Vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã giao Trung tâm BVTV phía Bắc cùng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh tổ chức khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM của các tỉnh phía Bắc. Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV dự khai giảng khóa tập huấn.
Khóa tập huấn nhằm bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) cho các giảng viên TOT – IPM để các giảng viên này có đủ điều kiện trở thành các giảng viên TOT- IPHM. Qua đó, tạo nguồn giảng viên IPHM cho các tỉnh để đào tạo, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về IPHM tại các địa phương.
Khóa tập huấn có 30 học viên tham dự, là cán bộ của Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh. Học viên là giảng viên IPM cấp quốc gia (có giấy chứng nhận đã qua khóa tập huấn giảng viên IPM do Cục BVTV cấp). Giảng viên khóa tập huấn gồm 05 người, có trình độ từ đại học trở lên, đã qua khóa đào tạo TOT – IPHM từ 105 ngày trở lên và được Cục BVTV cấp giấy chứng nhận.
Tham gia khóa tập huấn, các học viên sẽ được đào tạo các kiến thức, nguyên tắc của IPHM, ICM, các biện pháp kỹ thuật của IPHM và các tiến bộ kỹ thuật liên quan IPM như SRI, "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"...; một sức khỏe, sức khỏe cây trồn; biện pháp đấu tranh sinh học; giống khỏe (giống chất lượng và trồng cây khỏe); sức khỏe đất và dinh dưỡng cho cây trồng; nông nghiệp sinh thái (sinh thái nông nghiệp và bảo vệ môi trường); sinh thái đất, biện pháp cải tạo đất; quản lý cỏ dại bền vững; thuốc BVTV (văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quản lý thuốc BVTV; thuốc BVTV thế hệ mới; thuốc sinh học; chương trình phát triển thuốc BVTV sinh học; phân bón (hóa học, hữu cơ, phân vi sinh, nguyên tắc sử dụng); bảo vệ môi trường (thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc, phân bón…); canh tác giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Nội dung và bản chất của IPM và IPHM cơ bản là như nhau, nhưng về nội dung, IPHM bổ sung thêm việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, thuốc BVTV sinh học, mã số vùng trồng và xuất khẩu, chương trình chuyển đổi số nông nghiệp.
Chương trình của IPHM đã đưa vào chương trình hành động với các nhiệm vụ như: Xây dựng chiến lược IPHM; kế hoạch hành động từ năm 2025 - 2030; xây dựng chương trình khung IPHM; xây dựng chương trình lớp TOT (IPHM); xây dựng chương trình lớp FFS (IPHM)...