| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình: Chớp thời cơ tái đàn sau bão dịch

Thứ Hai 17/02/2020 , 08:21 (GMT+7)

Nhờ tái đàn một cách khoa học, nhiều hộ nuôi lợn ở tỉnh Thái Bình bỏ túi tiền tỷ trong vòng vài tháng qua.

Đàn lợn của ông Nguyễn Văn Quang, xã Bách Thuận đang được thương lái cân mua.

Đàn lợn của ông Nguyễn Văn Quang, xã Bách Thuận đang được thương lái cân mua.

Lãnh đạo ngành chăn nuôi thú y Thái Bình thì khẳng định, dịch bệnh đi qua, đây là cơ hội tốt để tái cấu trúc lại nghề nuôi lợn. Nhìn thấy rõ nhất là việc, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đi, an toàn sinh học được nâng lên, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Giảm lượng, tăng chất

Bách Thuận – xã có nghề nuôi lợn quy mô lớn nhất, chiếm 10% tổng đàn của huyện Vũ Thư. Đến nay, dù tính cả số hộ lẫn đầu lợn đều sụt giảm do dịch tả lợn Châu Phi, nhưng xét tổng thể, bức tranh chăn nuôi ở Bách Thuận có nhiều điểm sáng.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết, trước thời điểm xảy ra dịch (13/4/2019), địa phương có 430 hộ dân nuôi lợn với tổng đàn 13.898 con. Tới ngày 2/10, xã này công bố hết dịch.

Dịch đi qua đã cuốn theo hơn 90 tấn lợn của người dân. Nhưng điều đặc biệt, số lợn chết chủ yếu xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ (5 – 7 con). Tại những gia trại, trang trại lớn, lợn chỉ chết lẻ tẻ. Do thời điểm này, việc tiêu hủy không bắt buộc cả đàn, nhiều hộ đã giữ lại được đàn lợn nái, lợn con theo mẹ.

Sau thời điểm công bố hết dịch, nhiều gia trại, trang trại tại Bách Thuận bắt tay ngay vào việc tái đàn. Tuy nhiên, cũng từ đây, số hộ chăn nuôi giảm rõ rệt. Theo thống kê, từ 430 hộ, nay chỉ còn 310 hộ nuôi lợn. Ông Sáu cho biết, 120 hộ này trước nay nuôi nhỏ lẻ, nay thì chuyển sang trồng hoa, cây cảnh hoặc “đầu quân” cho các công ty, xí nghiệp trên địa bàn.

Về nguyên nhân, theo ông Sáu, người dân đã cụt vốn. Thời điểm tái đàn, giá con giống vừa đắt lại hiếm nên người dân bỏ cuộc. Bên cạnh đó, người dân cũng tự nhận thức được việc chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay không hề có lãi, thậm chí lợn “gặm” cả vào sổ đỏ nếu như dịch tái bùng phát.

Ông Sáu đánh giá, dịch tả lợn Châu Phi như một phép thử thách người chăn nuôi. Người dân tái đàn với một tâm thế mới, cẩn trọng hơn trong kỹ thuật cũng như an toàn sinh học. Quy mô nuôi lợn của Bách Thuận hiện nay đạt 100 – 200 con/hộ. Nhiều hộ lớn vào đàn từ 500 – 700, thậm chí 1.000 con.

Mỗi con lợn trọng lượng trung bình 150kg, người nuôi lãi ròng 7 triệu đồng. 

Mỗi con lợn trọng lượng trung bình 150kg, người nuôi lãi ròng 7 triệu đồng. 

Do ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, chủ động được con giống, tới nay nhiều hộ dân ở Bách Thuận đã ổn định sản xuất. Thậm chí, không ít hộ thu lãi hàng tỷ đồng sau mỗi lứa lợn xuất chuồng.

Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Tiền Phong cho biết, do kịp thời tái đàn, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, trước Tết Nguyên đán xuất được một lứa 170 con lợn. Với giá 95 nghìn đồng/kg, mỗi con lợn trọng lượng trung bình 150kg, ông Quang lãi ròng 7 triệu đồng. Tổng tiền lãi thu về gần 1,2 tỷ đồng.

Ngày 12/2, khi chúng tôi về tìm hiểu, ông Quang đang xuất bán thêm đàn lợn 180 con với giá 85 nghìn đồng/kg. Nhẩm tính nhanh, mỗi con lợn cho lãi khoảng 5,5 triệu đồng, thu về 990 tiền lãi. Một con số có nằm trong mơ, ông Quang cũng không thể nghĩ ra.

Ông Nguyễn Văn Luân, thôn Liên Hồng thì cho biết, gia đình hiện đang nuôi 1 lợn đực giống, 80 nái, 200 lợn choai và 300 lợn thịt. Trước trong và sau khi có dịch tới nay, trại lợn của ông Luân luôn cửa đóng then cài, hạn chế người lạ ra vào. Do đó, không phải nhập lợn giống mà tự sản, tự tiêu theo mô hình khép kín.

Ông Luân cũng vừa xuất một lứa lợn với giá ổn định 80 – 85 nghìn đồng/kg, thu lãi cả tỷ đồng.

Định hình lại nghề nuôi lợn

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình khẳng định, tuy dịch bệnh gây ra tổn thất lớn, nhưng đây lại là cơ hội để người dân, địa phương tự cấu trúc lại nền kinh tế.

Không riêng gì Bách Thuận, nhiều xã như Đông Đô (Hưng Hà), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) cũng đang dần hồi phục sau bão dịch. Tương tự, tại những vùng này, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm rõ rệt. Trong khi, quy mô sản xuất tại các gia trại, trang trại tăng lên. Đây là điều hết sức đáng mừng trong giai đoạn ngành chăn nuôi đối mặt nhiều thách thức dịch bệnh như hiện nay.

Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Thái Bình giảm rõ rệt sau

Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Thái Bình giảm rõ rệt sau "bão" dịch tả lợn Châu Phi năm 2019.

“Ngày khởi phát dịch tả lợn Châu Phi ở Thái Bình là 12/2/2019. Tôi nhớ không nhầm thì đúng mùng 8 Tết nguyên đán. Khi nhận được kết quả xét nghiệm, ngay lập tức chúng tôi ra quân triển khai khống chế dịch. Và sau đó là 7 tháng liền, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ thú y không có ngày nghỉ”, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình chia sẻ.

Đàn lợn nhiễm dịch cuối cùng phải tiêu hủy ở Thái Bình vào ngày 25/11/2019.

Tới ngày 6/1/2020, UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định công bố hết dịch toàn địa bàn 8/8 huyện, thành phố.

Tổng số lợn Thái Bình phải tiêu hủy là trên 377 nghìn con, tổng khối lượng 18,8 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là lợn thịt. Do dịch bệnh xảy ra nhiều tháng, Thái Bình chia thành 3 đợt để thẩm định hồ sơ hỗ trợ thiệt hại.

Thống kê sơ bộ, tỉnh này cần tới hơn 750 tỷ đồng để chi trả cho người dân ở 281 xã, phường, thị trấn có lợn bị tiêu hủy.

Ông Nhương cho biết, đến nay, tỉnh đã xuất cấp hơn 463 tỷ đồng cho các huyện để hỗ trợ người chăn nuôi.

Trong năm 2020, Thái Bình vẫn thiếu nguồn tiền gần 350 tỷ đồng. Theo ông Nhương, số tiền này thực tế vượt quá mức ngân sách dự phòng của địa phương. Không còn cách nào khác là vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ từ Trung ương.

Trở lại câu chuyện tái đàn, ông Nhương cho biết, tổng đàn lợn của Thái Bình hiện khoảng 778 nghìn con. So với thời điểm cuối năm 2019, con số này đã tăng 4,5%, nhưng lại giảm 22,2% cùng kỳ 2019. Do đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 1/2020 ước đạt 16,2 nghìn tấn, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều gia trại, trang trại đã cải tạo điều kiện chăn nuôi, nâng cao mức an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

Nhiều gia trại, trang trại đã cải tạo điều kiện chăn nuôi, nâng cao mức an toàn sinh học trong chăn nuôi. 

Cũng theo ông Nhương, từ đầu năm 2020 tới nay, UBND tỉnh Thái Bình liên tục ra văn bản đôn đốc, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Khuyến khích người dân tái đàn, ổn định sản xuất nhưng theo hướng nâng cao kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học.

Trong đó, các điều kiện bắt buộc như vùng chăn nuôi không còn dịch bệnh, cơ sở vật chất chăn nuôi đảm bảo, sử dụng nguồn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Tuy nhiên, thậm chí chưa cần nhắc nhở, đôn đốc, nhiều gia trại, trang trại đã tự cải tạo điều kiện chăn nuôi, nâng an toàn sinh học lên mức nghiêm ngặt. Còn việc người dân chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang nuôi gà, vịt cũng là lựa chọn thích nghi hoàn cảnh.

Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã chính thức ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè 2020. Đây là biện pháp chủ động hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan.

Riêng đối tượng lợn, việc tiêm phòng bắt buộc trên cả đàn lợn nái, đực giống, lợn thịt và lợn con trên 20 ngày tuổi. Thuốc được sử dụng là vắc xin dịch tả lợn nhược độc tế bào đông khô, lở mồm long móng, tụ dấu… Thời gian tiêm phòng diễn ra trong tháng 3/2020.

Xem thêm
Mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo

BÌNH DƯƠNG Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.