| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Cần 509 tỷ đồng khắc phục sự cố đê điều

Thứ Ba 11/12/2018 , 08:30 (GMT+7)

Sau những trận mưa lũ năm 2017, 2018, tỉnh Thanh Hóa có 35 công trình đê điều phòng chống lụt bão bị hư hỏng. Để khắc phục sự cố các công trình này, Thanh Hóa cần một nguồn ngân sách đầu tư 509 tỷ đồng. 

Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đang nỗ lực khắc phục để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân.

Đê tả sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa, một trong những tuyến đê trọng yếu bảo vệ cư dân 15 xã của huyện Thiệu Hóa và một số xã huyện Yên Định, Thọ Xuân đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

08-19-54_cong_chn_long_10_cu-gy_sp_tuong_sn_tieu_nng
Cống Chấn Long 10 cửa gãy sập tường sân tiêu năng

Theo quan sát của PV, mặt đê được rải bê tông đã bị sụt, lún, nứt vỡ. Người và phương tiện lưu thông trên tuyến đê này phải tận dụng hai bên lề đường để di chuyển khi mặt đê đã xuất hiện nhiều hố sâu, ổ voi, ổ gà. Hai bên đê, bờ sông bị sạt lở đang tiến dần đến chân đê. Những rặng tre trước đây nằm trên bờ nay đã bị nước lũ cuốn trôi ra giữa dòng chảy. Thực trạng này cũng đang diễn ra tại đê tả sông Chu.

Còn tại đê hữu sông Mã đoạn đi qua xã Thiệu Quang cũng đã xuất hiện sạt lở mạnh sau những trận lũ năm 2017, 2018. Theo quan sát, đây là tuyến đê sát sông nên việc sạt lở đất đã uy hiếp thân đê, khiến 30 hộ dân sinh sống trong thân đê từ hàng chục năm nay tỏ ra hết sức lo lắng.

Một hộ dân sống gần khu vực chân đê cho biết, nếu không có biện pháp khắc phục và nếu tiếp tục sạt lở với tốc độ như hiện nay, không chỉ gia đình ông mà các hộ dân khác sớm muộn cũng phải bỏ nhà, bỏ cửa đi nơi khác ở.

Cách xã Thiệu Quang không xa, cống Chấn Long thuộc đê hữu sông Mã nằm trên địa bàn xã Thiệu Hợp cũng đã xuất hiện những hư hỏng cần được khắc phục. Đây là cống được xây dựng từ hàng chục năm nay, chiều dài cống được thiết kế bằng độ dài bằng mặt đê, cửa đóng mở tự động. Tuy nhiên, tường sân tiêu năng phía hạ lưu đã bị gãy sập gây rất nhiều khó khăn cho quá trình vận hành cống.

Ông Đinh Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Thiệu Hóa cho biết, hạt hiện quản lý 55,5 km đê cấp I, II gồm đê hữu, tả sông Chu; hữu sông Mã. Hệ thống đê do hạt quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến 28 xã của huyện Thiệu Hóa và nhiều xã thuộc các huyện Triệu Sơn, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Yên Định. Từ vài năm nay, các tuyến đê này đã xuất hiện nhiều sự cố tuy nhiên hiện vẫn đang đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống lũ trước mắt. Về lâu về dài, những sự cố này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, tài sản của người dân.

08-19-54_de_t_song_chu_don_di_qu_huyen_thieu_ho_xuong_cp_nghiem_trong
Đê tả sông Chu đoạn đi qua Thiệu Hóa xuống cấp

“Theo khảo sát, đê tả sông Chu từ K25-K34,1, K19,8 - K22; đê hữu sông Chu từ K39,4 - K42,247 đã xuất hiện sụt lún, vỡ mặt đê từ vài năm nay. Ba công trình này đều chưa đủ mặt cắt thiết kế đê theo quy định là 6m, hiện đã được Ban Quản lý dự án Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư chuẩn bị thi công vào tháng 12/2018 với tổng mức đầu tư trên 47 tỷ đồng.

Ngoài các công trình này, hiện 3 kè sông Chu của huyện Thiệu Hóa đi qua các xã Thiệu Tiến, Thiệu Phúc; đê hữu sông Mã đi qua xã Thiệu Quang; cống Chấn Long 10 cửa của xã Thiệu Hợp cũng đang trong giai đoạn tư vấn thiết kế để thi công trong thời gian tới. Đặc biệt, cống Chấn Long sẽ được nâng cấp, sửa chữa thành cống đóng mở chủ động” – ông Thanh cho biết.

Mới đây, người dân sống ở khu vực hạ lưu sông Mã đứng ngồi không yên do sụt lún hàng trăm mét kè đê sông Mã đoạn đi qua phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Theo đó, kè và khuôn viên dành cho người đi bộ, đón khách du lịch nằm trong dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý đê hữu sông Mã có chiều dài trên 1km đã bị sạt lở, sụt lún từ năm 2012 đến nay với tổng chiều dài 334m. Trong đó có khoảng 50m bị sụt lún nghiêm trọng.

Đây là dự án xử lý khẩn cấp đê điều sông Mã được thi công từ chân cầu Hàm Rồng đến ngã ba Trần Hưng Đạo (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Dự án có 2 hợp phần: Kè bãi bờ hữu sông Mã dài 1.025m và khuôn viên bãi sông. Dự án do Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 104,5 tỷ đồng. Chi phí đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn huy động khác.

Tháng 4/2011, dự án bàn giao đi vào sử dụng đã tạo ra một khuôn viên bãi sông vừa đủ cao trình chắn sóng bảo vệ đê sông Mã vừa là khu đi bộ, sân vườn tiền cảnh, đón khách lên thuyền tham quan khu du lịch…

08-19-54_ke_bo_huu_song_m_don_di_qu_phuong_hm_rong_tp_th_bi_sut_lun_nghiem_trong
Kè bờ hữu sông Mã đoạn đi qua phường Hàm Rồng TP Thanh Hóa bị sụt lún nghiêm trọng

Theo số liệu báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, do ảnh hưởng từ các đợt mưa lũ năm 2017, đoạn kè bãi sông từ Km39+350 – Km39+550 bị sụt lún nghiêm trọng. Trong đợt mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh ngày 5 - 7/11/2018, sự cố trên tiếp tục phát triển mạnh. Kè sân vườn khuôn viên tương ứng với đoạn từ Km39+484 – Km39+534 bị sụt lún với chiều dài 50m; cung sụt có chiều sâu từ 0,2 - 2m; điểm sụt lún gần nhất cách chân đê 3,9m; phần cơ đá chân kè tương ứng từ Km39+607 – Km39+634 bị sạt lở từ 1 - 2m, chiều dài 27m.

Theo quan sát của PV, tại nhiều điểm, mặt kè đã bị nứt, tách với chiều rộng 40 - 50cm; đá lát nền bong tróc lộ rõ kết cấu bê tông phía dưới. Cung sụt lún có điểm lên đến trên 2,5m so với mặt bằng cũ. Phía dưới chân kè, lớp gạch lát cũng bong tróc, nền đất tiếp tục những vết nứt mới kéo dài.

Điều đáng lo ngại là, điểm sụt lún nghiêm trọng này chỉ cách chân cầu Hàm Rồng khoảng vài trăm mét. Dấu tích sụt lún, lở đất sát bờ sông kéo dài đến dưới chân cầu; hiện tượng sụt lún cũng xuất hiện dưới chân cầu Hàm Rồng.

Ngày 25/10/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 4185/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã. Dự án có tổng mức đầu tư 34,197 tỷ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ và nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2019 với diện tích sử dụng 0,8ha. Theo đó, kè cũ sẽ được phá bỏ và thay bằng kè mới có chiều dài 188m; cơ đê phía sông sẽ được kết nối phù hợp với đường dạo ven sông hiện có trong phạm vi tuyến thiết kế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, địa phương đã và đang khắc phục nhiều sự cố đê điều thủy lợi và bàn giao đưa vào sử dụng như công trình xử lý khẩn cấp sạt lở đê tả sông Lèn K27,852-K28 huyện Hậu Lộc; xử lý khẩn câp đê hữu sông Cầu Chày từ K6-K9+400… và nhiều sự cố đê điều khác.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn nhiều công trình đê điều đang được đơn vị chủ đầu tư triển khai lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trình Bộ NN-PTNT thẩm định, phê duyệt. Để thực hiện thi công và bàn giao đưa vào sử dụng 35 công trình đê điều phòng chống thiên tai, Thanh Hóa cần tổng kinh phí 509 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm