| Hotline: 0983.970.780

Tăng nguồn hiến mô tạng 'sạch', ngăn chặn buôn bán nội tạng

Thứ Bảy 27/03/2021 , 07:42 (GMT+7)

Cần xác định rõ nguyên tắc tạng hiến là tài sản quốc gia, như vậy mới đảm bảo điều phối nguồn tạng hiến 'sạch' công khai, minh bạch, tránh tình trạng mua bán nội tạng.

Hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 22/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 22/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tạng hiến là tài sản quốc gia

Tại Hội thảo về tăng cường nguồn hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 22/3, các chuyên gia đầu ngành về ghép tạng đã có nhiều ý kiến đánh giá về thực trạng nguồn hiến mô tạng, bộ phận cơ thể người; đồng thời đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp trong việc sửa đổi, bổ sung “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” nhằm tăng nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành hiến tạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, làm chủ được các kỹ thuật khó trên thế giới.

Sau khi “Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” sửa đổi năm 2006, người dân được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách của luật này, tuy nhiên nhìn nhận đánh giá lại vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. 

“Chúng ta đã có bộ luật mở về ghép tạng từ người cho chết não, tuy nhiên số lượng người ghép từ người cho chết não chỉ chiếm 1 - 2 trường hợp/tháng. Trong khi đó, 1 trường hợp chết não có thể cứu được 6 người khác.

Mỗi năm có khoảng 10.000 người tử vong do tai nạn giao thông, lượng người tiềm năng hiến tạng chết não vẫn còn rất nhiều. Trong khi đó, chúng ta chưa tạo hành lang thông thoáng cho việc đăng ký hiến tạng chết não, đồng thời chưa có cơ chế chẩn đoán chết não mở.

Cần có những hành lang pháp lý mới tạo sức bật mới cho công tác ghép tạng ở nước ta. Đặc biệt, tăng nguồn hiến mô tạng “sạch” từ người cho chết não, đúng công ước của “Tuyên ngôn Istanbul” về chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng, bằng cách tăng cường nguồn hiến mô tạng từ người cho chết não”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho hay, từ năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện ghép tạng từ người cho sống, đến năm 2010 triển khai ghép tạng từ người cho chết não. Dù xuất phát điểm của ghép tạng Việt Nam chậm so với thế giới gần 40 năm, tuy nhiên với sự cố gắng của đội ngũ y bác sỹ và tiến bộ vượt bậc của nền y học, Việt Nam đang dần tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng.

Hiện Việt Nam có 20 trung tâm ghép tạng trên cả nước, tạo cơ hội cho bệnh nhân có thể tiếp cận với những cơ sở y tế chuyên sâu ghép tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc nhìn nhận, vẫn còn tồn tại nhất định tại một số cơ sở ghép tạng, trong đó, nhiều đơn vị chưa thành lập Hội đồng chết não, do đó nhiều trường hợp phải điều chuyển người hiến tạng chết não tiềm năng sang cơ sở lấy và ghép tạng có Hội đồng chết não.

Nhiều nơi chưa có giấy phép, mỗi ca ghép phải xin bộ y tế một lần. Vấn đề ghép tạng cho người chưa có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia, tạo ra nhiều hệ lụy. Chưa có đơn vị điều phối ghép tạng tại các cơ sở ghép. Chưa tiếp nhận đăng ký hiến mô tạng theo quy định của luật, không báo kết quả ghép, ca ghép về trung tâm điều phối quốc gia để cập nhật dữ liệu thông tin…

“Xác định rõ nguyên tắc tạng hiến là quà tặng sự sống, là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào. Bởi có như vậy mới đảm bảo điều phối nguồn tạng hiến. Bên cạnh đó, bệnh nhân ghép tạng phải được tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc như bệnh nhân cần ưu tiên đặc biệt, chứ không phải suốt đời mang ơn người hiến, không thể cụ thể hóa thành luật”, ông Quang nhấn mạnh.

Gan của một phụ nữ ở Hà Nội mắc bệnh hiểm nghèo đã có nguyện vọng hiến tặng gan, được cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia chuyển từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghép cho nam bệnh nhân 37 tuổi bị xơ gan vào ngày 19/5/2020. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Gan của một phụ nữ ở Hà Nội mắc bệnh hiểm nghèo đã có nguyện vọng hiến tặng gan, được cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia chuyển từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghép cho nam bệnh nhân 37 tuổi bị xơ gan vào ngày 19/5/2020. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngăn chặn buôn bán tạng

Công tác tuyên truyền, vận động để hiến tạng, mô, cơ thể người ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định.

