| Hotline: 0983.970.780

Tạo hệ sinh thái khuyến nông kết nối, đổi mới, sáng tạo

Thứ Tư 27/07/2022 , 19:48 (GMT+7)

Ngày 27/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022 với thông điệp kết nối hệ thống – đổi mới, sáng tạo.

Đổi mới, sáng tạo để phục vụ tốt hơn

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022 là sự kiện chưa từng có đối với hoạt động khuyến nông.

Năm 2022, mặc dù điều kiện hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hệ thống khuyến nông, các đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động khuyến nông đã có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Các dự án khuyến nông, nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên triển khai đảm bảo yêu cầu, tiến độ và mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022 với chủ đề kết nối hệ thống, đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Hoàng Anh.

Hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2022 với chủ đề kết nối hệ thống, đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Hoàng Anh.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ NN-PTNT giao, Trung tâm KNQG đã triển khai 162 dự án, xây dựng 443 mô hình, 618 điểm trình diễn, thu hút 12.171 hộ tham gia, tổ chức 510 lớp tập huấn cho 15.359 lượt người và 420 lớp, 12.952 lượt người ngoài mô hình…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 61 dự án khuyến nông trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV đã xây dựng, cùng 38 dự án khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi và thú y, 35 dự án khuyến ngư, 21 dự án khuyến lâm trồng rừng gỗ lớn, trồng cây lâm sản ngoài gỗ...

Các dự án cơ giới hóa, bảo quản chế biến và nghề muối cũng được triển khai xây dựng các mô hình tập trung vào các lĩnh vực: Cơ giới hóa trong sản xuất lúa, chế biến bảo quản gỗ, sản xuất muối sạch…

Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện, hợp tác khuyến nông được đẩy mạnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc hình thành và hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng, Trung tâm KNQG đã xây dựng, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng các báo cáo tham luận của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tại hội nghị cũng thể hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế, những rào cản, vướng mắc về mặt chính sách, quản lý nhà nước cần tháo gỡ để đảm bảo vai trò của khuyến nông thực sự là cầu nối giữa nhà khoa học và người dân.

Mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng đang được Trung tâm KNQG xây dựng, triển khai. Ảnh: D.Đ.T.

Mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng đang được Trung tâm KNQG xây dựng, triển khai. Ảnh: D.Đ.T.

Ví dụ, cơ chế, chính sách hoạt động khuyến nông chưa đồng bộ, còn nặng về thủ tục hành chính; hệ thống tổ chức khuyến nông còn thiếu đồng bộ từ trung ương tới địa phương; công tác khuyến nông còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực người nông dân…

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác khuyến nông; mô hình, dự án khuyến nông một vài nơi còn chậm lan tỏa và thiếu tính bền vững; năng lực cán bộ khuyến nông còn hạn chế, đặt biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số…

Công tác khuyến nông cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, đe doạ “đứt gãy” hệ thống khuyến nông, làm suy yếu tính liên kết bền vững.

Ông Lê Quốc Thanh cho biết, năm 2023, hoạt động khuyến nông sẽ chú trọng vào các nội dung trọng tâm, ưu tiên, trọng điểm như: Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP/VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường.

Liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, kinh tế hợp tác nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng các vùng sản xuất có mã số vùng trồng; sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quy định tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước các sản phẩm chủ lực của ngành.

Phát triển ngành nghề nông thôn theo chương trình OCOP. Phát triển kinh tế rừng, liên kết tổ chức sản xuất rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC và lâm sản ngoài gỗ; khắc phục và ứng phó với biến đổi khí hậu, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh…

Không để hệ thống khuyến nông bị "lung lay"

Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Giám đốc Trung tâm KNQG đã chủ trì buổi đối thoại với hàng trăm đại biểu là cán bộ khuyến nông ở các địa phương, đây là “sự kiện chưa từng có đối với hệ thống khuyến nông”.

Những ý kiến trăn trở, băn khoăn về bộ máy, tổ chức, hệ thống khuyến nông bị đứt gãy sau Nghị quyết 19 của Trung ương, những chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của các địa phương đã được đưa ra mổ xẻ, bàn thảo tại buổi đối thoại nhằm tìm giải pháp củng cố, nâng cao vai trò, vị trí của hệ thống khuyến nông, đặc biệt là hệ thống khuyến nông cơ sở.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đối thoại với cán bộ khuyến nông các địa phương. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đối thoại với cán bộ khuyến nông các địa phương. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội chia sẻ, hệ thống khuyến nông ở các địa phương sau Nghị quyết 19 của Đại hội XII có nhiều nhiều biến động và khuyến nông Hà Nội cũng bị lung lay. Để tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu, bà Hương cho rằng cần có hướng dẫn chung, về mặt quản lý nhà nước cần phải có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Từ thực tiễn đó, các đại biểu cũng trình bày các giải pháp ở các địa phương, kiến nghị Trung tâm KNQG, Bộ NN-PTNT tham mưu, ban hành các chính sách mới nhằm củng cố, nâng cao vai trò hệ thống khuyến nông.

Ông Bùi Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lào Cai chia sẻ, từ năm 2017, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập trạm thú y, trạm khuyến nông và trạm BVTV. Sau 5 năm hoạt động, đánh giá thấy rằng, trung tâm khuyến nông bị đứt gãy, mất tên, chức năng khuyến nông không còn là nhiệm vụ chính, dẫn đến hoạt động của trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng rất khó khăn, không hiệu quả, chức năng nhiệm vụ rất chồng chéo, nhiều nội dung không thực hiện được như trước.

"Vừa qua, Lào Cai đã tách trạm thú y, chỉ còn lại khuyến nông và BVTV, tháng 10/2021, chúng tôi thấy cần phải củng cố, khẳng định vai trò, vị trí của khuyến nông cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi kịp thời tham mưu Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị 26 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến nông trong tình hình mới.

Đây vừa là “cần câu”, vừa là "gậy chống” rất vững chắc cho hệ thống khuyến nông. Từ đó Lào Cai đã củng cố, kiện toàn lại hệ thống tổ chức khuyến nông chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, có cơ cấu tổ chức bộ máy đồng bộ thống nhất tinh gọn, hiệu quả và bền vững theo Nghị quyết của Trung ương", ông Tuấn cho biết.

Việc thay đổi mô hình tổ chức hoạt động đã khiến hệ thống khuyến nông tại nhiều địa phương bị phá vỡ, giảm hiệu quả. Ảnh: Đào Chánh.

Việc thay đổi mô hình tổ chức hoạt động đã khiến hệ thống khuyến nông tại nhiều địa phương bị phá vỡ, giảm hiệu quả. Ảnh: Đào Chánh.

Ngoài những giải pháp về “phần cứng” của bộ máy, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp mở rộng “phầm mềm” của hệ thống khuyến nông để vừa đảm bảo quy định của Trung ương vừa phát huy được vai trò, nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương, hệ thống khuyến nông nhà nước ở tỉnh Quảng Ninh được tổ chức gồm Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kinh tế cấp huyện, cấp xã kiêm nhiệm, thành lập các Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động theo phương thức tự nguyện, cấp thôn bản dựa vào các đồng chí lãnh đạo thôn bản, thành viên tổ chức hội, đoàn thể và nông dân nòng cốt.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cho biết, để xác định rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước, mối quan hệ trong phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý, hoạt động và chế độ thông tin báo cáo giữa Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố, từ đó công tác khuyến nông vẫn được đảm bảo có hiệu quả và đóng góp vào kết quả chung của ngành.

Tuy nhiên, Nghị quyết của Trung ương chỉ đạo các đơn vị sẽ được sắp xếp theo hướng đơn vị cung cấp nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại, và từng bước nâng cao mức độ tự chủ tài chính, chuyển đổi phương thức hoạt động từ phân bổ theo kế hoạch sang hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ công… Chính vì vậy về cơ chế, chính sách cần phải rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung chi và mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông.

Hoạt động hệ thống khuyến nông thực sự gắn bó với nông dân ngày càng rõ nét. Ảnh: TL.

Hoạt động hệ thống khuyến nông thực sự gắn bó với nông dân ngày càng rõ nét. Ảnh: TL.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, cả Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Giám đốc Trung tâm KNQG đều chia sẻ với những trăn trở, băn khoăn của cán bộ hoạt động trong hệ thống khuyến nông. Rõ ràng vị trí, vai trò đã được khẳng định nhưng những chính sách đãi ngộ đối với hệ thống khuyến nông, đặc biệt là khuyến nông cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

“Cách chứng minh duy nhất vai trò của khuyến nông là phải hoạt động thật hiệu quả. Điều quan trọng lúc này là duy trì hệ thống và phát huy vai trò, chắc chắn vị thế của khuyến nông sẽ ngày càng được nâng cao”, ông Lê Quốc Thanh nói.

5 nhiệm vụ để khẳng định vai trò, vị thế 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, thông qua các tham luận, ý kiến đóng góp của hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt thông qua buổi đối thoại có thể thấy được khát vọng kết nối hệ thống, đổi mới, sáng tạo, những chuyển biến để hệ thống khuyến nông thực sự gắn bó với nông dân ngày càng rõ nét.

Từ khát vọng, chuyển biến đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh có 5 nhiệm vụ mà hệ thống khuyến nông cần phải thực hiện để khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của mình.

Thứ nhất, Trung tâm KNQG cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, xác định phương pháp hoạt động khuyến nông không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật mà còn là chuyển giao tri thức tự nhiên, xã hội, mang tính lan tỏa đến người nông dân.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu 5 nhiệm vụ với hệ thống khuyến nông. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu 5 nhiệm vụ với hệ thống khuyến nông. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ hai, về mặt tổ chức sản xuất, công tác khuyến nông không chỉ đơn giản là kết quả của mô hình mà phải góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Đẩy mạnh vai trò tư vấn dịch vụ và mở rộng các dịch vụ phục vụ người dân.

Thứ ba, để tiếp tục khẳng định vai trò và hoạt động phục vụ vì người nông dân tốt hơn, hệ thống khuyến nông cần xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông, tránh dựa vào nguồn vốn ít ỏi của ngân sách nhà nước. Với thế mạnh là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước, hệ thống khuyến nông cần tăng cường hơn nữa liên kết doanh nghiệp, giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là liên kết với các các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng các vùng nguyên liệu lớn.

Thứ tư, phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, kết nối thị trường… Tổ chức các lớp tập huấn để cán bộ khuyến nông cộng đồng hiểu về HTX, vận động người dân tham gia như thế nào, vấn đề thông tin thị trường, công nghệ số để có thể hướng dẫn, định hướng và tư vấn giúp người nông dân.

Thứ năm, hệ thống khuyến nông cần tăng cường hơn nữa việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị xã hội ở địa phương… “Phải làm sao công tác khuyến nông, ngoài hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, giá trị ở các mô hình còn là những kết quả thị trường, xã hội, môi trường… Có như thế, thay vì đi tìm người dân để hỗ trợ thì người nông dân sẽ tự tìm đến chúng ta”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất