| Hotline: 0983.970.780

Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi lại nhân gian một bông hồng cài áo

Thứ Bảy 22/01/2022 , 14:31 (GMT+7)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ngày 22/1, đã gửi lại nhân gian nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có tâm sự ‘bông hồng cài áo’ trở thành bài hát quen thuộc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) là một tên tuổi cao tăng vượt khỏi biên giới Việt Nam. Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dâng hiến lẽ sống tốt đạo đẹp đời qua những bài thuyết giảng, mà còn nâng đỡ cuộc sống chúng sinh bằng những tác phẩm văn chương.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi nghiệm viết lách với tập thơ “Tiếng địch chiều thu” in năm 1949. Trong số lượng hơn 100 tác phẩm mà thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi gắm tâm tư hướng thiện, có tùy bút “Bông hồng cài áo” do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) phổ nhạc rất được khán giả yêu mến.

Gần 60 năm qua, “Bông hồng cài áo” đã được hát khắp mọi nẻo đường Việt Nam. Hơn thế nữa, “Bông hồng cài áo” còn tạo ra mỹ tục cài hoa lên áo vào dịp Vu Lan, để thể hiện sự thành kính đối với đấng sinh thành.

Tùy bút “Bông hồng cài áo” được thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. “Bông hồng cài áo” đã lan tỏa vào cộng đồng một cách nồng hậu, cho đến khi khơi dậy một cơ duyên mới. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lúc sinh thời cho biết: “Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt giam 1 năm. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên. Và tôi đã hoàn thành ca khúc cùng tên vào năm 1967”.

Trong tùy bút “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó.

Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…”.

Từ hình ảnh bông hoa được cài trên áo, thiền sư Thích Nhất Hạnh bày tỏ: “Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh.  Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?”  Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”.

Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ. Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi”.

Ca khúc 'Bông hồng cài áo' được viết năm 1967.

Ca khúc "Bông hồng cài áo" được viết năm 1967.

Những ý tứ chân tình ấm áp trong tùy bút “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ chuyển thành lời ca xúc động: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ/ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn/ Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi/ Như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền/ Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ Là nắng ấm nương dâu/ Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời/ Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu/ Nhìn thật lâu Rồi nói, nói với Mẹ rằng/ “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”/ “Biết gì?”, “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”/ Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/ Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/ Thì xin anh, thì xin em Hãy cùng tôi vui sướng đi”.

Bây giờ thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhập cõi niết bàn. Thế nhưng, “Bông hồng cài áo” mà thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi lại, vẫn tiếp tục nhắc nhở người Việt Nam về giá trị của chữ hiếu với người mang nặng đẻ đau: còn đề cao hình ảnh vĩ đại của người mẹ và tinh thần hiếu thảo của người con: “Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.