| Hotline: 0983.970.780

Tết yêu thương bên mẹ đỡ đầu

Thứ Năm 15/02/2024 , 10:20 (GMT+7)

Hà Nội 'Giờ con có số điện thoại của mẹ rồi, có việc hay tâm sự gì thì nhớ nhắn mẹ nhé', chị Nguyễn Tuyết Anh ôm người con trai lớp 9 vào lòng, trìu mến nói.

Mẹ Tuyết Anh bên Nguyên Lộc - con trai của chị trong Chương trình 'Mẹ đỡ đầu'. Ảnh: Bảo Thắng.

Mẹ Tuyết Anh bên Nguyên Lộc - con trai của chị trong Chương trình 'Mẹ đỡ đầu'. Ảnh: Bảo Thắng.

Tết này, căn nhà 20m2 của Lê Nguyên Lộc, phòng 104, ngõ số 1 Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội như có thêm sức sống. Lần đầu tiên sau 8 năm trời đằng đẵng, em được gọi tiếng "mẹ" thiêng liêng.

"Con vui lắm...", Lộc chỉ thốt lên được chừng ấy khi ôm mẹ vào lòng. Dường như em muốn nói nhiều hơn, nhưng cảm xúc nghẹn ngào dâng tràn khiến giọng của cậu học sinh lớp 9 đứt quãng. Cũng phải, vì từ ngày chưa đầy 7 tuổi, Lộc đã không còn được gọi mẹ. Mẹ ruột của em bỏ đi từ khi bé vừa vào lớp 1, thi thoảng mới liên lạc về nhà.

Cuối năm 2022, mẹ Lộc không may mắc Covid-19 và qua đời trong miền Nam. Bố Lộc lại không có công ăn việc làm ổn định, nay đây mai đó.

Cuộc sống của Lộc khép kín, và gắn chặt vào bà nội Nguyễn Thị Ngọc, nay đã ngoài 70 tuổi. Không có lương hưu, gần chục năm qua, gia đình tằn tiện sống qua ngày bên tiệm tạp hóa ngay lối ra vào khu tập thể của Bộ Tài chính tại phường Tràng Tiền.

Những lúc nghỉ học hay rỗi rãi, Lộc cùng anh chị lớn tranh thủ ra phụ giúp và trông hàng cho bà. Hàng xóm biết gia cảnh nhà bà Ngọc nên cũng thường xuyên hỏi thăm, động viên những lúc tối lửa tắt đèn.

"Cháu hay tâm sự với ông bà rằng muốn làm bác sĩ, cũng thích học luật. Tôi thường động viên cháu, thích học gì thì phải cố gắng học. Giờ cháu không có mẹ, tôi vừa là bà mà cũng như người mẹ", bà Ngọc tâm sự.

Tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình bà Ngọc, tại đầu ngõ số 1 Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền. Ảnh: Bảo Thắng.

Tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình bà Ngọc, tại đầu ngõ số 1 Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền. Ảnh: Bảo Thắng.

Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại mất đi người thân nhất là nỗi đau, sự thiệt thòi khó lòng lấp đầy đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Hiểu được điều này, nên ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động vào tháng 10/2021, cán bộ hội các cấp đã nỗ lực tìm “Mẹ đỡ đầu” cho các con mồ côi, kết nối vận động nguồn lực hỗ trợ.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Võ Quỳnh Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền vẫn nhớ như ngày hôm qua.

Chị bảo, khi tiếp nhận chủ trương từ Trung ương Hội, cán bộ phường vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi có thêm một chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, lo vì đối với một địa bàn tương đối đặc biệt như Tràng Tiền, việc tìm “Mẹ đỡ đầu” là chuyện không đơn giản.

"Quan trọng nhất là phải tìm được 'Mẹ đỡ đầu' phù hợp với gia cảnh của trẻ, tạo cơ sở để mẹ con đồng hành trong tương lai dài phía trước", chị Quỳnh Anh bày tỏ.

Khó khăn lớn, thách thức nhiều nhưng chừng đó không thể làm lay chuyển quyết tâm, sự đồng lòng, đồng sức của cán bộ, hội viên. Thông qua việc rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từng trường hợp trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền còn chủ động kết nối, kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tình nguyện hỗ trợ, tham gia.

Chị Võ Quỳnh Anh (trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền cùng chị Tuyết Anh đến thăm gia đình bé Lộc nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Bảo Thắng.

Chị Võ Quỳnh Anh (trái), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền cùng chị Tuyết Anh đến thăm gia đình bé Lộc nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ thuở về ở với bà nội, Lộc thường được nghe kể những câu chuyện cổ tích, mà ở đó các ông bụt, bà tiên luôn hiện lên để giúp đỡ người nghèo. Đã hơn một lần, em mơ có được may mắn ấy.

"Bà tiên" ấy, rốt cuộc cũng xuất hiện, là những cán bộ phụ nữ phường Tràng Tiền - người đã giúp Lộc có người mẹ mới: cô giáo Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Nguyễn Tuyết Anh.

