| Hotline: 0983.970.780

Theo kiểm lâm lên đỉnh Tầm Khầm

Thứ Năm 30/09/2021 , 08:22 (GMT+7)

Tầm Khầm nằm giữa ba xã Kiên Thành, Hồng Ca, Mỏ Vàng của hai huyện Trấn Yên, Văn Yên. Đây là vùng dự trự sinh quyển lớn của tỉnh Yên Bái…

Những cây rừng cổ thụ trên đỉnh núi Tầm Khầm. Ảnh: Tuấn Anh.

Những cây rừng cổ thụ trên đỉnh núi Tầm Khầm. Ảnh: Tuấn Anh.

Buổi sáng ở trạm Kiểm lâm Quy Mông thật yên bình, Lúc này khoảng 5 giờ sáng, sương mù còn nhòa nhợt trên cánh đồng và con đường, những chiến sĩ kiểm lâm khu vực bắt đầu trở dậy, hôm nay là lịch tuần tra rừng cùng với dân.

Xã Kiên Thành thuộc huyện Trấn Yên, có tổng diện tích là 86,65km2, dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Dao, Tày và Mông, đó là xã vùng ba, nên giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn. Với diện tích tự nhiên khoảng 2/3 là đồi núi, ruộng chẳng có bao nhiêu lại nằm theo lẻo dưới chân núi, nên đời sống người dân chủ yếu dựa vào phát triển cây lâm nghiệp trồng quế và tre măng Bát Độ. Vì thế, việc bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền xã và bà con nhân dân chú trọng, coi rừng như máu thịt mình.

Tôi may mắn được tham gia cùng đoàn kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng của Trạm kiểm lâm và cán bộ Ban quản lý rừng xã Kiên Thành lên khu vực núi Tầm Khầm.

Như đã hẹn trước, đúng 5 giờ sáng tôi có mặt tại trạm Kiểm lâm Quy Mông, cùng mọi người chuẩn bị bánh mì, nước uống… cho chuyến vượt rừng với thời gian ít nhất là hai ngày và phải ngủ trên núi.

Thác Bay, tiếng địa phương gọi là đát Bay, từ trên đỉnh Tầm Khầm đổ xuống. Ảnh: Tuấn Anh.

Thác Bay, tiếng địa phương gọi là đát Bay, từ trên đỉnh Tầm Khầm đổ xuống. Ảnh: Tuấn Anh.

Đường từ Quy Mông đến Kiên Thành chừng 15km đi xe máy, nhưng do đường rừng với nhiều ổ trâu, ổ voi chúng tôi gần như đánh vật với con đường dốc quanh co, khoảng một giờ sau mới tới được Đồng Song, nơi đoàn bắt đầu chinh phục đỉnh núi Tầm Khầm.

Đồng Song là một thôn nhỏ nằm dưới chân núi Tầm Khầm, nơi cư trú của dân tộc Dao. Từ bao đời nay cuộc sống của người Dao nơi đây đều dựa vào rừng. Bởi rừng đã cho họ cây để làm nhà, rào vườn, cung cấp nguồn nước…, chính vì thế họ đã coi rừng là bạn.

Rừng mọc quanh thôn làng, đứng từ xa đã có thể nhìn thấy những cây gỗ cao vượt lên trên tán rừng xanh đen, khi đến gần có những cây hai, ba người ôm mới kín gốc. Đội quản lý bảo vệ rừng của thôn gồm 20 người do ông Dương Kim Lâm làm tổ trưởng. Ông cười bảo bọn tôi: Hây dà, hôm nay thời tiết ủng hộ anh em chúng mình đấy, nhưng leo núi cũng không phải là dễ đâu nhé...

Trạm phó Nguyễn Văn Huấn giục chúng tôi khẩn trương lên đường không trời nắng càng thêm vất vả. Cuộc hành trình bắt đầu, chúng tôi đi ngược dòng suối Ngả Hai nhằm đỉnh núi Tầm Khầm hướng tới.

Tầm Khầm là khu rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ quý như sến, táu, dổi…, nhiều cây đã cả trăm năm tuổi, 4 - 5 người ôm mới kín gốc. Những cây sâng bạnh rộng đến cả mét, cao 3m tạo thành những hang nếu trời mưa có thể chui vào được.

Rừng Tầm Khầm còn nhiều loài động vật như vượn đen tuyền, khỉ lông vàng, sóc bay, chim trĩ, lợn rừng… Bà con kể rằng, những năm trước đây vượn đen về gần nhà, buổi sáng nghe chúng hót vang động khắp cánh rừng. Người ta nói, vượn đen là linh hồn của rừng, nhưng lâu rồi không còn nghe tiếng vượn đen hót nữa, có thể do bọn săn bắt bắn chết hết cả rồi. Nhưng chúng tôi vẫn tin sẽ còn vài cá thể nằm ở sâu trong rừng, vì chúng là loài linh trưởng rất tinh khôn.

Tầm Khầm là ngọn núi có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, đây là khu rừng nguyên sinh có hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Tầm Khầm là nỗi thèm khát của rất nhiều lâm tặc vì rừng còn nhiều gỗ quý và động vật quý hiếm. Do đó hàng tháng kiểm lâm và người dân luôn đi tuần tra bảo vệ nghiêm ngặt.

Đoàn công tác nghỉ tạm giữa rừng, Ảnh: Tuấn Anh.

Đoàn công tác nghỉ tạm giữa rừng, Ảnh: Tuấn Anh.

