Ghi nhận tại trung tâm phường Phước Bình, TX. Phước Long, tỉnh Bình Phước, chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 1km, hàng chục nhà yến cao chót vót liên tục phóng loa dẫn dụ chim yến, dù đứng cách khu vực nuôi cả trăm mét nhưng tiếng loa vẫn ầm ĩ, gây náo loạn cả khu vực.
Theo người nuôi chim yến nơi đây, chi phí để đầu tư nhà yến rất lớn, bình quân để xây mỗi nhà yến hiện nay hàng tỷ đồng. Trong khi đó, đặc tính của chim yến là thích sống bầy đàn và rất nhạy cảm với âm thanh lẫn môi trường sống.
Từ đặc tính này dẫn đến hệ thống âm thanh dẫn dụ phải đủ tinh tế để cuốn hút bạn tình và êm ái như lời ru cho chim non chìm vào giấc ngủ. Âm thanh dẫn dụ quyết định thành bại của nghề nuôi chim yến. Từ đó, hầu hết chủ các nhà yến bất chấp để phóng loa nhằm thu hút chim.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, Bình Phước là địa bàn thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến, vì diện tích đất rộng, môi trường tự nhiên phù hợp, tạo nguồn thức ăn giúp đàn yến sinh trưởng, phát triển.
Bên cạnh đó, nuôi yến ít tốn nhân công, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường nhờ giá yến sào hiện tại dao động từ 350.000đ - 5.900.000đ/100 gram, nhiều hộ nuôi yến có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.
Hiện toàn tỉnh Bình Phước có khoảng 1.400 cơ sở chuyên dẫn dụ, khai thác chim yến, tập trung chủ yếu ở TP. Đồng Xoài, TX. Chơn Thành và các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú... Trong số này, có không ít các nhà yến được xây dựng kết hợp với nhà ở và các công trình dân dụng khác ở tầng lầu.
Nhiều nhà yến được xây dựng trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là về tiếng ồn.
Cùng với đó, đa số hộ chăn nuôi chim yến nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Việc xây dựng nhà dẫn dụ chim yến dựa vào kinh nghiệm và phong trào dẫn đến hiệu quả dẫn dụ không đồng đều, một số nhà khai thác không hiệu quả. Ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang từng bước có những giải pháp quản lý mạnh tay.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước đang triển khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh theo quy định của luật chăn nuôi, phát triển vùng nuôi chim yến phù hợp, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.
Đối với các cơ sở dẫn dụ, khai thác chim yến phải có trang thiết bị bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến. Cơ sở phải có trang thiết bị nhà xưởng, có quản lý theo dõi, được cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh thú y, môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với cơ sở và sản phẩm tổ yến.
Đặc biệt, đối với nhà yến đang hoạt động, phải đảm bảo khoảng cách với khu dân cư đạt trên 300 mét sẽ quản lý về âm thanh theo khung giờ hàng ngày và theo quy định, đảm bảo vệ sinh thú y... Đối với nhà yến cách khu dân cư dưới 300 mét sẽ không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
Thạc sĩ Đậu Văn Hải, Trưởng bộ môn Môi trường chăn nuôi, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đánh giá, những năm gần đây, chim yến từ khắp các châu lục di cư về Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên cũng như vùng Đông Nam bộ nói riêng rất nhiều.
Chính vì vậy, nghề nuôi chim yến đang phát triển rất mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành. Cùng với diện tích rừng tự nhiên, diện tích cây ăn trái và các loại cây trồng khác ở Bình Phước khá dồi dào là nguồn thức ăn để chim yến di cư về Bình Phước trú ngụ. Vì thế, việc quy hoạch vùng nuôi chim yến theo quy định là cấp thiết.
Cũng theo ông Hải, trên cơ sở, xác định được một số đặc điểm sinh học và khả năng sản xuất của chim yến nhà tại địa phương, ảnh hưởng của công nghệ dẫn dụ đến năng suất chất lượng của tổ yến thô.
Ngoài ra, cần đưa ra các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với nhà nuôi yến, môi trường thuận lợi cho yến sinh sống, dinh dưỡng thức ăn cho yến nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn đến cộng đồng dân cư xung quanh nhà nuôi chim yến…
Do đó, Bình Phước cần quy hoạch vùng nuôi và phát triển nhà yến đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trên cơ sở của Luật Chăn nuôi, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, xây dựng quy định quản lý hoạt động nuôi chim yến, tổ chức liên kết chuỗi giá trị vì sự phát triển của nghề nuôi chim yến, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành yến Bình Phước.