Hoàn thành 100% kế hoạch
Tân Hiệp là huyện đầu tiên và cũng là huyện duy nhất tới thời điểm này được công nhận đạt chuẩn huyện nông thông mới (NTM) của tỉnh Kiên Giang. Đến nay, huyện Tân Hiệp đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 100% so với kế hoạch. Huyện đang tiếp tục thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong gần 10 năm qua, đến nay đã có 205 tập thể được khen thưởng và 431 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của trong thực hiện phong trào thi đua, được biểu dương khen thưởng. Công tác thi đua khen thưởng đã góp phần khích lệ, động viên, tạo sự loan lan tỏa khí thế thi đua mạnh mẽ trong thực hiện xây dựng NTM.
Ông Trần Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngay từ đầu huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020. Từ đó, đã sớm ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng NTM, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động và phân công người phụ trách, hướng dẫn thực hiện. Quá trình thực hiện, thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyên vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để đề án đi vào cuộc sống”.
Khi bắt tay vào việc, Tân Hiệp phân công các ngành chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức đồng loạt Lễ ra quân gắn với phát động đăng ký thi đua thực hiện 19 tiêu chí NTM, tạo thành khí thế sôi nổi trong toàn huyện. Từng xã thi đua thực hiện 19 tiêu chí với 16 phần việc, từng ấp - Tổ nhân dân tự quản thi đua thực hiện 12 phần việc và các hộ nhân dân thi đua thực hiện 15 phần việc.
Nhờ đó, từ ấp rồi đến xã, mà khởi đầu là Tân Hiệp A, xã đầu tiên của huyện cũng là của tỉnh Kiên Giang, được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến cuối năm 2016, Tân Hiệp vinh dự tiến lên huyện NTM, nằm trong nhóm dẫn đầu của cả khu vực ĐBSCL.
Không có điểm kết thúc
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp, Trần Minh Vũ cho rằng, quan điểm chỉ đạo xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn bền vững. Vì vậy, các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn, cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng phòng NN-PTNT, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM huyện Tân Hiệp cho biết, sau khi huyện có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã Tân Hiệp A và Tân An đã đăng ký xã NTM nâng cao giai đoạn 2019-220. Còn trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo ông Duy, để hoàn thành mục tiêu nêu trên, huyện tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người nông thôn tăng ít nhất là 1,8 lần so với năm 2020.
Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương.
Cảnh quan môi trường, xây dựng không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương. Đảm bảo mọi người dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Thực hiện tốt việc thu gom và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo cộng đồng dân cư tham gia, hoạt động thường xuyên và có hiệu quả.
Không áp đặt định mức đóng góp của dân
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM, qua gần 10 năm thực hiện, tổng nguồn vốn triển khai chương trình trên địa bàn huyện Tân Hiệp là 1.450 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương trực tiếp cho chương trình và vốn lồng ghép từ chương trình dự án khác là 366 tỷ đồng, chiếm 25%. Nguồn lực trong nhân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng thông là gần 1.010 tỷ đồng, chiếm gần 70%. Các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đã được phân bổ đến các đơn vị, địa phương đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng. Nguồn ngân sách huyện đã phân bổ cho các xã đảm bảo theo cơ chế hỗ trợ tại “Đề án số”, ưu tiên cho các xã khó khăn, xã đạt chuẩn NTM mới trong năm, thanh toán nợ cũ, công trình cấp thiết hoàn thiện đạt chuẩn tiêu chí. Đối với vốn góp của nhân nhân dân, việc huy động đảm bảo dân chủ, do người dân tự bàn, quyết định không áp đặt mức đóng góp. Tính đến cuối năm 2018, huyện Tân Hiệp đã xử lý dứt điểm tình hình nợ xây dựng cơ bản trong NTM, không để xảy ra tình trạng nợ đọng, kéo dài.
Mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt chuẩn, đảm bảo theo quy định của tỉnh và Trung ương. Năm 2020, Tân Hiệp có ít nhất 1 xã được công nhận NTM kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được đổi mới và nâng lên, phấn đấu hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn giảm nghèo đa chiều, mỗi năm từ 1-1,5% so với năm trước. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đặt trên 90%, dân số trong độ tuổi lao động có việc làm trên 90%, trong đó qua đào tạo trên 65%. Điện khí hóa khâu bơm tới trên 80% diện tích sản xuất và 100% hệ thống thủy lợi, thuê bao đảm bảo phục vụ an toàn sản xuất lúa 3 vụ/năm. Mỗi xã có ít nhất một hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Giá trị bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 130 - 170 triệu đồng
Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tân Hiệp theo hướng năng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 130-170 triệu đồng/năm, lãi trong sản xuất đạt 35% trở lên.
Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, huyện đang tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM.
Theo đó, huyện tập trung phát huy lợi thế trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn với liên kết, chế biến và tiêu thụ, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững, bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị nông sản và sử dụng đất. Tăng dần diện tích áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất trong canh tác lúa, rau màu, sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong canh tác và phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Duy trì diện tích 3 vụ lúa tại các tiểu vùng có đê bao kiên cố, khép kín, đẩy mạnh canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, nuôi cá nước ngọt trong ruộng lúa. Xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đối với lúa, hình thành cánh đồng lớn 100 ha đạt chuẩn VietGAP tại xã Thạnh Đông A.
Hình thành 4 vùng chuyên canh rau màu tập trung, đạt chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cạo, hệ thống tưới tự động, nhà lưới, trồng thủy canh… Phát triển sản xuất khoảng 600 ha vuờn cây ăn quả, xây dựng vùng chuyên canh chất lượng cao.
Duy trì ổn định quy mô đàn heo khoảng 50 ngàn con, tập trung quy mô trang trại khép kín. Chăn nuôi gia cầm đạt khoảng 1 triệu con, hình thành vùng chăn nuôi bán công nghiệp, quy mô lớn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 4.550 tấn, với tổng diện tích thả nuôi thủy sản nước ngọt là 70 ha.
Định hướng đến năm 2030, từng bước hình thành cụm nông nghiệp đô thị sinh thái, tập trung ở các xã Thạnh Đông, Thạnh Đông A, Tân Hiệp B và thị trấn Tân Hiệp. Tập trung thế mạnh về cây rau, mô hình chuyên canh cây ăn trái, vườn, ao, chuống kết hợp du lịch sinh thái. Hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao dọc theo quốc lộ 80B thuộc xã Thạnh Trị khoảng 200 ha.
Đầy mạnh phát triển kinh tế tập thể, thực hiện đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”, cho 3 hợp tác xã Kênh 4A, Kênh 5A và Tân Hiệp A. Thực hiện mỗi xã có 1 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.