| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa sẵn sàng ứng phó dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 21/11/2023 , 15:37 (GMT+7)

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành công điện về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Ảnh: Quốc Toản.

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Ảnh: Quốc Toản.

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa như: Ninh Bình, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, đều xảy ra dịch, đến nay chưa được kiểm soát.

Tình hình diễn biến dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lợn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi, môi trường, nguồn cung thực phẩm.…

Để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống  dịch tả lợn châu Phi.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn bản, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm khi dịch tả lợn Châu Phi mới xuất hiện, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, không để phát sinh ổ dịch mới.

Tập trung tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Thực hiện vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành NN-PTNT. Tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không đúng quy định.

Chủ động từ ngân sách dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt bố trí kinh phí chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, dụng cụ, hoá chất sát trùng, vôi bột, vacxin... để chủ động ứng phó kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp.

Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn lợn...

Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát dịch tả lợn Châu Phi để kịp thời phát hiện cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Thành lập các đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, không để lây lan ra diện rộng.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định...

Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện chỉ đạo, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động kế hoạch phòng chống dịch tả lợn Châu Phi với phương châm “phòng dịch hơn chống dịch”.

Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Như Xuân cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 9 trang trại chăn nuôi lợn đã đi vào hoạt động với hàng chục nghìn con (lợn thịt, lợn nái). Trước và sau khi có Công điện của tỉnh Thanh Hóa, huyện đã phân công cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định.

“Các địa phương trong huyện đã sẵn sàng vật tư tại chỗ để ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra. Đối với các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi khuyến cáo tăng cường tần suất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại; tăng cường giám sát dịch bệnh, hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín”, ông Đạt cho biết.

Lực lượng thú y cơ sở tại Thanh Hóa thực hiện phun phòng tiêu độc khử trùng. Ảnh: Quốc Toản.

Lực lượng thú y cơ sở tại Thanh Hóa thực hiện phun phòng tiêu độc khử trùng. Ảnh: Quốc Toản.

Để nâng cao tính chủ động trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, xã Hoằng Đông (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch của xã gồm 15 người do ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban chỉ đạo, các trưởng thôn, cán bộ nông nghiệp… là thành viên ban chỉ đạo chống dịch.

“Các trưởng thôn phối hợp với cán bộ thú y đang theo dõi, giám sát dịch bệnh tại các thôn. Nhất cử nhất động về tình hình dịch tại cơ sở đều được báo cáo kịp thời trong ngày để ban chỉ đạo đưa ra phương án ứng phó nếu xuất hiện dịch.

Ngoài ra, đều đặn 1 ngày 2 lần, chúng tôi phát loa phóng thanh tuyên truyền và hướng dẫn bà con công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Tuyến đường tỉnh 510B và đường huyện ĐH - HH24 được bố trí lực lượng để kiểm soát vật nuôi ra vào địa phương, đặc biệt là đối với lợn”, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông cho biết.

Nhờ chủ động phòng dịch và sẵn sàng chống dịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tổng đàn lợn trên địa bàn vẫn duy trì ổn định đầu con.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.