Tình cờ biết được Dương Thị Huệ Hà, 26 tuổi, là công nhân bộ phận 8214, xưởng A Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam (khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương) đang cách ly tại “tâm dịch” Hải Dương, tôi đã cố gắng kết nối với Hà qua mạng Facebook đúng vào ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Ngay khi kết nối được, giọng nói thánh thót bên đầu dây bên kia không ngần ngại mà kể cho tôi nghe về những trải nghiệm chưa từng có trong cuộc đời của Hà khi “tự nhiên” phải cách ly, tự nhiên được "nghỉ ngơi", xa con gái nhỏ, xa gia đình thân yêu.
Hà kể, những ngày cuối năm 2020, khi cả công ty đang tích cực hoàn thành công việc để chuẩn bị nghỉ Tết thì hay tin công ty của mình là tâm dịch Covid-19. Công ty thông báo một nữ công nhân của công ty này được phía Nhật Bản xác định dương tính SARS-CoV-2 khi đi xuất khẩu lao động và sau đó Việt Nam xác định một nữ công nhân làm tại xưởng cắt cùng công ty với Hà là bệnh nhân 1552 mắc Covid-19.
Thế rồi, Hà và mọi người trong công ty được yêu cầu ở lại cách ly ngay tại công ty để cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp điều tra, khoanh vùng. Lúc ấy, ai cũng lo lắng, xen lẫn hoảng sợ, lại không có chỗ để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, được sự động viên của cấp trên, mọi người cũng trấn tĩnh và ở lại công ty 1 ngày 1 đêm.
Sau đó, Hà và một số người cùng công ty được chuyển sang khu cách ly tại trường THPT Chí Linh (Quốc lộ 18, thị trấn Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Tại đây, Hà và 13 người cùng tổ được sắp xếp chung một phòng, trong phòng mỗi người được chia khoảng cách theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm tránh lây lan dịch Covid-19 trong khu cách ly.
“Em không ngờ được rằng, khi vào đây, ban quản lý khu cách ly và các anh chị lại đối đãi với chúng em tốt như vậy. Chúng em được y bác sĩ, bộ đội rất quan tâm và chu cấp các vật dụng đồ dùng thiết yếu rất đầy đủ như chiếu, chăn màn, xà bông… phòng ốc thì vệ sinh sạch sẽ, mỗi bữa cơm đều nóng hổi với những phần ăn thay đổi theo từng bữa.
Hàng ngày, các y bác sĩ chia ra làm hai đợt sáng và tối để đo thân nhiệt cho từng người, từng phòng. Họ ghi chép rất tỉ mỉ nhiệt độ của từng người để tiện theo dõi.
Từ lúc vào trong khu cách ly chúng em được lấy mẫu xét nghiệm hai lần. Lúc ấy, lo lắng hồi hộp về kết quả xét nghiệm của mình không biết âm tính hay dương tính với SARS-CoV-2, nhưng chúng em cũng thấy được an ủi phần nào vì các anh chị quản lý, y bác sĩ, bộ đội nơi đây thường xuyên vào hỏi thăm tình hình, động viên, trấn an bọn em.
Đặc biệt, họ thường xuyên tuyên truyền những điều bổ ích giúp mọi người trong khu cách ly biết cách phòng chống cũng như bảo vệ chính mình khỏi Covid-19 và nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức nơi tập thể chung”, Hà tâm sự.
Khi nhắc về đứa con gái nhỏ đang ở nhà, Hà có chút nghẹn ngào: “Con em còn nhỏ, gần Tết mà không mua được cho con bộ quần áo mới, em cũng chạnh lòng. Nhưng cũng may có ông xã và gia đình hai bên chăm lo cho con nên em cũng đỡ lo. Dù có buồn và có nhớ nhà, nhất là đêm giao thừa, ai ai cũng mong đoàn tụ với gia đình, nhưng vì chính bản thân mình, vì gia đình và cộng đồng, nên chúng em – những người đang phải cách ly cũng sẽ cố gắng để vượt qua khó khăn này.
Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, để mọi người được đoàn tụ bên gia đình, để các y bác sĩ, chiến sĩ bộ đội… không còn phải ngày đêm vất vả chống dịch nữa”.
Tôi hỏi Hà làm gì để “giết” thời gian trong những ngày cách ly, Hà nói, trong này, chiếc điện thoại là vật bất ly thân, giúp Hà và mọi người kết nối với gia đình, bạn bè và theo dõi tình hình dịch Covid-19.
“Cứ rảnh là chồng em lại gọi điện tâm sự cùng em để em đỡ buồn. Anh ấy còn nhắc nhở em phải đeo khẩu trang cẩn thận, ăn uống đầy đủ, tinh thần phải thoải mái không cần phải lo lắng nhiều và quan trọng là phải thật lạc quan. Dù có chuyện gì thì chồng và gia đình vẫn luôn bên em”, Hà tâm sự.
Hà còn khoe với tôi là đúng 30 Tết, chồng em gửi bánh chưng, gà, giò từ Quảng Ninh vào khu cách ly cho em để em đỡ tủi thân.
Ngoài những lúc gọi điện về cho gia đình, tâm sự với con gái, với chồng thì Hà cùng các bạn cũng đánh cầu lông, hoặc tập thể dục để nâng cao sức khỏe, đặc biệt luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người đối diện dù tập thể dục.
Nói về cái Tết đặc biệt của mình tại khu cách ly, Hà chia sẻ, mỗi phòng bọn em được tặng rất nhiều bánh kẹo, bánh chưng, nước ngọt… Vì cách ly tại trường học, nên phòng Hà đã tận dụng bảng học của học sinh để trang trí bức tranh "Tết đoàn viên" để không khí Tết tại khu cách ly thêm phần ấm cúng, vơi đi nỗi nhớ nhà.
Ngoài ra, đúng đêm giao thừa, y bác sĩ gõ cửa từng phòng và lì xì cho từng người. “Chị biết không, trong khu cách ly mà em còn được lì xì những 600 ngàn đồng đấy! Chúng em rất hài lòng, cảm ơn nhà nước cùng công ty đã hỗ trợ chúng em 1 cái Tết đủ đầy.
Thương các y bác sĩ, thương các chú bộ đội đã vất vả ngày đêm lo cho chúng em từng bữa ăn, thiếu gì họ đều hỗ trợ bọn em mà không nề hà gì. Họ cũng không được đón Tết cùng gia đình, nhưng họ lại luôn động viên chúng em cố gắng thực hiện đúng khuyến cáo phòng dịch để chiến thắng dịch Covid-19 và sớm đoàn tụ cùng gia đình. Đây sẽ là những kỷ niệm mà những người phải cách ly như em không bao giờ quên được”, Hà giãi bày.
Đến nay, là 16 ngày Hà ở trong khu cách ly. Hà hy vọng rằng, mình và mọi người sẽ an toàn, sớm hoàn thành thời gian cách ly theo quy định của Nhà nước, được trở về cùng gia đình. Mong dịch Covid-19 sớm qua đi, để mọi người trở về trạng thái bình thường mới. Hà sẽ đem câu chuyện của mình trong khu cách ly sau này kể cho con gái nghe, mẹ đã từng ăn Tết trong khu cách ly này.