Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A An
Ngày 12/4 tại Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tập đoàn Tân Long) tổ chức hội thảo “Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững - Cánh đồng Hạnh Phúc (lần 3 năm 2022). Đến dự có các nhà khoa học và hơn 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho các hợp tác xã (HTX), tổ chức nông dân tại các tỉnh ĐBSCL.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cho biết: Để ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL phát triển bền vững theo chuỗi liên kết, Tập đoàn Tân Long đã đưa ra đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A An. Đề án này một bức tranh tổng thể về hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo của Tập đoàn trong lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; hệ thống cơ sở hạ tầng các nhà máy xử lý, chế biến lúa gạo sau thu hoạch và chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững ở ĐBSCL.
Theo ông Trương Sỹ Bá, để phát triển HTX kiểu mới thành công trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác trên cánh đồng quy mô lớn. Từ cách làm đó, sẽ giúp nông dân tiết kiệm các chi phí vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV và chuyển sang định hướng sử dụng phân bón hữu cơ, ít ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác. Từ đó, có thể canh tác lâu dài với chi phí ngày càng thấp hơn và sản phẩm lúa gạo ngày càng chất lượng hơn.
Mục tiêu xây dựng chuỗi lúa gạo của Tân Long trong thời gian tới, trước tiên là xem HTX như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, hoàn thiện chuỗi và phân phối lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân. Theo đó, sẽ dần hướng đến xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững, tích tụ ruộng đất để canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, chuyên nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao để tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận trồng lúa của nông dân là thành viên HTX.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Tân Long còn phát triển canh tác các giống lúa chất lượng cao để xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia, tham gia hiệu quả vào thị trường lúa gạo thế giới. Đồng thời, ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và các giống lúa có giá trị xuất khẩu cao như Japonica, Jasmine, DT8, RVT…
Tập đoàn Tân Long cũng sẽ chú trọng thực thi mô hình HTX kiểu mới, sản xuất ra sản phẩm gạo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm, phát triển canh tác lúa hữu cơ, quy trình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP) giúp tăng năng suất và giảm hao hụt trong và sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra những cánh đồng thông minh (smart - farm), xây dựng cơ sở dữ liệu canh tác bằng các ứng dụng số, quản lý tốt truy xuất nguồn gốc, ước lượng năng suất, dự đoán sâu bệnh... Đồng thời, hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế như IFC, Worldbank trong các dự án sản xuất lúa gạo bền vững, tăng giá trị và uy tín thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Chúng tôi tích cực liên kết với nông dân và mở rộng bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con theo mô hình HTX kiểu mới nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, hướng đến tầm nhìn quy mô sản xuất hơn 1 triệu tấn gạo thành phẩm chất lượng cao trước năm 2030 và xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia A An”, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh.
HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả và HTX rất quan tâm các mục tiêu phát triển mô hình HTX kiểu mới, chuyển đổi số trong nông nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo an toàn, giải pháp kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Ông Trịnh Phước Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học An Giang) cho rằng: HTX nông nghiệp hiện nay đang đóng vai trò là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Từ cách làm ăn liên kết đó, đã giúp cho người sản xuất lúa gạo giảm được các khâu trung gian, tăng lợi ích cho nông dân và hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo.
Đối với mô hình HTX kiểu mới, doanh nghiệp tham gia góp vốn và điều hành HTX, bao tiêu toàn bộ lúa canh tác sau thu hoạch, nông dân tham gia tích tụ ruộng đất. Khi mô hình đủ lớn và tập trung được số lượng đông đảo thành viên, HTX sẽ thành lập liên hiệp HTX theo mô hình tập đoàn.
Đề án phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững – an toàn, trách nhiệm xã hội được triển khai trên cơ sở hợp tác, liên kết sản xuất giữa Tập đoàn Tân Long và các HTX là hướng đi mới, sẽ giúp nông dân tăng lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng giá vật tư nông nghiệp tăng cao, vì vậy để giảm giá thành sản xuất, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” cũng như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học.
Các mô hình trồng lúa thực hiện tốt các quy trình sản xuất này, có thể giúp giảm 30% chi phí trong sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng đẩy mạnh khuyến khích nông dân tham gia vào HTX, tổ hợp tác, trên cơ sở có liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, chất lượng.
Tập đoàn Tân Long đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gạo của Tập đoàn đạt trên 350.000 tấn/năm.
Tại thị trường nội địa, thương hiệu Gạo A An của Tập đoàn Tân Long từ khi ra mắt vào tháng 7/2019 đến nay đã được phân phối tại 25.000 điểm bán lẻ gạo trên toàn quốc, tổng quy mô tiêu thụ bán lẻ và bán buôn đạt trên 180.000 tấn/năm.
Gạo A An định hướng phát triển kênh phân phối quy mô đến 100.000 điểm bán vào cuối năm 2025 và tiếp tục mở rộng đến 200.000 điểm bán vào năm 2030, tương ứng kế hoạch tiêu thụ 600.000 tấn gạo thành phẩm mỗi năm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Tân Long còn xuất khẩu gạo Japonica lớn nhất Việt Nam và Châu Á. Thị trường truyền thống gồm: Hàn Quốc, Philippines, các nước Nam Thái Bình Dương (Pupua New Guinea, Solomon), Bờ Biển Ngà, Ghana, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, UAE, Đức, Thụy Điển, Úc, Mỹ. Đặc biệt, gạo A An đã được phân phối tại các hệ thống bán lẻ quốc tế.