Mục tiêu lớn
Với quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng Đề án trong gia đoạn 2021 - 2025.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Như cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng hạ tầng nông thôn, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực OCOP... Các cơ chế, chính sách đã tạo thêm động lực để huy động sự tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp thực hiện chương trình.
Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 6600 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 3500 km đường giao thông nông thôn, 366 km kênh mương, 101 công trình đập kè, trạm bơm. Có 345 trạm biến áp, hơn 245 km đường điện, 1266 phòng học, 108 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 1127 nhà văn hóa xóm...được đầu tư nâng cấp, xây mới. Đến nay, Thái Nguyên có 108 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Số tiêu chí bình quân của tỉnh Thái Nguyên đạt 17,6 tiêu chí/xã.
Theo định hướng chỉ đạo của Trung ương, Đề án xây dựng NTM của tỉnh, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có 95% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40 số xã đạt xã NTM nâng cao, 10% số xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Có 6 đơn vị cấp huyện sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM. Nguồn lực dự kiến để thực hiện mục tiêu trong giai đoạn trên là 52.560 tỷ đồng.
Cơ chế cụ thể
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết, với yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng NTM, các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu sẽ cao hơn nữa. Trong khi đó, một số xã đạt chuẩn có địa bàn kinh tế khó khăn, khả năng huy động nguồn lực của nhân dan có hạn nên cần phải có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên, cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ngành, các địa phương, cơ chế về hỗ trợ đầu tư xây dựng NTM của tỉnh sẽ được trình HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, các xã chưa đạt chuẩn NTM ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và các xã còn lại thuộc 2 huyện vùng cao là Võ Nhai và Định Hóa sẽ được hỗ trợ mỗi năm 600 triệu đồng và 700 tấn xi măng/xã. Riêng năm đăng ký đạt chuẩn sẽ được hỗ trợ 5 tỷ đồng và 1000 tấn xi măng/xã.
Đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được hỗ trợ 400 tấn xi măng/năm để nâng cao chất lượng tiêu chí. Trong đó, có 11 xã được hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm do đạt chuẩn nhưng nợ tiêu chí; 7 xã được hỗ trợ 4 tỷ đồng/năm do chưa nhận được hỗ trợ theo quy định từ giai đoạn trước.
Đối với các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Nếu thuộc địa bàn huyện sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã (khi đạt chuẩn) và 600 tấn xi măng/xã (Trong năm đăng ký đạt chuẩn). Nếu xã thuộc thành phố, thị xã sẽ được hỗ trợ 500 triệu đồng/xã (khi đạt chuẩn) và 500 tấn xi măng/xã (Trong năm đăng ký đạt chuẩn).
Đối với các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nếu thuộc địa bàn huyện sẽ được hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã (khi đạt chuẩn) và 800 tấn xi măng/xã (Trong năm đăng ký đạt chuẩn). Nếu thuộc địa bàn thành phố, thị xã sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/xã (khi đạt chuẩn) và 700 tấn xi măng/xã (Trong năm đăng ký đạt chuẩn).
Đối với cấp huyện, trong năm đăng ký dạt chuẩn NTM sẽ được nhận nguồn hỗ trợ 10 tỷ đồng và 10.000 tấn xi măng/huyện. Trên cơ sở thống kê từ các địa phương, dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện cơ chế hỗ trợ trên là xấp xỉ 300 tỷ đồng và hơn 250.000 tấn xi măng. Cùng với lộ trình cụ thể để thực hiện Đề án, có nhiều cơ sở để tin rằng Thái Nguyên sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.