Ông Ngô Văn Nghị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Na (HTX Trung Na), xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội chia sẻ, từ khi chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ, hiệu quả kinh tế của bà con xã viên đã tăng gần gấp đôi so với phương pháp truyền thống.
Theo thống kê của hợp tác xã (HTX), tuy năng suất canh tác rau hữu cơ thấp hơn 10 - 12% so với canh tác vô cơ, nhưng thu nhập mỗi năm từ mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ lên tới 850 - 950 triệu đồng/ha, trong khi các hộ canh tác rau an toàn truyền thống trong cùng HTX thu nhập trung bình từ 450 - 500 triệu đồng/ha.
HTX Trung Na hiện canh tác khoảng 81ha rau an toàn, trong đó diện tích canh tác hữu cơ khoảng 3,5ha (chiếm 4,3%) với khoảng 23 nông dân tham gia. Hiện, mô hình canh tác hữu cơ của HTX Trung Na chủ yếu trồng cà chua, bầu, bí, mướp, rau cải bắp, su hào… cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn hàng ngày cho thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận.
Ông Nghị cho biết, sản phẩm hữu cơ của HTX hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học, tất cả hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống…
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ của HTX Trung Na tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ như không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng. Nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng được ông Nghị và các xã viên sử dụng từ các loại phân ủ thủ công khác nhau.
Do không sử dụng chất hoá học nên côn trùng có hại cho cây trồng xuất hiện khá nhiều tại mô hình canh tác hữu cơ như bướm, sâu ăn lá, ruồi vàng... Điều này tuy gây nhiều bất lợi cho cây trồng nhưng cũng khẳng định ruộng vườn không có hóa chất.
Để hạn chế sâu bệnh hại, HTX đã triển khai nhiều giải pháp như: trồng đan xen nhiều loại cây rau màu, trồng hoa, sử dụng bẫy côn trùng, màng phủ passlite, chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng từ gừng, tỏi…
Sau hơn 1 năm chuyển sang canh tác rau hữu cơ, cô Vũ Thị Nơi, thành viên HTX Trung Na cho biết: "Làm rau hữu cơ tuy mất nhiều thời gian, vất vả hơn so với canh tác truyền thống nhưng được cái không khí trong lành vì không sử dụng thuốc trừ sâu, rau sạch đảm bảo sức khoẻ cho người dùng nên nông dân rất yên tâm khi xuất bán ra thị trường".
Về năng suất và giá bán một số loại cây trồng chủ lực của mô hình canh tác hữu cơ, Giám đốc HTX Trung Na cho biết, năng suất cà chua đạt từ 1,2 - 1,3 tấn/sào, giá bán trung bình khoảng 16.000 đồng/kg, cao hơn 6.000 đồng/kg so với cà chua canh tác truyền thống.
Năng suất cải bắp đạt từ 1,3 - 1,4 tấn/sào, giá bán trung bình khoảng 21.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cải bắp canh tác vô cơ. Su hào loại 3 củ một kg có giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, cao hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường khoảng 2.000 đồng/kg.
Để hỗ trợ bà con nông dân canh tác hữu cơ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Sơn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội) đã phối hợp UBND xã Thanh Xuân mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trong canh tác rau hữu cơ.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động bà con canh tác đúng quy trình hữu cơ, không trà trộn các sản phẩm vô cơ. Trạm cũng thường xuyên cử cán bộ về thăm đồng và điều tra mật độ sâu bệnh hại để kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, mỗi năm Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất từ 300 - 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ.