Thời gian qua, thời tiết tại nhiều địa phương miền Bắc, miền Trung diễn biến phức tạp, đặc biệt, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều địa phương, gây thiệt hại tài sản của người dân nói chung trong đó có vật nuôi.
Thanh Hóa là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm chiếm tỷ lệ cao. Do đó, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trên diện rộng và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi sau đợt mưa, lũ này là rất cao.
Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết, sau mưa lũ, ngoài thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng, thì thiên tai cũng là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, ký sinh trùng trên đàn gia súc, gia cầm.
Do đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau mưa, lũ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ban hành văn bản, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Tập trung tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc. Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản, phát hiện sớm, cảnh báo sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để xử lý ổ dịch theo quy định. Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Hướng dẫn chủ vật nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi, thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp xảy ra úng ngập, di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn. Khi nước rút phải thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.
Chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.
Rà soát, triển khai tổ chức công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2024 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn theo Kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt,…
Đề nghị các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn công tác đến xuống tận cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và xử lý môi trường sau mưa bão.
Báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hóa chất trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn về Sở NN-PTNT để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ kịp thời…