Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, đợt thiên tai lịch sử vừa qua đã làm hơn 565ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị ngập. Tổng thiệt hại cho ngành thủy sản Thái Nguyên là khoảng 27 tỷ đồng.
Thông tin về một số thiệt hại, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, cho biết, khi mưa lũ xảy ra, các ao hồ nuôi thủy sản bị tràn, hàm lượng oxy trong nước thấp, làm vật nuôi trong các ao hồ chết, kết hợp với việc lũ tràn qua làm trôi đàn vật nuôi.
“Với diện tích mặt nước nuôi thủy sản không quá lớn, đa số ở những ao hồ nhỏ nên thời gian qua, mưa gió, bão lũ không làm ảnh hưởng quá lớn đến người dân. Với những cơ sở nuôi con giống thủy sản lớn như trại cá Cù Vân, trại cá Hòa Sơn… đều có nguồn nước được dẫn từ những hồ tự nhiên nên đã đảm bảo được sức khỏe đàn vật nuôi”, ông Đỗ Đình Trung cho hay.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm hiện tại, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản đã được khôi phục an toàn và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.
“Sau khi lũ đi qua và ao hồ lắng đọng, người dân đã ngay lập tức tát cạn các ao hồ, sau đó sử dụng vôi để khử khuẩn rồi mới cung cấp nguồn nước mới, đảm bảo an toàn vào ao hồ để tiếp tục thả nuôi”, ông Đỗ Đình Trung thông tin.
Kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của mưa lũ đến sản xuất thủy sản tại tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), nhận định, mưa bão, ngập lụt không chỉ làm thiệt hại mà còn làm ô nhiễm môi trường, từ đó làm ảnh hưởng lâu dài đến nuôi trồng thủy sản.
“Do đó bà con cần có những giải pháp rất cụ thể, đặc thù cho từng đối tượng vật nuôi. Bà con có thể liên lạc với hệ thống khuyến nông cơ sở để nhận được sự hỗ trợ về các giải pháp cần nhiều kỹ thuật chuyên môn”, ông Thanh lưu ý.
Theo đó, đối với các ao hồ bị ảnh hưởng do mưa bão, chuyên gia cho rằng người dân cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, gia cố lại bờ ao, đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt.
“Khi mưa lớn kéo dài, nước ao hồ nuôi bị đục nên bà con cần xả bớt nước trên tầng mặt, tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước và tăng oxy hòa tan trong nước. Đồng thời cũng cần chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát”, ông Lê Quốc Thanh khuyến cáo.
Cùng với đó, người dân cần tăng cường chăm sóc, quản lý ao nuôi, kiểm tra thường xuyên môi trường ao hồ cũng như sức khỏe đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sau mưa lũ, bà con cần thu gom, xử lý rác, xác thủy sản chết và các chất thải khác trong khu vực nuôi, không để ô nhiễm môi trường. Khi sức khỏe vật nuôi ổn định cần tiến hành cho ăn từ từ, tăng dần cho đến khi sức khoẻ của vật nuôi trở lại bình thường.
Đối với hệ thống lồng bè, ông Lê Quốc Thanh lưu ý người dân kiểm tra, sửa chữa, gia cố, vệ sinh lại hệ thống dây neo, phao, lồng lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.
“Song song, bà con cần nhanh chóng di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão. Nếu loài nuôi thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Bà con cũng cần thường xuyên theo dõi thủy triều, lưu ý đến mức nước, màu nước”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.
Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, từ đợt thiên tai vừa qua, bà con đã có thêm kinh nghiệm và cần có sự chuẩn bị về các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các ao, hồ, lồng bè… sẵn sàng ứng phó với những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa những thiệt hại cho đàn vật nuôi.
“Để phòng bệnh cho đàn nuôi mùa mưa lũ, nếu điều kiện môi trường bất lợi, người dân cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng oxy hòa tan, giảm lượng thức ăn, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ”, ông Thanh chia sẻ.
Đồng thời, để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, bà con cần bổ sung vitamin, khoáng, men vi sinh trộn vào thức ăn hàng ngày. Bên cạnh đó nên bổ sung thêm men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa và các loại vitamin C, B1, B3, B6…