| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình có “cứu” được các làng nghề?

Thứ Ba 04/10/2011 , 11:48 (GMT+7)

Kết quả khảo sát cho thấy hiện có 78/229 (chiếm trên 30%) làng nghề tại Thái Bình đang suy giảm.

Nghề dệt lưới ở Thái Bình
Thời còn làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Duy Việt có lần tâm sự với chúng tôi rằng ông mơ ước đến năm 2010, trên dưới một nửa số làng của tỉnh lúa sẽ có nghề, được công nhận là làng nghề theo tiêu chí của UBND tỉnh.

Nói là làm, trên cương vị của mình, ông đã đổ vào công việc duy trì, phát triển làng nghề của Thái Bình không ít tâm sức. Từ năm 2000 trở đi, làng nghề Thái Bình đã có một thời kỳ khá phồn thịnh. Những nghề truyền thống như nghề dệt chiếu làng Hới (Hưng Hà), nghề chạm bạc Đồng Xâm, nghề dệt đũi ở Nam Cao (Kiến Xương)… được duy trì, nhiều nghề mới được du nhập và nhanh chóng phát triển như đan móc sợi, đan hạt cườm, đan lưới, dệt chiếu nilon, chế tác đá mỹ nghệ…

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 229 làng nghề tại 147/285 xã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị của khu vực làng nghề giai đoạn 2001-2005 là 16,3%, giai đoạn 2005-2010 là 12,3%. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới có 78.781 lao động làm việc trong các làng nghề, thì năm 2010, con số đó đã là 148.820 người. Làng nghề đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm cho nông dân và xóa đói giảm nghèo…

Thế nhưng cũng từ mấy năm nay, nhiều làng nghề đã trở nên suy giảm. Sự suy giảm diễn ra rất nghiêm trọng đến mức ngày 23/9 mới rồi, Sở Công thương Thái Bình đã phải tổ chức một hội nghị để “Bàn giải pháp với các làng nghề suy giảm” nhằm tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, ngõ hầu phục hồi sức sản xuất cho các làng nghề đó.

Kết quả khảo sát cho thấy hiện có 78/229 (chiếm trên 30%) làng nghề suy giảm. Một số nghề giảm mạnh nhất là ươm tơ, sản xuất vó, mây tre đan, thêu xuất khẩu, dệt thảm len, chế biến hải sản…Trước đây, cả tỉnh có 3 làng nghề ươm tơ là Bách Thuận, Thái Hòa, Phúc Khánh, cả 3 làng đều có 50% lao động trở lên làm nghề. Nay Bách Thuận không còn một lao động nào làm nghề, Thái Hòa chỉ còn 12 lao động, Phúc Khánh còn 8 lao động.

Hai làng đan vó là Vạn Đồn và làng Nang nổi tiếng một thời, nay chẳng còn ai đan nữa. 5 làng nghề chế biến hải sản của huyện Tiền Hải với những sản phẩm nước mắm, cá khô, mắm tôm… nay cũng ngừng sản xuất. Nghề thêu xuất khẩu từ chỗ thu hút tới trên 30.000 lao động (tập trung chủ yếu ở xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư rồi sau lan sang 26 làng khác), giá trị sản xuất hàng năm đạt 240 tỷ đồng, nay đang có 14/27 làng thêu suy giảm, chỉ còn trên 8.000 lao động. Nghề mây tre đan và nghề dệt thảm len cũng trong tình trạng chợ chiều…

Vì sao suy giảm?

Theo Sở Công thương Thái Bình, thì mấy nguyên nhân chính khiến làng nghề suy giảm là: Kết cấu hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì và phát triển của nghề. Tình trạng thiếu điện và chất lượng điện không đảm bảo đã khiến việc đầu tư và sản xuất bị ảnh hưởng; Tỉnh chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu để cung cấp cho các làng nghề. Nhiều nguyên liệu như mây, cói, dâu tằm, hải sản… phải mua từ tỉnh ngoài với giá cao, nên người sản xuất lâm thế bị động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp; Các làng nghề truyền thống đều chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không ổn định; Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế…

Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến hậu quả là thu nhập của người lao động trong làng nghề thấp, khiến bộ phận ưu tú nhất, có tay nghề cao nhất, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ mới là lao động trẻ rời làng, tìm đến các công việc khác có thu nhập cao hơn, trong các làng nghề chỉ còn người già và vị thành niên, tay nghề thấp, làm nghề chỉ trong lúc nông nhàn, sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh…

Để đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2015 là phải duy trì ổn định 200 làng nghề, giá trị sản xuất đạt 5.150 tỷ đồng (năm 2010 mới đạt 2.520 tỷ) và đưa số doanh nghiệp làng nghề lên 300 (năm 2010 mới có 196), Thái Bình đã đưa ra một loạt giải pháp về đào tạo dạy nghề, về vốn, về đầu tư kết cấu hạ tầng trong làng nghề, về công nghệ và phát triển các doanh nghiệp…

 Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ các giải pháp này, chúng tôi thấy chúng còn rất chung chung, hình thức, có những giải pháp khó có tính khả thi. Ví như để giải quyết vấn đề vốn, Sở Công thương đã đề xuất “ngân hàng và các quỹ tạo điều kiện cho vay từ các nguồn vốn tín dụng đầu tư… đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, xét duyệt hồ sơ”. Nhưng “tạo điều kiện” là tạo thế nào, khi ngân hàng đang thắt chặt túi tiền của mình bằng rất nhiều điều kiện, thủ tục mà những người làm nghề ít vốn, thiếu tài sản thế chấp không thể vượt qua?

Điều quan trọng nhất là chính sách của tỉnh đối với các làng nghề, thì ngay chính Sở Công thương cũng phải kêu than là “một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề của tỉnh đề ra nhưng còn thiếu điều kiện thực hiện…”. Đề ra chính sách mà không có (hoặc thiếu) điều kiện để thực hiện những chính sách đó, thì chính sách có ý nghĩa gì? Có tác dụng gì trong thực tiễn?

Xem ra, việc “giải cứu” những làng nghề suy giảm ở Thái Bình sẽ còn rất nhiều gian nan, và thật khó thành công với những giải pháp chung chung, những chính sách chẳng biết đến bao giờ đi được vào cuộc sống vì… “thiếu điều kiện thực hiện” này.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất