Anh Hoàng Đình Lim, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Lùng Giàng B, thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh là một trong số khoảng 100 cán bộ kiểm lâm tham gia chữa cháy rừng hôm 26/4.
Chứng kiến sự khố liệt của đám cháy và những mất mát to lớn nó để lại, anh càng thấy trân trọng những hi sinh thầm lặng bao năm qua của lực lượng kiểm lâm Hà Giang; càng yêu rừng và tự hào về công việc của mình hơn.
Trong vụ cháy rừng hôm 26/4, là những kỷ niệm mà anh Hoàng Đình Lim sẽ nhớ mãi. Bởi để chữa cháy rừng quá gian nan và vất vả. Điểm cháy nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, địa hình dốc đi lại di chuyển rất khó khăn; sóng điện thoại không có nên việc trao đổi thông tin liên lạc giữa các lực lượng bị đứt quãng. Trên núi cao, gió rất mạnh, hướng gió liên tục đổi chiều khiến ngọn lửa lan ra nhiều phía khó xác định phương hướng và triển khai các phương án chữa cháy.
Cuộc chiến giữ rừng hôm ấy, đã có mồ hôi, máu nước mắt và sinh mạng của cán bộ kiểm lâm Hà Giang. Những mất mát, hi sinh ấy sẽ khiến ngành kiểm lâm Hà Giang không bao giờ quên, họ càng thêm yêu, gắn bó và quyết tâm giữ rừng hơn bao giờ hết.
Anh Hoàng Đình Lim cho biết, là người trực tiếp quản lý rừng ở cơ sở và sâu sát với người dân, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng. Nhất là tại địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Để người dân hiểu về giá trị của rừng anh đã đến từng nhà tỷ tê, tuyên truyền vận động bà con hiểu được lợi ích của việc giữ rừng, cũng như nếu phá rừng không chỉ mất rừng mà còn vi phạm pháp luật, phải đi tù. Do đó mấy năm trở lại đây các vụ phá rừng trên địa bàn anh quản lý đã giảm hẳn. Tuy nhiên do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đất canh tác thiếu nên vẫn xảy ra tình trạng người dân sâm lấn vào rừng xử lý thực bì làm nương.
Có thể thấy, cuộc chiến chống cháy rừng ở Hà Giang luôn cam go, vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là năm nay khi hiện diễn ra tượng El Nino khiến nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm càng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao hơn.
Nếu không chủ động các giải pháp ứng phó phòng ngừa kịp thời thì hậu quả mất đi không chỉ là những cánh rừng quý giá mà còn là của cải, mồ hôi, máu, nước mắt và cả sinh mạng con người.
Hi vọng với sự quyết tâm đồng lòng của ngành chức năng từ trung ương, tỉnh, huyện đến cơ sở; sự hiểu biết trách nhiệm của người dân bản địa, chủ rừng được giao khoán bảo vệ rừng sẽ giúp những cánh rừng ở Hà Giang nói riêng và trên khắp đất nước nói chung sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, cho đại ngàn mãi xanh.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh, nơi có vụ cháy rừng xảy ra hôm 26/4 được thành lập theo Quyết định số 642/QĐ-UB ngày 19/03/2002 của UBND tỉnh Hà Giang trên cơ sở sáp nhập 2 khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh 1 và Tây Côn Lĩnh 2.
Từ khi thành lập đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh đã đạt được những thành tựu lớn, tích cực, được các cấp chính quyền của tỉnh, Sở NN-PTNT Hà Giang đánh giá, ghi nhận trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan thiên, phòng hộ đầu nguồn và ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc ở 11 xã trong phạm vi hoạt động.