| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc [Bài 3]: 'Tẩm bổ' đất đồi, mít ruột đỏ đẻ ra tiền

Thứ Sáu 09/08/2024 , 06:40 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Với triết lý 'lấy gì của đất thì trả lại cho đất', hàng chục hộ dân ở thị trấn Nông trường Việt Trung đã trồng mít ruột đỏ cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha.

Mé phía bắc quả đồi, ông Nguyễn Văn Diệm (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã trồng thêm hơn 400 cây mít ruột đỏ gần một năm tuổi. “Cả khu vườn rộng hơn 5ha này tôi đều canh tác theo hướng hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đối với cỏ dại, tôi không sử dụng thuốc trừ cỏ mà chỉ cắt để tủ gốc cây” - ông Diệm nói.

Vườn mít ruột đỏ của ông Diệm cho thu hoạch chính vụ đầu tiên. Ảnh: Tâm Phùng.

Vườn mít ruột đỏ của ông Diệm cho thu hoạch chính vụ đầu tiên. Ảnh: Tâm Phùng.

Tư duy canh tác mới

Bài liên quan

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Diệm có vườn cao su rộng hơn 5ha. Sau thời gian bị bão lớn làm gãy đổ và giá mủ cao su xuống dốc, ông chuyển qua trồng các loại cây khác nhưng hiệu quả không cao. Có mấy năm vùng đất này gia đình ông Diệm cho một doanh nghiệp thuê lại để trồng cây sâm Bố Chính. Được vài năm, doanh nghiệp cũng xin trả lại đất vì thất bại.

Cách đây mấy năm, tình cờ ông Diệm biết đến cây mít ruột đỏ có giá trị kinh tế cao nên đã học hỏi kinh nghiệm canh tác rồi mua giống về trồng trên vùng đất đồi trước đây trồng cây cao su. “Điều khiến tôi thích nhất là quả mít to, múi mít có màu đỏ bắt mắt và hương vị rất đặc biệt, có pha lẫn hương dầu chuối nên chỉ thưởng thức một lần là nhớ mãi” - ông Diệm bộc bạch.

Khi cây mít bén rễ, ông Diệm đến các trang trại thu mua phân gà về ủ cùng với đạm cá được chế từ các loại phụ phẩm cá biển theo tỷ lệ thích hợp để bón cho cây trồng. Ông cũng không sử dụng các chất kích thích ra hoa, không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học để phun phòng ngừa sâu bệnh.

Những quả mít lớn cỡ 20kg khi vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Những quả mít lớn cỡ 20kg khi vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: Tâm Phùng.

Bài liên quan

Thấy chúng tôi quan sát chăm chú những thảm cỏ thưa xung quanh gốc mít hay ở những trảng đất giữa hai lối cây, ông Diệm bảo: “Cỏ dại mọc theo mùa thôi. Định kỳ tôi thuê người dùng máy cắt cỏ sát mặt đất chứ không nhổ bỏ, không dùng thuốc diệt cỏ đâu. Cỏ dại lên cứ cắt và tủ vào gốc cây mít để tạo thêm độ mùn cho đất. Kết hợp tủ cỏ dại với bón phân hữu cơ đã giúp đất ngày càng thêm tăng độ mùn, giàu dinh dưỡng và giun đất cũng phát triển nhiều lắm”.

Trong vườn, ông Diệm đầu tư hệ thống ống nhựa dẫn nước tưới đến từng gốc cây. Ở vùng đồi cao nhưng cây mít cũng không cần tưới nhiều, mỗi tuần ông chỉ bơm tưới một lần.

Sau gần 3 năm trồng, cây đã cho lứa quả bói đầu tiên. Ngay lập tức những quả mít ruột đỏ đã được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì hương vị thơm ngon, có bao nhiêu thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu. Ông Diệm phấn chấn vì biết mình đã đi đúng hướng nên càng tin tưởng vào cây mít ruột đỏ.

Đến năm thứ 4 thì vườn mít của gia đình bước vào chính vụ đầu tiên. Hiện gia đình ông Diệm có hơn 1.700 cây mít ruột đỏ cho trái. Ông cho hay: “Theo lý thuyết thì mỗi gốc mít chỉ để 5 quả thôi. Nhưng vì vườn được chăm sóc tốt nên cây rất khỏe, có cây tôi để 7 - 8 quả. Những quả bị khuyết tật, không đẹp bị cắt bỏ".

Mít ruột đỏ được thương lái mua tại vườn với giá 20 ngàn đồng mỗi kg. Ảnh: Tâm Phùng.

Mít ruột đỏ được thương lái mua tại vườn với giá 20 ngàn đồng mỗi kg. Ảnh: Tâm Phùng.

