Chăn nuôi bò tại Đắk Lắk hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Sau nhiều năm được tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi tập quán, học tập nhau để chuyển đổi từ thả rông gia súc sang nuôi nhốt. Nhờ đó, giúp công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tốt hơn, đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thay đổi tập quán
Sáng giữa tháng 7, phóng viên về buôn H’Lun, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), dọc tuyến đường liên thôn là cảnh từng đàn bò đươc người dân đưa ra đồng cho ăn. Theo tập quán của đồng bào trước đây, đàn bò được thả ngoài rừng nhưng thời gian gần đây do đồng cỏ thu hẹp nên người dân mỗi sáng sẽ đưa đàn bò đến những khu vực đất trống chăn thả, chiều lùa về nhốt trong chuồng.
Chúng tôi đến nhà bà H’Buôn Niê (ngụ buôn H’Lin) khi chồng bà đang chuẩn bị đưa đàn bò 19 con ra lô cao su tìm thức ăn ngoài tự nhiên. Bà H’Buôn cho biết, gia đình bắt đầu nuôi bò từ năm 2000, thời điểm đó gia đình nghèo nên vay tiền từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để mua 2 con bò về nuôi. Đến nay, gia đình bà H’Buôn đã có 19 con lớn nhỏ, mỗi năm, gia đình bán 2-3 con với giá hàng chục triệu đồng để tăng thu nhập.
Theo bà H’Buôn, để đàn bò có thức ăn, gia đình trồng cỏ và mua thêm hơn 100 cuộn rơm về dự trữ. Hàng ngày, chồng đưa bò ra đồng, tối về cho ăn thêm thức ăn ở nhà để bổ sung. “Sau khi đưa bò ra khỏi chuồng, gia đình tiến hành dọn dẹp sạch sẽ để không bị ô nhiễm. Việc nhốt bò trong chuồng cũng rất thuận tiện mỗi khi được thông báo tiêm phòng thì rất dễ dàng không phải đi lùa về”, bà H’Buôn nói.
Người phụ nữ này cho biết thêm, từ khi làm chuồng để bảo vệ đàn bò, gia đình có thêm nguồn thu nhập từ bán phân. Mỗi năm, gia đình bà H’Buôn cũng thu về gần 20 triệu đồng tiền bán phân, số này sẽ dùng để mua rơm trữ cho bò ăn hàng ngày.
Cách nhà bà H’Buôn không xa, nhà ông Y Thêm Niê cũng có đàn bò 16 con đang nhốt trong chuồng. Mặc dù chủ yếu nuôi nhốt nhưng để đàn bò được vận động hàng ngày ông Y Thiêm vẫn đưa ra ngoài lô cao su thả rồi chiều lùa về.
Ông Y Thêm cho biết, gia đình nuôi bò từ năm 2001, trước đây gia đình nuôi nhốt ngay dưới gầm nhà sàn còn hiện nay đã làm chuồng riêng biệt để giữ vệ sinh. Từ chỗ chỉ vài con đến nay đàn bò của gia đình ông Y Thêm lên đến 16 con.
"Trước đây nuôi bò ngoài đồng phụ thuộc vào tự nhiên thì giờ gia đình đã trồng cỏ và mua rơm về cho bò ăn. Gia đình tôi không có tiền làm chuồng đã phải bán bò để lấy kinh phí. Nhờ chăn nuôi bò mà gia đình có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm được khoảng 50 triệu đồng”, ông Y Thêm nói thêm.
Nhận thức ngày một nâng cao
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số nuôi nhốt xa nhà dễ bị mất trâu bò cùng với diện tích vườn nhỏ nên thường nhốt gia súc dưới gầm nhà. Việc nuôi nhốt này gây mùi hôi thối, mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe con người. Bên cạnh đó, mỗi khi có dịch bệnh trên đàn gia súc cũng khó kiểm soát. Chính vì vậy, để bà con thay đổi chính quyền địa phương, các ngành đã tuyên truyền, vận động để bà con xây dựng chuồng trại, ổn định chăn nuôi.
Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar cho biết, địa phương có hơn 14.000 con bò, trong đó chỉ có một trang trại chăn nuôi bò với số lượng hơn 100 con, còn lại là trong các hộ dân.
"Chăn nuôi gia súc tại địa phương hiện nay là bán chăn thả, người dân nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách chăn nuôi khoa học hơn so với trước đây. Ví như trước đây người dân trông chờ vào tự nhiên giờ còn chủ động nguồn thức ăn bằng cách trồng cỏ, mua rơm dự trữ, thậm chí nhiều hộ còn mua thêm cám dinh dưỡng để bò phát triển tốt”. Ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cho biết thêm, nhờ người chăn nuôi quản lý tốt đàn vật nuôi đã giúp cho ngành thú y làm tốt trong công tác tiêm phòng. Việc nuôi nhốt cũng giúp địa phương quản lý được tổng đàn gia súc tốt hơn.
“Ngoài ý thức phòng bệnh, hiện người chăn nuôi cũng có ý thức cải tạo con giống trong đàn vật nuôi. Nếu như trước đây người dân nuôi bò vàng, nay cải tạo đàn bò bằng cách phối tinh các giống bò lai giúp nâng cao tầm vóc, thể trạng con bò. So với 10 năm trước thì đàn bò của địa phương đã to cao hơn, giá trị hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho người chăn nuôi”, ông Đức chia sẻ.
Ông Hoàng Anh Dũng, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và Thú y TP Buôn Ma Thuột cho biết, đàn trâu, bò tại thành phố trên hiện có trên 10.000 con, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chăn nuôi. Do đồng cỏ chăn thả đã bị thu hẹp, hàng ngày người dân phải dậy từ sớm để đưa bò ra đồng, đến tối mới lùa bò về. Vào mùa khô thức ăn ngoài tự nhiên bị thiếu khiến đàn bò gầy yếu và dễ bị bệnh.
Nhận thấy những bất cập này, trong những đợt tập huấn cho người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y đã lồng ghép, tuyên truyền người dân thực hiện nuôi nhốt trâu, bò sẽ mang lại hiệu quả hơn. Nhờ tuyên truyền thường xuyên, liên tục nên khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, người chăn nuôi ở địa phương nhất là người đồng bào đã làm chuồng nhốt tại nhà và trồng cỏ làm thức ăn.
“Chăn nuôi trâu, bò nhốt tại chuồng đã mang lại hiệu quả cao và giảm được công sóc, ngoài ra còn giúp chủ hộ chủ động hơn trong việc tiêm phòng dịch bệnh định kỳ. Khi bị bệnh đàn trâu bò sẽ hạn chế lây lang sang những đàn khác. Bên cạnh đó, chăn thả rông phân gia súc xả ra khắp nơi gây ô nhiễm, còn nuôi nhốt giúp người dân tận dụng để bán hoặc bón cho cây trồng”, ông Dũng nói thêm.
Theo Chi Cục chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk, địa phương hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 280.000 con. Hiện, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên tuyền vận động người chăn nuôi thực hiện đồng bộ tổng hợp nhiều biện pháp như: Tiêm phòng vacxin, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, tăng cường chế độ nuôi dưỡng chăm sóc, giám sát sức khỏe đàn trâu, bò.