Đến nay, cả nước đã có 40.257 trường hợp đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết, chết não (trong đó đăng ký tại Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia là 22.257 trường hợp, bệnh viện Chợ Rẫy là 18.000 trường hợp). Cả nước thực hiện được hơn 5.500 ca ghép các bộ phận cơ thể người.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, số lượng hiến mô, cơ thể người, đặc biệt là người hiến chết não còn rất ít, trong khi đó nhu cầu cần ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép gan, thận, tim… và việc hiến mô, não, cơ thể người từ các bệnh nhân chết não tại các cơ sở y tế chưa được tận dụng một cách tối đa.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người hiến sống đang chiếm phần lớn ca ghép tạng hiện nay đã làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vấn đề mua bán mô, bộ phận cơ thể người và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, mặc dù hành vi mua bán bộ phận cơ thể người là trái pháp luật nhưng thực tế tình trạng này vẫn diễn ra.

“Khi tôi còn làm ở bệnh viện Chợ Rẫy, có người còn quỳ chân dưới chân tôi nói rằng, không bán được cái thận là sẽ không thể trả nợ, sẽ bị người ta giết chết liền. Chính vì vậy, nhân viên y tế phải hết sức thận trọng, GS-TS Trần Ngọc Sinh kể.

Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trên 50% người sống hiến tạng tại đơn vị này là người dưới 30 tuổi, và đã phát sinh những trường hợp tiêu cực từ người hiến tạng trẻ tuổi này.

Nhận thấy sự phức tạp từ việc tiếp nhận hồ sơ cho và nhận tạng, cuối năm 2016, Bệnh viện Trung ương Huế thành lập Phòng điều phối ghép tạng. Có nhiều trường hợp bệnh viện từ chối hiến, ghép tạng khi có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng sau đó trường hợp này đã đến một trung tâm ghép tạng khác và ghép trót lọt.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, mới đây đơn vị này tiếp nhận một hồ sơ chồng đăng ký hiến thận cho vợ. Hồ sơ có đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp, tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin về một trường hợp giả mạo hồ sơ xin ghép tạng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, ngay sau đó Bệnh viện Chợ Rẫy rà soát, phối hợp địa phương phát hiện đây là hồ sơ giả mạo và đã từ chối thực hiện ghép tạng.

“Nếu không nhận được thông tin từ bệnh viện bạn, chúng tôi cũng không thể nhận biết được bộ hồ sơ đó là giả mạo. Vì vậy, nhân viên y tế cần cảnh giác cao độ bởi hành vi làm giấy tờ, hồ sơ giả càng ngày càng tinh vi”, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu nói.

Do đó, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho rằng, cần quan tâm đầu tư, phát triển ghép từ người hiến chết não là tối ưu, tránh những hệ lụy từ người hiến sống.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế cho rằng, quyền lợi của người hiến sống và người hiến chết não là vấn đề mà chúng ta quan tâm.

“Chúng ta mang thai hộ nhưng không có khái niệm đẻ thuê; có hiến tạng, nhưng không có khái niệm bán tạng nên hiến tạng là phải thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, nhân đạo, đó là sự đem cho của chính trái tim mình. Còn nếu là hành vi bán thì nó lại liên quan đến lợi ích, lợi nhuận. Khi luật hiến tạng ra đời chúng tôi nhận được vô số câu hỏi, nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh”, ông Quang nói.

Ông Quang cho biết, về một trường hợp người cha không đủ tiền cho con vào học Đại học đã đến gặp ông với ý định hiến xác và đặt về đề “trả bao nhiêu”. Tuy nhiên, sau khi nghe phân tích thì người cha mới hiểu và nhận ra suy nghĩ không đúng của mình về hiến tạng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành ghép gan cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành ghép gan cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

“Chúng ta tăng cường nguồn hiến mô tạng, cơ thể người nhưng không tạo “kẽ hở” cho việc mua bán tạng. Trên thế giới có nhiều đường dây mua bán nội tạng và họ yêu cầu phải có sự phối hợp toàn cầu trong vấn đề này. Chính vì vậy, Hội Ghép Tạng và Hội Thận học Quốc tế triệu tập tại thành phố Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ tháng tháng 4/2008 đã ra Tuyên bố Istanbul về chống mua bán nội tạng và du lịch ghép tạng”, ông Quang cho hay.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, mua bán bộ phận cơ thể người thì việc buôn bán giữa người bán và người mua không thể thực hiện được nếu như không có các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tay hay không tiếp tay.

“Có những cái mình cũng biết nhưng lại nhắm mắt cho qua. Đây là quan hệ tay ba giữa người mua - người bán và các bệnh viện mà chúng ta không nắm được”, ông Quang nói.

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.