Khi quả mít trên cây lớn khoảng 1kg, ông cho người dùng túi lưới bao lại để hạn chế sự xâm nhập của côn trùng để trái mít khi thu hoạch có chất lượng, mẫu mã cao hơn. “Hiện tại, vườn đã bước vào vụ thu hoạch. Quả mít trên cây có trọng lượng bình quân từ 8 - 12kg. Những vụ sau chắc chắn quả sẽ lớn hơn vì cây đến độ sung sức” - ông Diệm cho biết.

Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, thương lái ở các tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Bến Tre… liên tục gọi điện đặt hàng, nhà vườn đã xuất bán 3 đợt với tổng khối lượng trên 15 tấn quả mít ruột đỏ chất lượng cao.

“Giá các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đặt mua tại vườn là 20 ngàn đồng/kg. Nếu tính trung bình mỗi gốc mít cho khoảng 50kg quả thì cũng đã cho thu nhập 1 triệu đồng. Mỗi ha vườn tôi trồng 400 gốc thì, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng chứ không phải thấp đâu” - ông Diệm cho hay.

Ông Diệm dẫn chúng tôi ra xem vườn mít ruột đỏ mới trồng năm ngoái. Những cây mít đang độ phát triển tốt đứng thẳng hàng ở mé đồi. Vừa tỉa cánh, ông Diệm vừa trò chuyện: “Cây mít ruột đỏ phù hợp với đất đai và khí hậu ở đây nên tốt lắm. Trước đây, vườn mít trên đồi lớn nhanh quá nên tôi phải cắt ngọn đi. Vườn này cũng được hơn 1ha, khoảng 2 năm nữa sẽ cho trái”.

“Đánh thức” vùng gò đồi

Vùng đất đồi miền tây huyện Bố Trạch vốn là “thủ phủ” cây cao su của địa phương này. Tuy nhiên, sau những thất bát của cây lấy mủ, bà con đang tìm hướng đi mới để cơ cấu lại cây trồng hiệu quả, lâu bền hơn.

Hiện phong trào cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đồi ở thị trấn Nông trường Việt Trung đang có chiều hướng phát triển mạnh. Ngoài gia đình ông Diệm, nhiều hộ dân ở đây cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém chất lượng, giá trị kinh tế thấp sang trồng mít khi thấy hiệu quả từ cây mít ruột đỏ mang lại. Thị trấn hiện có 20 hộ trồng mít ruột đỏ với tổng diện tích trên 32ha.

Vườn mít mới trồng đã bén rễ ở mé đồi. Ảnh: Tâm Phùng.

Vườn mít mới trồng đã bén rễ ở mé đồi. Ảnh: Tâm Phùng.

Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho hay, hiện sản phẩm mít ruột đỏ của một số hộ đang sản xuất theo chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

“Chúng tôi cũng có lộ trình cho bà con chuyển đổi và tăng dần diện tích cây mít ruột đỏ trên vùng đồi. Trong đó chú trọng vào hướng canh tác hữu cơ, hạn chế và hướng đến không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm. Để bảo đảm đầu ra, chúng tôi hỗ trợ bà con tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam nhằm ổn định khâu tiêu thụ và dần hướng đến chủ động đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao” - bà Trần Thị Nguyệt nói thêm.

Cũng trên vùng đồi cạnh vườn cây nhà ông Diệm, anh  Nguyễn Văn Thành cũng ham học hỏi và mạnh dạn phá bỏ cây trồng truyền thống, dành hơn 1ha đất trồng mít ruột đỏ. Được ông Diệm chỉ dẫn kinh nghiệm, anh Thành làm theo lối canh tác không dùng phân bón vô cơ mà chỉ bón phân chuồng ủ hoai.

“Tôi cũng không phun thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và môi trường mà chỉ dùng các loại chế phẩm sinh học. Vụ này, vườn nhà tôi đã cho lứa quả bói và gửi nhờ vào vườn ông Diệm bán cho thương lái nên cũng đã có thu nhập” - anh Thành hồ hởi.

Không chỉ trồng mít ruột đỏ, trong vườn, ông Diệm còn trồng xen các loại cây như dứa (thơm), chanh… Hai năm gần đây, tiền bán hoa quả cây trồng xen cũng có thu nhập khoảng 50 triệu đồng.

Ông Diệm chia sẻ: “Trồng xen như vậy cũng là để tránh đất đồi bị rửa trôi, vừa tận dụng diện tích. Thu nhập từ trồng xen dùng để mua phân chuồng ủ hoai bón cho vườn nhằm tăng dinh dưỡng cho đất. Mỗi chu kỳ thu hoạch cây mít từ 13 - 15 năm. Chừng đó thời gian cũng sẽ cho đất tăng phì nhiêu để tiếp tục canh tác lứa cây mới”.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.