Xây dựng các thiết chế văn hóa trong cộng đồng dân cư
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên, những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào chiều sâu, thu hút được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Ở các địa phương, người dân tích cực đóng góp ngày công, hiến đất, ủng hộ kinh phí làm đường giao thông… không còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để có được kết quả đó, bên cạnh việc tăng cường thông tin, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, giá trị của công cuộc xây dựng NTM, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã đã chủ động, linh hoạt trong việc ban hành các chủ trương, chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Theo thống kê, hết năm 2023, toàn tỉnh có 102/139 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, chiếm hơn 73% (bình quân cả nước 20%). Có 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 26% (bình quân cả nước 3%); 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu (tăng 60 khu dân cư so với năm 2022).
130 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá độc lập (đạt hơn 80%); 760 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá độc lập (đạt hơn 90%); 83% trung tâm văn hóa cấp xã, 74% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các xã, phường, thị trấn quy hoạch hơn 426 ha xây dựng công trình thể thao. Cơ sở vật chất khu vui chơi, thể thao ở cơ sở được đầu tư tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới. 161/161 xã, phường, thị trấn có nhà, sân hoặc phòng tập luyện thể thao đơn giản. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển sôi nổi trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các điển hình, mô hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào xuất hiện ngày càng nhiều.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật và đội văn nghệ quần chúng. Trung bình hàng năm có hơn 300 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gia đình cấp tỉnh; gần 400 hoạt động văn hóa, văn nghệ, gia đình cấp huyện; hơn 3.000 hoạt động văn hóa văn nghệ cấp xã; hơn 15.000 hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn, tổ dân phố được tổ chức thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng…
Nhà văn hóa thành thư viện sách
Năm 2023, xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để có được thành quả này, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong việc xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Long Hưng đã quyết tâm phấn đấu, từng bước hoàn thành các hạng mục công trình, tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu.
Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn cho Chương trình xây dựng NTM toàn xã hơn 475 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 34 tỷ đồng để làm đường giao thông và xây dựng các công trình. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu, Long Hưng lựa chọn nội dung về lĩnh vực văn hóa để tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phong trào xây dựng làng văn hoá phát triển đồng đều ở các thôn với số lượng và chất lượng ngày càng cao. 3 năm liên tiếp (2019-2021), toàn xã có 7/7 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa và có nhà văn hóa độc lập không chung với các thiết chế khác. Mỗi thôn đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn ngày công để xây dựng các công trình phụ trợ của nhà văn hóa; mua sắm trang thiết bị như âm thanh, bàn ghế, trang trí nhà văn hóa…
Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Các thôn trước đây đều có quy ước nhưng nội dung chưa cụ thể được bổ sung những nôi dung mới cho phù hợp. Hàng năm, thông qua ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân góp ý sửa đổi, bổ sung để nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật được đi vào hoạt động có nền nếp.
Về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, xã Long Hưng có đình Ngọc Bộ được xếp hạng cấp quốc gia năm 2007 và đình Như Phượng Hạ được xếp hạng cấp quốc gia năm 2015. 2 di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh là cụm di tích đình, chùa Sở Đông (năm 2012) và di tích đình Lại Ốc (năm 2013). Từ khi được xếp hạng đến nay, UBND xã, ban quản lý di tích luôn chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo di tích để phát huy giá trị. Nhận thức của nhân dân trong xã về trách nhiệm xây dựng đời sống văn hoá, ý thức coi trọng các giá trị văn hoá được nâng lên; thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh về ứng xử văn hóa tại các di tích.
Đặc biệt, nhà văn hóa thôn Như Lân vốn đã xuống cấp được cải tạo thành mô hình nhà văn hoá thôn kết hợp không gian văn hoá đọc cộng đồng đầu tiên trên cả nước với hơn 6.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như lịch sử, triết học, chính trị, pháp luật, nghệ thuật, văn học, văn hóa, kinh tế, giáo dục, danh nhân, kỹ năng phát triển bản thân, thiếu nhi, y học phổ thông…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư kiêm Trưởng thôn chia sẻ, từ nhiều nguồn hỗ trợ nhà văn hóa thôn “lột xác” đến không ngờ. Không gian bên trong được cải tạo rộng rãi, thoáng mát, yên tĩnh. Các đầu sách được chia thành khu vực riêng theo chủ đề để người dân dễ tiếp cận. Ban quản lý thường xuyên cập nhật những đầu sách mới và đón nhận ủng hộ sách từ con em, mạnh thường quân trong và ngoài thôn để gia tăng số lượng; đa dạng, phong phú về nội dung cho mọi lứa tuổi.
“Việc biến nhà văn hóa thôn thành không gian tri thức là một ý tưởng mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một mặt có thể tận dụng tối đa nguồn lực về cơ sở vật chất, một mặt tạo không gian lý tưởng để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, bổ ích. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức, trình độ, điều chỉnh thái độ, trở thành những công dân có ích cho xã hội”, ông Phúc đánh giá.
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; phấn đấu có 1-2 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mức đạt chuẩn NTM, hoàn thiện các nội dung tiêu chí NTM còn yếu của giai đoạn 2016-2020; nâng cao, phát triển hạ tầng kinh tế -xã hội, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn-đô thị và kết nối giữa các địa phương.