Theo hướng tay chỉ của ông Lâm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, nơi những cây gỗ thân mốc trắng vượt trên thảm nứa, vàu… cũng là nơi mà đoàn chúng tôi đang hướng đến. Không thể cắt rừng mà đi, chúng tôi phải men theo dòng suối cùng những thác nước dựng đứng phủ rêu xanh trơn trượt, chỉ sơ ý là trượt chân rơi xuống vực tan xương như bỡn.

Đứng dưới chân thác Bay, một trong những con thác nằm trên núi rừng Tầm Khầm dựng đứng, ông Lâm bảo: Hôm nay chúng ta thật may mắn, trời không mưa nên dòng thác không dữ dội như vào mùa lũ. Những ngày mưa to gió lớn dòng nước đổ dồn về, dưới làng có thể nghe thấy tiếng nước chảy.

Đứng trên bãi đá ngổn ngang, ông Lâm cho tôi biết đây là hệ quả của trận lũ lịch sử năm ngoái. Mưa to và kéo dài nhiều ngày đã khiến sạt lở núi và hình thành bãi đá này. Cũng trận lũ đó làm toàn bộ hoa màu của bà con bị nước lũ cuốn trôi.

Men theo sườn dốc những bước chân dần chậm lại bởi sự mệt mỏi và khó khăn tăng dần. Chui người bò qua những bụi giang, bụi song chúng tôi lại ngửa mình leo những vách đá trơn tượt, ai cũng biết rằng chỉ sơ sảy là tai nạn có thể xảy ra.

Bạnh gỗ lớn cao đến 3m. Ảnh: Tuấn Anh.

Bạnh gỗ lớn cao đến 3m. Ảnh: Tuấn Anh.

Đến quá trưa đoàn tôi dừng chân nghỉ chân bên một khe suối nhỏ, lúc này mặt trời đã ngang đỉnh đầu, nắng gay gắt, mồ hôi ướt đẫm áo, tôi mới cảm nhận được những gian khổ mà những người giữ rừng phải trải qua. Ăn bữa trưa vội vàng, chúng tôi chuẩn bị lên đường cho kịp đến nơi còn chuẩn bị lán trại trước khi trời tối.

Hơn bốn giờ chiều chúng tôi mới đến điểm dừng chân trên núi Tầm Khầm, ở trong rừng trời đã âm âm tối. Không ai bảo ai mỗi người một chân một tay dựng lán để ngủ qua đêm. Rừng im vắng đến lạ thường nên nghe rõ tiếng lá cây xạc xào, tiếng tắc kè trên cây cổ thụ… Màn đêm dần buông xuống lúc nào không biết, sau một ngày leo núi mệt mỏi ai cũng dần chìm vào giấc ngủ.

Khi mọi người ngon giấc, nằm trong lán tôi có thể nghe rõ tiếng muỗi kêu vo ve bên ngoài màn, tiếng côn trùng gáy trong đêm. Xa xa đâu đó vọng về tiếng cú rúc, tiếng lộp bộp của quả rừng khi lũ sóc và cầy hương tranh nhau ăn quả đánh rơi lạt sạt trên lá khô.

Lũ thú ăn đêm sau một ngày ngủ vùi giờ đã thức dây, tiếng chim mãnh ma, bọn dúi và nhím khụt khịt trong các bụi cây, rồi nữa tôi nghe như tiếng lợn rừng gần cạnh lán, tiếng hoẵng vọng lại từ phía rừng xa… Tôi nằm nghĩ miên man về một kho báu vô tận, lúc sau thì giấc ngủ kéo đến do một ngày leo núi quá mệt mỏi.

Chỉ đến khi lũ khiếu bạc má, họa mi cùng đám liếu điếu hót vang rừng đánh thức, chúng tôi trở dậy sau một đêm ngủ trên núi. Ánh nắng buổi sớm xuyên qua lớp lá rừng vàng óng như tơ, trước mắt tôi là một màu xanh thẳm của núi rừng chạy dài đến vô tận. Những cây gỗ mấy người ôm hiện ngay trước mặt mà hôm qua do quá mệt chưa kịp nhận ra. Ông Dương Kim Lâm và Nguyễn Văn Huấn trèo lên một cây cao quan sát bốn bề núi rừng sau đó mới ra lệnh cho chúng tôi thu dọn hành lý, mở lối kiểm tra rừng trước khi xuống núi.

Rừng nguyên sinh Tầm Khầm còn giá trị đa dạng sinh học. Ảnh: Tuấn Anh.

Rừng nguyên sinh Tầm Khầm còn giá trị đa dạng sinh học. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngồi tựa lưng vào gốc một cây sến già cả trăm năm tuổi, tôi ngước mắt nhìn lên ngọn cây cao vút tận trời xanh mới cảm nhận được sự hiên ngang bất khuất của nó, mặc cho bão giông cả trăm năm nay cây vẫn vươn mình trên đỉnh Tầm Khầm, rễ bám sâu vào lòng đất như thách thức thời gian, tạo thành áo giáp che trở đất đai.

Đang suy nghĩ miên man về cánh rừng đại ngàn thì Nguyễn Văn Huấn lại gần bảo: Rừng ở đây còn giàu lắm, còn nhiều điểm đẹp hơn ở đây, chú cứ sắp xếp thời gian rồi hôm nào anh mời chú đi với bọn anh vài chuyến, sẽ có nhiều điều ngạc nhiên không thể tả nổi…

Tầm Khầm là kho vàng xanh vô tận, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng dự trữ sinh quyển của Yên Bái đã ban tặng cho chúng ta, những chiến sĩ kiểm lâm và người dân nơi đây sẽ quyết tâm bảo vệ bằng được…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm