| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Nhiều 'tàu 67' làm ăn không hiệu quả

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:40 (GMT+7)

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 58 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hiện chỉ 2 tàu cá làm ăn hiệu quả; số còn lại hoặc hòa vốn hoặc thua lỗ.  

Gần 52% số tàu 67 hòa vốn

Để đóng con tàu theo Nghị định 67 vỏ gỗ trị giá trên 17,3 tỷ đồng, ngoài khoản tiền vay từ Ngân hàng Công thương 10,35 tỷ đồng, ông Phạm Văn Nam ở phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) phải bán toàn bộ 2 tàu dã cao tốc và vay mượn thêm bạn bè, anh em. Sau 2 năm hạ thủy, ông đã trả được 1,25 tỷ đồng và 410 triệu đồng lãi suất ngân hàng. Thế nhưng, tiền gốc, lãi quý IV/2019 hiện ông vẫn chưa biết lấy đâu ra. Tàu 67 của ông Nam được đánh giá là hoạt động hòa vốn.

Nhiều chủ tàu tại Thanh Hóa không thể trả được nợ ngân hàng

“Từ đầu năm đến nay, con tàu này đã đem lại cho tôi 4,8 tỷ đồng, trừ chi phí nhân công, tiền dầu, bảo dưỡng còn lãi khoảng 850 triệu đồng. Nhưng kể từ tháng 7 đến nay, tháng nhiều nhất nguồn thu chưa đến 400 triệu đồng, tức là chỉ bù lỗ. Không biết sẽ lấy đâu ra tiền để trả gốc và lãi quý IV đây?” – ông Nam phân trần.

“Khi vay vốn đóng tàu 67, tôi đã thuê riêng thiết kế mô phỏng theo mô hình tàu đánh cá Trung Quốc. Nếu như một số chủ tàu mặc cho nhà thầu thi công, lắp đặt máy móc thì bản thân tôi tự tìm hiểu và đặt các loại máy nhập khẩu, chất lượng tốt nên ít hỏng hóc. Các trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu cá tôi cũng sắm loại đắt tiền, chất lượng cao nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Tuy nhiên, vài năm lại đây, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm nên thực tế hiệu quả kinh tế chưa cao”  - ông Phạm Văn Nam, chủ tàu 67 tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn

Theo nhẩm tính của ông Nam, từ lúc hạ thủy đến nay, vươn khơi bám biển hành nghề lưới chụp ông đã đi được 38 chuyến biển. Riêng năm 2018 ông thu về trên 100 tấn cá các loại và mực, tổng thu 4,2 tỷ đồng. Trừ chi phí ông lãi khoảng 1 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, ông thu về 4,8 tỷ đồng nhưng do giá nhiên liệu tăng nên thực tế chỉ lãi khoảng 850 triệu đồng.

“Kết quả đánh bắt 7 tháng đầu năm thì ổn, nếu duy trì được cả năm như thế thì có lãi, đủ để trả nợ ngân hàng theo lộ trình. Nhưng từ tháng 7 đến nay, do thời tiết không ủng hộ, những chuyến đi biển cứ thưa dần trong khi mỗi tháng phải trả gần 100 triệu tiền nhân công cho các thuyền viên. Tôi đã “báo động” ngân hàng, khả năng trả được gốc, lãi quý IV là rất thấp. Tình trạng này cũng xẩy ra với 4 tàu 67 của phường Quảng Tiến còn lại chứ không riêng gì tôi” – ông Nam cho hay.

Cũng theo ông Nam, trong số 5 tàu 67 tại phường Quảng Tiến thì có 2 tàu vỏ sắt. Hiện các tàu vỏ sắt này đã phải cho thuê lại chứ chủ tàu không đủ vốn để vươn khơi bám biển.

Chỉ gần 3,5% tàu 67 tại Thanh Hóa có lãi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa, trong số 58 tàu đóng theo Nghị định 67 thì có tới 30 tàu hoạt động hòa vốn, chiếm 51,7% (trong đó có 16 tàu khai thác, 14 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Các tàu khai thác này hoạt động cầm chừng, sản lượng khai thác đạt thấp, giá trị không cao do ngư trường khai thác chưa mở rộng, nguồn lợi thủy sản suy giảm. Các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động cầm chừng do liên kêt sản xuất trên biển chưa thường xuyên, nguồn cung sản phẩm chưa ổn định dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao.

Số tàu có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay, ngư dân phải chuyển chủ

Trong số 58 tàu đóng theo Nghị định 67 tại tỉnh Thanh Hóa hiện có tới 26 tàu báo lỗ và chỉ có 2 tàu hoạt động có lãi. Đa phần số tàu hoạt động thua lỗ là tàu vỏ thép (21 tàu); 2 tàu hoạt động có lãi đều là tàu vỏ gỗ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tàu vỏ thép tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa cho hay, ông vay 17,5 tỷ đồng đóng tàu vỏ sắt. Sau 3 năm hạ thủy, đến nay số nợ gốc và lãi ông trả cho ngân hàng chỉ chưa đầy 1 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến ông không có tiền trả nợ là do tàu vỏ sắt có nhiều trục trặc khiến những chuyến đi biển bị gián đoạn.

Nhiều tàu 67 tại Thanh Hóa làm ăn chưa hiệu quả.

“Bố tôi, ông Nguyễn Văn Nhung là chủ con tàu này nhưng hiện nay đã qua đời. Khi thiết kế tàu, tôi đã thấy những điều bất hợp lý nhưng bố tôi bảo, họ làm thế nào thì mình cứ theo như thế. Kết quả là, sau khi hạ thủy, tàu xuất hiện quá nhiều lỗi. 2/3 tời thủy lực bị hỏng phải sửa đi sửa lại. Riêng hai máy điện đã sửa đến 5 lần mà vẫn chưa ổn. Vì vẫn muốn vươn khơi, bám biển nên cuối năm nay, tôi lại phải bỏ thêm một đống tiền để đại tu lại tàu” – ông Dũng cho biết.

Thực hiện Nghị định 67, trong 5 năm qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân số tiền 651,281 tỷ đồng để đóng mới 58 tàu cá. Sau 5 năm, doanh số thu nợ đạt trên 49 tỷ đồng, dự nợ trên 602 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã cho vay vốn lưu động cho 35 chủ tàu với tổng doanh số 69,65 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 36 tỷ đồng. Với tìn hình khó khăn như hiện nay, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính sớm cấp bổ sung kinh phí cho địa phương để đảm bảo nguồn hỗ trợ chính sách bảo hiểm, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Dũng, nếu tàu thường xuyên ra khơi thì không những lỗ mà còn có lãi. Tuy nhiên, cứ ra khơi được dăm bữa, tàu và các thiết bị trên tàu lại bị lỗi nên phải vào bờ sửa chữa.

“Ra khơi được dăm bữa, tàu lại hỏng. Vì thế, tiếc tiền trả nhân công, tôi cho vào bờ, tự khắc phục để tiếp tục ra khơi. Gọi bảo hiểm đến thì họ bảo, chủ tàu đã tự tháo thiết bị thì không được hưởng bảo hiểm nữa. Thực sự là chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, sau 3 năm hiện tôi vẫn còn nợ ngân hàng trên 16 tỷ đồng”- ông Dũng phân trần.

Nguyên nhân khiến các tàu 67 thua lỗ được ngành nông nghiệp Thanh Hóa nhận định là do thời tiết diễn biến thất thường, ngư trường khai thác chưa được mở rộng, chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Giá trị hải sản kinh tế cao ngày càng khan hiếm, giá nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian đầu, một số chủ tàu cá vỏ thép khi đưa tàu vào khai thác gặp trục trặc ở một số bộ phận như máy phát điện, tăng gông, hầm bảo quản sản phẩm. Các chủ tàu đã phối hợp với các cơ sở đóng tàu để khắc phục và mất nhiều thời gian nên hoạt động khai thác chưa hiệu quả.

 Cũng theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, ngoài 1 tàu phải nằm bờ do chủ tàu chết thì hiện toàn tỉnh có 2 tàu đã chuyển chủ và 1 tàu vỏ thép hiện ngân hàng đã khởi kiện lên tòa án để bán đấu giá do chủ tàu chây ì trả nợ, không thực hiện theo hợp đồng tín dụng…

Không chỉ tàu 67, các chủ tàu cá khác cũng cho biết năm nay sản lượng đánh bắt giảm.

Ông Lê Bá Lực, Trưởng phòng Quản lý khai thác tàu cá và hậu cần cá - Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa cho biết, sau khi Sở NN&PTNT có báo cáo về hiệu quả hoạt động của các tàu 67, một số địa phương cho rằng đánh giá trên chưa đúng thực chất.

“Những tàu báo hòa và lỗ vốn hoạt động cầm chừng, thông thường âm 50-70 triệu đồng mỗi chuyến ra khơi. Các địa phương thì báo cáo các tàu 67 hoạt động hiệu quả trong khi đó chủ tàu báo cáo ngược lại; có thể họ giấu nghề để chây ỳ trả nợ. Chúng tôi đang cho rà soát lại theo thực tế hoạt động của các tàu. Bây giờ cũng chỉ khảo sát qua kênh làm việc trực tiếp với chủ tàu để đánh giá vì chúng tôi không còn căn cứ nào hơn. Chủ tàu báo thế nào thì được như thế chứ xuất hàng không hóa đơn chứng từ thì làm sao biết được họ đánh bắt hiệu quả hay không” – ông Lực cho hay.

Xem thêm
Cà Mau: Cua chết bất thường trên diện rộng

Tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.

Bình luận mới nhất