| Hotline: 0983.970.780

Tháng 5 ở Trường Sa: Những người đặc biệt

Thứ Tư 20/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tháng 5 biển lặng. Trời trong như ngọc. Nắng vàng đùa giỡn những gợn sóng xanh như ánh đèn nhấp nháy. 

Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách (Quân chủng Hải quân) - người từng 38 lần tổ chức các đoàn công tác thăm, động viên nhân dân và chiến sĩ trên các đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 gọi đó là “mùa tàu”; mùa gửi tình yêu đất liền ra biển đảo Tổ quốc nơi đầu sóng.

Toa… toa… toa… Ba hồi còi ngân dài từ chiếc tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam, mang ký hiệu KN - 781, thay lời chào của các thành viên trong đoàn công tác (gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, TP.HCM và Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia). Cỗ máy khổng lồ màu trắng rời cảng Cát Lái trong những cái vẫy tay và ánh mắt lưu luyến, trìu mến của cả kẻ đi và người tiễn.

Cha giành, giữ; con xây dựng

Nom khuôn mặt tôi trẻ nhất đoàn, thế mà suốt ngày vác camera, đeo máy ảnh trước ngực chạy lăng xăng khắp tàu ghi hình, anh Tạ Quang Nam, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 2, đồng thời là chỉ huy điều hành tàu vỗ vai tôi nói: “Chú khá đấy! Tuổi này mà đã được tòa soạn cử ra Trường Sa rồi”. Tôi bảo: “Em còn non kinh nghiệm đi biển lắm, mới ra tới Cô Tô, Quan Lạn (Quảng Ninh) thôi!”.

Tỉ tê một hồi mới biết anh là con trai của Thiếu tướng Mai Năng (tên thật là Tạ Văn Thiều) - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; nguyên Tư lệnh Quân chủng Đặc công, Bộ Tư lệnh Hải quân. 40 năm trước, tướng Mai Năng là người nhận mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy bộ đội đặc công giải phóng Trường Sa vào tháng 4/1975.

“Bố tôi kể, khi tiến quân giải phóng Trường Sa, đa phần bộ đội ta chỉ được trang bị những loại vũ khí thô sơ như súng tiểu liên; súng hỏa lực chủ yếu là B41, ngoài ra còn có súng pháo như cối, DKZ (dùng cho phòng thủ chứ không phải tấn công). Trang phục mang theo người đa phần là quần lót để tiện cho bơi và chiếc phao bảo hiểm phòng thân. Nhưng, sức mạnh lớn nhất của mỗi quân nhân chính là lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân”, anh Nam kể.

Coi cha mình là thần tượng, Tạ Quang Nam tiếp bước truyền thống gia đình, thi vào Trường Sĩ quan Hải quân theo đường binh nghiệp. Duyên số đưa đẩy, 13 năm sau, người con (khi ấy vẫn là học viên) được đặt chân đến quần đảo nơi cha mình giải phóng.

Đấy là một ngày cuối tháng 3/1988, biển Đông đang sục sôi vì sự kiện 14/3, Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta. Ý chí phấn đấu, quyết tâm phát huy truyền thống của Hải quân, của gia đình để bảo vệ giang sơn bờ cõi trong anh càng lớn. Càng may mắn hơn khi anh được phân công công tác tại Lữ đoàn 125 Hải quân (tiền thân là Đoàn 759 - Đoàn tàu không số, đơn vị chở cha mình giải phóng Trường Sa).

Từ anh chiến sĩ Công binh Hải quân Đoàn M31, Thuyền trưởng, lên chức Phó tham mưu trưởng Phòng tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, gần 10 năm tham gia vận chuyển hàng hóa xây dựng đảo Trường Sa, anh Tạ Quang Nam đã vác trên vai hàng ngàn can nước, hàng ngàn bao đá, đất, xi măng và gạch lên khắp các đảo ở huyện đảo Trường Sa. Không ít anh em chiến sĩ đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng đã xua đi mọi nỗi sợ.

“Bây giờ, mỗi lần thăm đảo, tôi lại thấy ấm lòng hơn, khi điều kiện sinh hoạt, trang bị của những người lính canh giữ biển đảo quê hương và nhân dân ngày càng được cải thiện”, anh Nam tâm sự.

Thức tỉnh “người chống Cộng hàng đầu”

Hành khách cao tuổi nhất trên tàu KN - 781 là ông Lê Quốc Hùng (65 tuổi), nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (California - Mỹ). Dù sức không được tốt, ông vẫn muốn một lần được đến với Trường Sa, vì ở đó có một kỷ niệm liên quan đến mình.

09-41-24_nh-2
Ông Lê Quốc Hùng chụp ảnh trước mui tàu KN - 781 trong chuyến công tác ra Trường Sa

Ông kể: Mấy năm trước, khi tôi còn làm Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco (bang California - Mỹ), một số phóng viên là người Việt ở đó đã đề nghị phỏng vấn tôi trong Đại hội Truyền thông báo chí hải ngoại đầu tiên vào cuối năm 2011. Sau một hồi cân nhắc, tôi đã đồng ý bởi đây là cơ hội để chúng tôi nói lên tiếng nói của Đảng, của Nhà nước đối với người Việt định cư ở Mỹ.

Hơn 1 tiếng đồng hồ, họ hỏi rất nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề nhạy cảm và rất “xoáy”. Nhà báo Nguyễn Phương Hùng, chủ bút của một trang điện tử ở hải ngoại, từng là thiếu úy Thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa, tự nhận mình là người chuyên viết bài đả phá chế độ, người chống Cộng hàng đầu và hỏi rằng, Tổng lãnh sự và Nhà nước Việt Nam có dám cho ông ấy về thăm quê hương hay không?

Tôi trả lời ngay: “Tôi sẵn sàng lấy danh dự và uy tín của mình để bảo đảm cho ông về nước với hai điều kiện. Một là không lợi dụng chuyện này để chống lại Nhà nước. Hai là không vi phạm pháp luật. Tôi và Nhà nước Việt Nam luôn hoan nghênh ông về thăm quê hương, thăm thân nhân và gia đình mà không phải chịu bất lợi gì, cho dù quá khứ ông có đi ngược lại lợi ích của dân tộc”.

Tin lời vị Tổng lãnh sự, ông Nguyễn Phương Hùng đã cùng vợ của mình là ca sĩ Lệ Hằng về nước và được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời đi thăm quần đảo Trường Sa vào tháng 4/2012. Và chính Lệ Hằng là ca sĩ hải ngoại đầu tiên biểu diễn văn nghệ ở huyện đảo Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Phương Hùng từng chia sẻ với ông Lê Quốc Hùng rằng: Nhìn ngọn sóng, nhìn người lính hải quân đang ở ngoài khơi bảo vệ vùng biển trời Tổ quốc, mình thấy rằng phải có bổn phận đóng góp cho cuộc sống anh em ở biển đảo khá lên, làm thế nào để con cháu sau này có tinh thần yêu quê hương, nhớ ơn những thế hệ đã gây dựng đất nước.

09-41-24_nh-3
Cuộc phỏng vấn giữa các nhà báo ở California (Mỹ), trong đó có ông Nguyễn Phương Hùng với ông Lê Quốc Hùng năm 2011

Tất cả những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, nhân dân đều là những anh hùng, con cháu phải học tập noi gương những người lính ấy. Qua những chuyến đi, nhìn thấy đất nước đổi mới sau một thời gian dài chiến tranh, tôi mới biết những thông tin hải ngoại về đất nước đã bị xuyên tạc. Và có lẽ không riêng mình tôi mà còn rất nhiều người Việt ở hải ngoại vẫn còn mù mờ về thông tin trong nước.

Một lần về viếng bố, mẹ ở huyện Long Khánh (Đồng Nai), ông ngồi trước mộ rồi thắp hương và khấn: Con là Nguyễn Phương Hùng. Hôm nay con về đây trước linh hồn của bố mẹ. Con tạ tội với bố mẹ. Con là một thằng con bất hiếu.

Gần 40 năm qua con rời xa đất nước, đến lúc bố chết, mẹ chết con cũng không về, chỉ vì một lời thề rằng khi còn Cộng sản trên đất nước này con sẽ không bao giờ trở về. Nhưng hôm nay trở về đây, con mới nhận ra rằng gần 40 năm qua con đã bị bịt mắt bởi những luồng thông tin không chính thức. Và con đã gặp được Tổng Lãnh sự Việt Nam ở San Francisco - ông Lê Quốc Hùng. Ông đã mở mắt cho con. Con thấy rằng tất cả không phải như những gì trước đó con đã nghĩ về đất nước Việt Nam.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).