| Hotline: 0983.970.780

Tháng 5 ở Trường Sa: Hai thầy giáo đặc biệt

Thứ Sáu 22/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tháng 4/2013, đôi bạn đồng môn rủ nhau viết đơn tình nguyện gửi Sở GD-ĐT Khánh Hòa xin được ra huyện đảo Trường Sa gieo chữ. Thật may mắn, cả hai đều trúng tuyển./ Những vườn rau trôi

Xưa học chung lớp, bây giờ chung chí hướng, hai chàng trai Đồng Minh Hiệp và Lê Xuân Quyết (cựu sinh viên khoa Tiểu học khóa 35, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) đã và đang hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để tô thắm các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trái tim dẫn lối

Một ngày đầu tháng 6/2013, biết tin cậu con trai Đồng Minh Hiệp (SN 1991) sắp ra đảo Trường Sa dạy học, đôi mắt bà Lê Thị Ngói ngân ngấn nước. Một cảm xúc khó tả, đan xen giữa niềm tự hào và sự lo lắng, bồn chồn.

“Con chỉ có 45 kg, người mỏng như tờ giấy thế kia sợ ra biển gió lớn thổi bay mất”, bà Ngói nói. Thấy thế, chàng trai trẻ vén tay áo cộc lên sát nách, để lộ cơ bắp phẳng lỳ như cây trúc sào, tạo dáng thể hình, cười và trấn an: “Chẳng có phong ba bão táp nào quật được con đâu. Với lại ngoài đấy khác xưa rồi. Đông người nên rất vui. Nhà cửa đàng hoàng chứ không phải là đảo hoang đâu mà mẹ lo”.

Nói thế, nhưng thực tế trong đầu chàng trai thôn Đại Điền Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) chưa thể hình dung được vùng đất nơi mình sắp đến tròn hay méo, giàu hay nghèo. Từ bé, sức của Hiệp đã yếu hơn các bạn cùng lứa. Những môn thể thao cần nhiều sức lực như bóng đá, bóng chuyền… là điểm yếu cố hữu của cậu, nhưng tính nhẫn nại, tỉ mỉ và khéo léo lại có thừa.

Quyết định đến Trường Sa gieo chữ của Hiệp xuất phát từ lý do rất giản đơn, đó là để những đứa trẻ nơi đầu sóng có một người thầy dạy dỗ. Trước đôi mắt đầy hoài bão của con, bà Ngói chỉ biết khuyên: “Nếu gặp sóng to, gió lớn thì nhớ nấp chỗ nào thật kín con nhé! Đừng để nó cuốn mất con của mẹ”.

Ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), Lê Xuân Quyết (quê ở xã Xuân Sơn) giáo viên trường Tiểu học Vạn Thọ cũng đã bàn giao xong công việc cho Ban Giám hiệu và sẵn sàng lên đường. Gặp lại “đồng môn” cũ ở TP. Nha Trang, cả hai vô cùng mừng rỡ.

Ngày 11/6/2013, tàu Hải quân mang ký hiệu HQ 936 chở hai chàng trai trẻ ra đảo. Trên hành trình gặp áp thấp nhiệt đới, biển động nên mất 4 ngày (thay vì 2 ngày như bình thường) mới cập được cầu cảng đảo Trường Sa (huyện Trường Sa). Những thầy giáo mệt lử vì say sóng, nhưng chỉ có Hiệp ở lại tiếp nhận công tác. Lê Xuân Quyết phải mất một hành trình dài nữa mới đến được đảo Song Tử Tây.

Thầy giáo mầm non bất đắc dĩ

Hôm tôi ghé thăm trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, thầy Hiệp đang giảng bài ở phòng học ghép lớp (mẫu giáo + lớp 1) nên quyết định nép vào một góc để quan sát.

Đến giờ đọc truyện, thầy giáo trẻ mở SGK Tiếng Việt lớp 1, lật tới trang 94 đọc truyện cổ tích “Bông hoa cúc trắng”.

Một giọng đọc trầm ấm vang lên: “Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một túp lều nơi xóm vắng. Người cha mất sớm, hai mẹ con phải làm việc vất vả lắm mới đủ ăn. Một hôm, người mẹ bị ốm. Bà nói với con gái: - Con ơi! Con hãy…”, giọng thầy Hiệp giật khựng lại bởi phía bàn bên kia, hai bé Đức Toán và Khánh Linh (học lớp mẫu giáo) đang tranh giành nhau bút màu để tập tô.

Đức Toán yếu thế nên khóc ré bắt vạ. Thầy Hiệp sợ cả đảo Trường Sa Lớn nghĩ mình ăn hiếp mấy đứa nhỏ nên vội chạy xuống ẵm trên tay dỗ dành: “Ngoan, nín đi con, rồi thầy cho kẹo ngọt ăn”.

Tiếng khóc xem chừng vẫn còn dai dẳng, thầy đành dùng chiêu “hát chọc cười”. Nhà em có con gà trống (cúi người xuống, hai tay để sau hông vẫy vẫy, đầu cúi xuống lại ngẩng lên); mèo con và cún con (meo… meo… meo… gâu… gâu… gâu…).

Gà trống gáy ò… ó… o… Mèo con luôn rình bắt chuột, chít… chít… chít (hai ngón tay trỏ vuốt ria mép, sau đó giơ móng tay cào cào tứ phía, mắt láo liên). Bản “hài ca” làm Toán cười như nắc nẻ, trong khi nước mắt vẫn chảy ròng ròng.

Nhiều phụ huynh trên đảo Trường Sa khen: “Thầy giáo còn ít tuổi mà dỗ trẻ còn khéo hơn cả đàn bà, con gái. Mai này có gia đình, mấy đứa con tha hồ bện bố?” Vậy mà, thầy Hiệp khăng khăng nhận mình là giáo viên tiểu học chính cống, chưa được học kỹ năng dạy trẻ mầm non ngày nào. Vì thiếu giáo viên nên phải kiêm nhiệm thêm.

Không bao giờ được cáu

Thật ra, hồi mới nhận lớp mầm non, chàng trai cũng lúng túng như gà mắc tóc. Có bé đang chơi rất ngoan, bỗng chạy lên giật giật tay thầy nói ráo hoảnh: “Con ị ra quần rồi”.

“Nhiều lúc, trẻ con khóc không rõ nguyên nhân, dỗ thế nào cũng không nói. Trường học nằm ở đúng trung tâm đảo, xung quanh là nhà công vụ cho cán bộ ở và khu dân cư. Có cháu khóc vừa dữ vừa dai, mình sợ người ta hiểu nhầm là thầy giáo nạt nộ, đánh mắng các bé nên phải bồng bế khắp nơi, chỉ cho bé cây cối, chim chóc để bé ngừng khóc”, thầy Hiệp kể.

Thời gian rảnh rỗi, anh vẫn thường tập hát các bài hát thiếu nhi, tập tạo các động tác ngộ nghĩnh; nghiên cứu về tâm lý của trẻ nhỏ hay những bài tập thể dục phù hợp với từng lứa tuổi của bé để đưa vào giáo trình giảng dạy... Theo thời gian, thầy hiểu tính từng bé, lớp học cũng được tổ chức chính quy, khoa học và hiệu quả hơn.

Nếu kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy giáo mầm non Đồng Minh Hiệp là giải quyết hậu quả của việc các cháu bé đại tiện, tiểu tiện ra quần, thì bài học khó quên nhất của thầy giáo Lê Xuân Quyết ở đảo Song Tử Tây là: Không bao giờ được cáu giận. “Lần đầu tiên tôi dạy phòng học ghép lớp mẫu giáo và lớp 2.

15-21-53_nh-2
Thầy giáo Lê Xuân Quyết (trái) và các em nhỏ ở Song Tử Tây

Thấy một số em lớn tuổi mất trật tự liền quát: “Các em còn mất trật tự nữa thầy sẽ phạt nặng”. Bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư (3 tuổi) ngồi ở dãy bên, cũng là lần đầu đến lớp mẫu giáo, nghe thấy thế sợ quá trèo qua cửa sổ trốn về nhà.

Tối đến, cả thầy, cả phụ huynh khuyên khản cổ sáng hôm sau bé mới chịu đi học tiếp. Từ ấy, tôi đã hứa rằng dù có tình huống gì xảy ra trong phòng học, cũng phải bình tĩnh xử lý”, thầy Quyết nói.

Ngày trước, xã Song Tử Tây không có trường, thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây tạo điều kiện để các thầy, trò được dạy và học tại hội trường. Có những thời điểm khách đến đông, địa điểm học lại phải di chuyển ra chỗ khác, phụ huynh đôi khi chẳng biết đón con ở phòng nào.

Tôi hỏi thầy Quyết tại sao lại bỏ sự nghiệp giáo dục trong đất liền để viết đơn xin ra đảo dạy chữ? Anh bảo rằng vì để trả nợ nghề.

“Bố tôi mất từ hồi tôi lên 5. Mẹ phải bỏ nghề giáo viên cày cấy nuôi 5 đứa con. Nhà nghèo quá, mấy anh em tôi đều phải đi học muộn so với tuổi để phụ giúp gia đình. Mẹ tôi vẫn thường bảo: “Nếu con thương mẹ thì thi vào một trong các ngành giáo viên, công an hoặc quân đội. Bởi các ngành ấy Nhà nước vẫn đài thọ nhiều khoản chi phí cho sinh viên”.

Nghe lời mẹ, chị cả Lê Thị Trung, chị hai Lê Thị Liên và tôi đều thi ngành sư phạm. Còn anh ba theo ngành công an. Tôi muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa để xứng đáng là một người thầy. Và, gieo chữ ở Trường Sa chính là ước ao của tôi từ thời sinh viên!”, Quyết tâm sự.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.