8 tháng nhập khẩu 214.000 tấn
Theo Cục Thú y, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 214.000 tấn thịt các loại, gồm: 112.000 tấn thịt lợn, 41.000 tấn thịt trâu bò và 60.000 tấn thịt gia cầm. Do đó, thông tin cho rằng, trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu hơn 681.000 tấn thịt các loại, trong đó có 256.000 tấn thịt lợn là không chính xác.
Trước đó, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 259.000 tấn thịt các loại, trong đó có 33.000 tấn thịt lợn, chiếm tỷ lệ 12,7%. Năm 2019, nhập khẩu 270.000 tấn, trong đó có 63.000 tấn thịt lợn, chiếm tỷ lệ 23,3%. Năm 2020, nhập khẩu 599.000 tấn, trong đó có 225.000 tấn thịt lợn, chiếm tỷ lệ 37,6%.
Về tỷ lệ thịt lợn nhập khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê hiện chiếm 3,6% so với số lượng thịt lợn sản xuất trong nước.
Năm 2018, tỷ lệ thịt lợn nhập khẩu chiếm 0,8% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước (33.000 tấn/3,8 triệu tấn. Năm 2019, tỷ lệ thịt lợn nhập khẩu chiếm 1,9% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước (63.000 tấn/3,3 triệu tấn). Năm 2020, tỷ lệ thịt lợn nhập khẩu chiếm 6,4% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước (225.000 tấn/3,4 triệu tấn).
Trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 112.000 tấn thịt lợn, giảm 50% so với 2020 và chỉ chiếm tỷ lệ 3,6% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước, đạt gần 3 triệu tấn.
Như vậy, có thể khẳng định, thịt lợn nhập khẩu trong 8 tháng năm 2021 chỉ chiếm 3,6% so với sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước không thể ảnh hưởng đến việc giá thịt lợn giảm mạnh, giảm sâu, nhất là từ tháng 5/2021 đến nay.
Năm 2020 nhập khẩu tăng theo chỉ đạo của Chính phủ
Riêng năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu nhiều thịt lợn nhiều bởi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trên cả nước, phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn. Tổng đàn lợn nái, lợn thịt bị sụt giảm mạnh khoảng 30%, do đó nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá thịt lợn tăng cao kỷ lục, có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg hơi, gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng và làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao.
Do đó, đầu 2020, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương,… đã tổ chức hàng chục cuộc họp với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp liên quan chỉ đạo áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý, giảm khó khăn cho người tiêu dùng, bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có giải pháp đẩy mạnh việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và lợn sống để giết mổ từ các nước vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị với các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn về áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, tái đàn lợn, nuôi tăng đàn để phục vụ nhu cầu thịt lợn, góp phần bình ổn giá thịt lợn trong nước.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, trong năm 2020 các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 225.000 tấn thịt lợn và 430.000 con lợn sống để giết mổ, góp phần tăng nguồn cung, hạ giá thành thịt lợn trong nước, kiểm soát được lạm phát theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội.
Nhập khẩu thịt lợn được kiểm soát chặt chẽ theo quy định
Từ đầu năm 2021 đến nay, do kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, trong đó có dịch tả heo Châu Phi, hiện tại, cả nước không có bệnh tai xanh ở lợn và bệnh lở mồm long móng, chỉ có hai ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và số gia cầm bị tiêu hủy hơn 5.000 con/tổng đàn gia cầm khoảng 520 triệu con,… làm cơ sở để tái đàn, tăng đàn lợn và gia cầm, cơ bản đảm bảo nguồn cung thịt lợn, thịt gia cầm cho thị trường trong nước.
Chính vì vậy, lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ còn 112.000 tấn, giảm 50% so với 2020.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn, thịt gà cho biết: Hầu hết sản phẩm thịt lợn, thịt gà đông lạnh nhập khẩu là để cung cấp cho các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, nhưng do đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trên diện rộng và nhiều tháng qua không tiêu thụ được.
Hàng hóa nhập về phải lưu kho, lưu bãi ở các cảng nhập, các kho bảo quản lạnh và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thịt đã phải ngừng hoạt động từ nhiều tháng qua, hủy nhiều hợp động nhập khẩu, kinh doanh thua lỗ hàng chục tỷ đồng, không có tiền để chi trả lương cho nhân viên.
Một lý do nữa là việc kiểm dịch nhập khẩu các loại thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam đều được kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm chặt chẽ theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới.
Để có thể xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam, nước xuất khẩu cần cung cấp cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chương trình và kết quả kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt, năng lực chẩn đoán, xét nghiệm… để phục vụ việc đánh giá rủi ro nhập khẩu.
Qua đánh giá, nếu kết quả đánh giá rủi ro nhập khẩu cho thấy nước xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của Việt Nam Cục Thú y sẽ tổ chức đoàn thanh tra kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu, thống nhất điều kiện nhập khẩu và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt vào Việt Nam.
Tại các nhà máy giết mổ, chế biến thịt của các nước có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sau đó gửi hồ sơ của từng nhà máy cho Cục Thú y để tổ chức thẩm định điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Cục Thú y cũng cho biết, Cục đã tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký xuất khẩu của từng nhà máy. Nếu các nhà máy đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách được phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam.
Như vậy, việc kiểm dịch nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam đã được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của Việt Nam và quốc tế.
Việc kiểm dịch sản phẩm thịt nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNN-PTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu các lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm các yêu cầu mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ nội địa.
Định kỳ, Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu.