| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng xuống giống lúa đông xuân sớm

Thứ Ba 08/10/2024 , 08:23 (GMT+7)

Sóc Trăng Vụ lúa đông xuân sớm thường được gieo trồng ngay sau khi vụ lúa hè thu kết thúc, thời gian chuẩn bị cho vụ mới ngắn, nông dân cần thận trọng các khâu canh tác.

Khẩn trương thu hoạch lúa hè thu

Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Sóc Trăng xuống giống gần 141.000ha, đến nay trên 90% diện tích đã hoàn thành thu hoạch, năng suất đạt gần 6 tấn/ha.

Nhờ tuân thủ tốt lịch thời vụ, chú trọng cơ cấu giống lúa phù hợp, bà con nông dân Sóc Trăng tiếp tục đạt được vụ mùa thành công khi năng suất tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Giá lúa duy trì ở mức cao, tăng từ 200 – 1.700 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước.

Nông dân huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tranh thủ thu hoạch dứt điểm lúa hè thu để tránh ảnh hưởng năng suất do thời tiết mưa cuối vụ. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tranh thủ thu hoạch dứt điểm lúa hè thu để tránh ảnh hưởng năng suất do thời tiết mưa cuối vụ. Ảnh: Kim Anh.

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, tình hình tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh đang tương đối thuận lợi. Các thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (tùy loại giống). Cụ thể, giá lúa thường cao hơn từ 100 – 400 đồng/kg, các giống lúa thơm nhẹ cao hơn 200 –  300 đồng/kg. Đặc biệt, nhóm giống lúa đặc sản (ST24, ST25) cao hơn từ 900 – 1.400 đồng/kg.

Gặt hái được kết quả này là nhờ địa phương đã thực hiện tốt chủ trương xuống giống sớm để tránh ảnh hưởng mưa bão vào giai đoạn cuối vụ. Hiện những trà lúa hè thu tại các địa phương vùng trũng trong tỉnh cơ bản đã thu hoạch dứt điểm, tránh được tình trạng thất thoát về năng suất.

Tuy nhiên, những ngày gần đây do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài đã khiến phần diện tích lúa hè thu còn lại ở các huyện Long Phú, Mỹ Tú, Trần Đề bị đổ ngã. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 1.440ha, trong đó lúa bị giảm năng suất dưới 30% là 984ha, thiệt hại từ 30 – 70% là 451ha.

Một khi “lúa ngã, ruộng lầy”, nông dân không chỉ bị thất thoát đáng kể về năng suất mà lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng do chi phí thu hoạch tăng cao.

Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho phần diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch, bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên mực nước trên ruộng, chủ động các phương tiện sẵn có để điều tiết, bơm thoát nước kịp thời.

Các trạm bơm hoạt động hiệu quả để đảm bảo điều tiết nước cho vùng sản xuất lúa hè thu. Ảnh: Kim Anh.

Các trạm bơm hoạt động hiệu quả để đảm bảo điều tiết nước cho vùng sản xuất lúa hè thu. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, bà con cần khẩn trương tiến hành thu hoạch khi lúa đạt độ chín để hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Riêng ngành chuyên môn các địa phương cần theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh mực nước bên ngoài các cống, kênh để tạo điều kiện cho bà con bơm thoát nước.

Cẩn trọng xuống giống lúa đông xuân sớm

Hiện nay, nông dân tại các huyện Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Long Phú, Mỹ Tú và Kế Sách (Sóc Trăng) đã bắt đầu xuống giống vụ lúa đông xuân sớm với diện tích gần 6.000ha. Với tín hiệu lạc quan về giá lúa và tình hình tiêu thụ, bà con nông dân rất thận trọng trong các khâu canh tác.

Tại xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành), nông dân đang khẩn trương làm đất để khởi động sớm vụ lúa đông xuân 2024 – 2025 với diện tích khoảng 744ha.

Bà con nông dân vùng sản xuất lúa đông xuân sớm bắt đầu xuống giống. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nông dân vùng sản xuất lúa đông xuân sớm bắt đầu xuống giống. Ảnh: Kim Anh.

Để trà lúa đông xuân sớm sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi ở giai đoạn đầu vụ, công tác chăm sóc lúa rất được bà con nông dân chú trọng. Đặc biệt là ứng dụng các quy trình kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm".

Riêng tại huyện Kế Sách, căn cứ vào tình hình thực tế, Phòng NN-PTNT huyện đã xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân sớm 2024 – 2025. Cụ thể, chia thành 2 đợt, đợt 1 từ ngày 7/9 – 27/9 và đợt 2 từ ngày 27/9 – 27/10.

Hiện nay, toàn huyện Kế Sách đã xuống giống được 2.400ha. Diện tích còn lại bà con đang xử lý kỹ mặt ruộng, tranh thủ xuống giống dứt điểm trước ngày 7/10.

Bên cạnh đó, để đảm bảo năng suất lúa 3 vụ, hầu hết bà con ưu tiên lựa chọn canh tác các giống cứng cây, ít đổ ngã như OM18, OM5451, Đài Thơm 8. Theo dõi diễn biến tình hình dịch hại để chủ động giải pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh chi phí sản xuất.

Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo các địa phương có diện tích sản xuất nằm trong vùng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn như Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng cần tập trung gieo sạ trong tháng 10 – 11.

Đối với những vùng trũng, ảnh hưởng của triều cường, gây ngập úng tại các huyện Ngã Năm, Mỹ Tú và một phần huyện Thạnh Trị, Châu Thành, sau khi thu hoạch lúa hè thu bà con cần xử lý đất sớm, gieo sạ vụ đông xuân “cuốn chiếu” để tránh ảnh hưởng.

Nông dân cần thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo kịp thời tình hình phát sinh sâu bệnh để chủ động có kế hoạch phòng trừ. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân cần thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo kịp thời tình hình phát sinh sâu bệnh để chủ động có kế hoạch phòng trừ. Ảnh: Kim Anh.

Đặc thù vụ lúa đông xuân ở Sóc Trăng phần lớn thường được gieo ngay sau khi vụ lúa hè thu vừa thu hoạch xong, nhất là vùng sản xuất 3 vụ như Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú. Do đó, thời gian chuẩn bị cho vụ mới rất ngắn, nông dân phải làm đất kỹ, trang bằng mặt ruộng, xử lý rơm rạ của vụ trước, không để lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Bà con cũng cần lưu ý diễn biến tình hình rầy nâu trên đồng ruộng và theo dõi bẫy đèn để xuống giống theo lịch, né rầy.

Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2024 – 2025, chia thành 3 đợt. Đợt 1 gieo sạ từ tháng 9 đến hết tháng 10/2024 với diện tích khoảng 69.000ha; đợt 2 từ đầu tháng 11 đến hết ngày 20/12 xuống giống khoảng 78.000ha và đợt 3 gieo sạ dứt điểm trước 15/01/2025 với diện tích khoảng 22.000ha.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.