Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) 47 cơ sở sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm động vật, trong đó, 7 cơ sở xếp loại A, 40 cơ sở xếp loại B; Thẩm định đánh giá định kỳ 44 cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong đó các cơ sở cơ bản duy trì các điều kiện đảm bảo ATTP; Thu hồi 7 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do không thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, chuyển đổi hình thức hoạt động kinh doanh, ngừng hoạt động.
Đã triển khai lấy 150 mẫu thịt tại 30 cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật để xét nghiệm chỉ tiêu tồn dư kháng sinh và vi sinh vật; kết quả có 5 cơ sở có mẫu xét nghiệm vượt ngưỡng vi sinh vật, không có cơ sở có mẫu vượt ngưỡng tồn dư kháng sinh. Thực hiện test nhanh kiểm tra tồn dư chất cấm tại các cơ sở giết mổ gia súc, đã lấy 900 mẫu kiểm tra, kết quả không phát hiện mẫu dương tính với Salbutamol. Lấy 300 mẫu thịt kiểm tra test nhanh tồn dư kháng sinh tại các chợ kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố, không phát hiện mẫu tồn dư kháng sinh.
Hà Nội là thành phố có ngành chăn nuôi phát triển, tính đến thời điểm tháng 12/2023 đàn trâu, bò 158,5 nghìn con; đàn lợn 1,49 triệu con; đàn gia cầm 41,9 triệu con. Số lượng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm: 130 trang trại quy mô lớn; 1.593 trang trại quy mô vừa; 4.658 trang trại quy mô nhỏ; 173.708 hộ chăn nuôi. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có 1.029 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, trong đó: Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi là 24, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi là 1.029, cơ sở có đăng ký kinh doanh là 754, cơ sở không có đăng ký kinh doanh là 275. Cơ sở buôn bán thuốc thú y có 587. Cơ sở, điểm, hộ giết mổ động vật có 726...
Ngành chăn nuôi của Thủ đô luôn được Trung ương, TP quan tâm chỉ đạo, đầu tư trọng tâm trọng điểm theo hướng phát triển nguồn con giống chất lượng cao cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận, cũng như đáp ứng một phần thực phẩm tại chỗ cho người dân. Tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tăng đàn gia súc, gia cầm. Nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, không thể thiếu đó là nguồn lực chất lượng cao bao gồm kỹ sư, bác sĩ chăn nuôi, thú y yêu nghề, tâm huyết. Đàn gia súc, gia cầm Thủ đô vẫn đứng tốp đầu của cả nước. Nhờ thế mà Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu và triển khai các chính sách phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản ổn định với các bệnh tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò.