bảo tồn. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Đây được xem là là giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Đáng chú ý, kế hoạch được xây dựng với các mục tiêu giảm triệt để các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào năm 2030.

Các cơ quan đơn vị thuộc thành phố và các cơ quan đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố cam kết không tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

100% các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố cam kết không buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Một khảo sát thực hiện tại Tam Kỳ vào năm 2020 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, 44% tổng số người được hỏi sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã, trong đó, 93,5% cho biết thịt thú rừng là loại sản phẩm dùng nhiều nhất.

Cũng theo một nghiên cứu khác về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF thực hiện năm 2021, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc để bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

Chính vì vậy, chương trình của thành phố cũng tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi, tiếp cận đa dạng đối tượng và vận động họ không tiêu thụ thịt thú rừng.

Cùng với những chiến dịch truyền thông về giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã đã được phát động trong những năm qua, những sáng kiến của thành phố Tam Kỳ sẽ góp phần tạo thành một trào lưu sống xanh của các cộng đồng thành thị.

Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Tam Kỳ chia sẻ: “Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ở các trung tâm đô thị như thành phố Tam Kỳ sẽ có tác động mạnh tới việc giảm săn bắt trộm tại các khu bảo tồn lân cận, bảo vệ các loài thú hoang dã và các cánh rừng cho các thế hệ mai sau.

Tam Kỳ có thể đạt được các mục tiêu đặt ra khi có sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân thông qua các hành động thiết thực nhất như không tiêu thụ thịt động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã, đồng thời kêu gọi người thân, bạn bè cùng hưởng ứng hành vi tốt đẹp này".

Tam Kỳ với vị trí địa chiến lược quan trọng những năm qua đã tích cực đầu tư về mọi mặt và trở thành trung tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam cũng như đang định hướng phát triển thành đô thị sinh thái.

Với điều kiện tự nhiên đặc thù, sở hữu năm con sông, năm ngọn núi và bờ biển dài liên kết với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, chính quyền thành phố xác định, dù xây dựng các khu đô thị hiện đại nhưng yếu tố cảnh quan thiên nhiên sẽ được bảo tồn tối đa để tạo nên vóc dáng của đô thị Tam Kỳ trong tương lai.

Ông Từ Văn Khánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng Sinh học giai đoạn II (CarBi 2) tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng thành phố Tam Kỳ lên kế hoạch cụ thể để xây dựng nhiều hoạt động hào hứng và gần gũi với người dân, tạo điều kiện để thành phố triển khai các sáng kiến và mô hình mới, hỗ trợ kỹ thuật dựa trên cách tiếp cận mà thành phố đang nỗ lực phát huy để đạt được các mục tiêu mà thành phố đã đề ra".

Dự án CarBi 2 do WWF-Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và Thừa Thiên Huế thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Dự án là một phần của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Liên Bang (BMU) ủng hộ sáng kiến này trên cơ sở đồng thuận của Quốc hội Liên bang Đức.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.