Năm nay ngoài 40, và là mẹ của hai đứa nhỏ, lại yêu thích làm thiện nguyện, hay giúp đỡ những người khó khăn, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền, cô giáo Tuyết Anh biết đến hoàn cảnh của Lê Nguyên Lộc qua Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

"Xuất phát từ tình yêu thương, từ trái tim của người mẹ, mình mong muốn, thông qua sự giúp đỡ của mình, Lộc sẽ cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương của người mẹ. Hy vọng thời gian tới, Lộc sẽ có thêm chỗ dựa tinh thần, có thêm động lực để học tập tốt, ngoan ngoãn, và thi đỗ trường cấp 3 mà con mong muốn", chị Tuyết Anh thổ lộ.

Những ngày giáp Tết, dù rất bận rộn, chị vẫn tự tay đi mua một cành đào, một giỏ quà Tết để cùng cán bộ phụ nữ phường Tràng Tiền đến tận nhà "con trai" mới. 

Giữa căn nhà, chỉ kê vừa một chiếc giường, một bàn thờ và một bộ bàn ghế nhỏ, nụ cười - dù còn bẽn lẽn, ngượng nghịu - lâu lắm mới trở lại trên đôi môi của Nguyên Lộc. Em giờ đã có hai người mẹ: Một là bà nội tảo tần, tóc đã điểm bạc và một là mẹ Quỳnh Anh, người sẵn sàng san sẻ tình cảm ấm áp, mang yêu thương, niềm vui đến từ Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Dưới ánh đèn nhập nhoạng, đôi bàn tay của Lộc đan vào nhau. Thỉnh thoảng, em lấy tay đẩy gọng kính trên sống mũi như để che bớt sự ngượng ngùng. Ngồi kế bên, mẹ Tuyết Anh ân cần hỏi han tình hình học đầu. Một lúc, như đã quen chuyện, chị lấy số điện thoại và nhẹ nhàng: "Giờ con có số điện thoại của mẹ rồi, có việc hay tâm sự gì thì nhớ nhắn mẹ nhé".

Hai mẹ con Tuyết Anh - Nguyên Lộc trong xuân mới Giáp Thìn. Ảnh: Bảo Thắng.

Hai mẹ con Tuyết Anh - Nguyên Lộc trong xuân mới Giáp Thìn. Ảnh: Bảo Thắng.

Lộc là một trong 5 trường hợp được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền vận động "Mẹ đỡ đầu" năm 2023. Chủ tịch hội, chị Võ Quỳnh Anh tâm niệm: Những người “Mẹ đỡ đầu” như một làn gió tươi mát, thổi vào những tâm hồn thơ dại, giúp cho các con vơi đi nỗi đau và tìm lại niềm vui, vươn lên trong cuộc sống.

"Bằng chính tình thương của mình, những người 'Mẹ đỡ đầu' đã và đang dang rộng vòng tay yêu thương, xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa để các em nhỏ mồ côi, các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường tương lai phía trước", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Không khí Tết năm nay của gia đình Lộc và những em khác được hỗ trợ trong chương trình phần nào ấm cúng hơn khi có thêm một người mẹ.

Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, tặng quà, tặng học bổng, nhu yếu phẩm, cán bộ hội còn phối hợp với các mẹ thường xuyên động viên, sát sao về tâm tư, tình cảm, sức khỏe cho các con. Ngoài ra, phụ nữ phường Tràng Tiền nói riêng và tổ hội trên cả nước nói chung còn chủ động thành lập nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ, đơn vị, tập thể “Mẹ đỡ đầu” tự nguyện.

Những tổ chức này sẽ trực tiếp tham gia chăm sóc trẻ hằng ngày, ngay tại gia đình của trẻ, nhằm hạn chế tối đa sự thay đổi về môi trường sống của trẻ.

Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, bà Đoàn Thị Lân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng là những người mẹ, cũng có những đứa con và luôn mong muốn được chia sẻ tình yêu thương, sự quan tâm của người mẹ với các bé, để động viên các bé vơi bớt phần nào nỗi buồn, tạo cho các bé có thêm động lực bước tiếp trên con đường phía trước".

Theo bà Lân, thời gian tới các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình, đồng thời chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác xác minh, xây dựng kế hoạch đỡ đầu, hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh. Việc hỗ trợ không chỉ được thực hiện trong một thời điểm mà sẽ dựa theo hoàn cảnh cụ thể để có giải pháp trong tương lai dài hạn.

Tính đến cuối năm 2023, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho gần 30.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, trong đó hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19. Nhiều “mẹ đỡ đầu” đã cam kết hỗ trợ cho các con đến khi học xong đại học.

Đặc biệt, qua kết nối của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 34 “mẹ đỡ đầu” tại châu Âu đã cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền.

"Hành trình 'Mẹ đỡ đầu' đã và đang sẻ chia yêu thương đến với các con mồ côi, để cùng nhau bù đắp với quyết tâm mang đến cho các con một mái ấm tình thân, giúp các con tiếp tục vượt qua chông gai, vững vàng đi tới tương lai", bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

Xem thêm
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống (22/12/1944 - 22/12/2024) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Mù Cang Chải thu hút khách du lịch suốt bốn mùa

YÊN BÁI Với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của núi non trùng điệp cùng những nét văn hóa đậm đà bản sắc, Mù Cang Chải là điểm đến hấp dẫn du khách 4 mùa trong năm.