| Hotline: 0983.970.780

Thành lập ngay ban chỉ đạo khi có dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 15/08/2023 , 10:32 (GMT+7)

Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại xã Vũ Ninh, Sở NN-PTNT Thái Bình đề nghị UBND cấp huyện vào cuộc quyết liệt, thành lập Ban chỉ đạo khi có dịch tả lợn Châu Phi.

Lực lượng thú y tiến hành thu gom, xử lý lợn ốm, chết do dịch tả lợn Châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Lực lượng thú y tiến hành thu gom, xử lý lợn ốm, chết do dịch tả lợn Châu Phi tại Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Vào tháng 5/2023, Thái Bình phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương. Ngay lập tức, Chi cục Thú y vùng II đã phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình và địa phương kiểm tra, rà soát, xét nghiệm và kịp thời tiêu hủy 2 lợn nái của 2 hộ chăn nuôi thuộc 2 thôn.

Ông Lại Đức Quynh, Chủ tịch UBND xã Vũ Ninh cho biết, sau khi biết tin lợn của người dân tại hai thôn Đông Hòa và Nam Sơn phát sinh hiện tượng ốm chết bất thường, hệ thống thú y các cấp đã khẩn trương làm việc, triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch và không để dịch bệnh lây lan.

Trong vòng một tuần từ lúc phát hiện ca bệnh, địa phương đã sử dụng 66 lít hóa chất và 850kg vôi bột để xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã. Đến nay sau hơn 3 tháng, Vũ Ninh không phát sinh thêm ca bệnh mới trên đàn lợn.

Thống kê của Phòng NN-PTNT Kiến Xương cho thấy, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện đạt gần 28.000 con, trong đó, lợn nái và lợn đực giống có gần 5.000 con; lợn thịt có gần 23.000 con.

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật huyện Kiến Xương thông tin, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chủ động giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe đàn lợn tại địa phương; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, cách nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động khai báo dịch và chấp hành nghiêm các quy địng phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định.

Các biện pháp quản lý về hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn được thực hiện, trong đó chỉ  đạo nghiêm việc nhập lợn rõ nguồn gốc đã được kiểm dịch để giết mổ, tiêu thụ trên địa bàn. Người chăn nuôi, hộ buôn bán, giết mổ tại huyện được tập huấn, nâng cao nhận thức và chú trọng công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, nơi buôn bán, thu gom lợn.

Từ kinh nghiệm này, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 948/SNNPTNT-CCCNTY về tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Sở NN-PTNT đánh giá, tổng đàn lợn của tỉnh là khá lớn, công tác quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, vacxin phòng bệnh vẫn đang trong giai đoạn tiêm phòng có sự giám sát, chưa được phép sử dụng diện rộng nên nguy cơ dịch bệnh lây lan thời gian tới là rất cao.

Sở NN-PTNT Thái Bình đề nghị các địa phương khác khi có dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Sở NN-PTNT Thái Bình đề nghị các địa phương khác khi có dịch tả lợn Châu Phi xảy ra cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Ảnh: Bảo Thắng.

Để chủ động chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý dịch bệnh phát sinh, Sở NN-PTNT Thái Bình đề nghị xã Vũ Ninh và các địa phương khác khi có dịch xảy ra cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các tổ, đội kiểm tra lưu động để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đồng thời phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn thực hiện của từng thành viên Ban chỉ đạo và tổ, đội kiểm tra.

Các cấp cơ sở được khuyến cáo thực hiện nghiêm túc các giải pháp về chuyên môn như giám sát, khoanh vùng ổ dịch, khử trùng tiêu độc, quản lý vận chuyển, giết mổ và tái đàn. Ngoài ra, cần phối hợp hệ thống thú y để thực hiện công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, đây là cách để huy động nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, cũng như xác định rõ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm để tập trung chỉ đạo khoanh vùng, xử lý dịch.

Trong Công văn số 948, Sở NN-PTNT đề nghị UBND cấp huyện có biện pháp xử lý những trường hợp chủ quan, lơ là trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch; động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, có sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch.

Với lực lượng thú y, Sở NN-PTNT yêu cầu thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, thông tin về sử dụng vacxin phòng bệnh; tăng cường cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, xác minh dịch bệnh, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phòng, chống dịch tại cơ sở.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.