| Hotline: 0983.970.780

Thu lợi 'kép' từ nuôi trai nước ngọt lấy ngọc

Thứ Hai 27/02/2023 , 11:07 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc vừa giúp người dân tận dụng được diện tích mặt nước ao nuôi trồng thủy sản để gia tăng thu nhập, vừa cải thiện môi trường ao nuôi...

Vĩnh Phúc là địa phương có điều kiện tự nhiên, tiềm năng mặt nước cũng như hệ sinh thái thủy vực rất phù hợp cho các loài thủy sản nước ngọt phát triển. Đây cũng được xem là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc kết hợp nuôi các loại thủy sản khác.

Nhận thấy tiềm năng này, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã triển khai Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”. Dự án được triển khai từ năm 2021 - 2023 với quy mô 2,1ha tại 21 hộ (mỗi hộ 0,1ha), số lượng trai cấy ngọc là 52.500 con.

IMG_9637

Ông Nguyễn Văn Viên ở tổ dân phố Xuân Bỉ, Thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) phấn khởi khi lứa trai nuôi lấy ngọc đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương Văn Phương, Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc), Chủ nhiệm Dự án chia sẻ: Mục tiêu của Dự án là tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ phát triển nuôi trai lấy ngọc. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, Dự án triển khai với quy mô 0,6ha tại 6 hộ trên địa bàn huyện Lập Thạch và Tam Dương (15.000 con trai). Giai đoạn 2022 - 2023 triển khai với quy mô 1,5ha tại 15 hộ trên địa bàn huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên (37.500 con).

Theo ông Phương, nuôi trai chủ yếu sử dụng phần đáy ao nên có thể kết hợp nuôi cùng các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước trong thủy vực.

Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc triển khai thành công sẽ tạo hướng đi mới cho người nuôi thủy sản, tập trung khai thác tối đa tiềm năng mặt nước theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị, tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn.

Nuôi trai không tốn nhiều công chăm sóc. Ngọc trai là sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước với giá bán luôn ở mức cao, do đó, các hộ nuôi không phải lo lắng về công tác tiêu thụ vì thị trường rất rộng mở; thịt trai sau khi thu ngọc được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn phục vụ chăn nuôi…

Ông Nguyễn Văn Viên ở tổ dân phố Xuân Bỉ, Thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tham gia dự án cho biết: Gia đình ông có ao nuôi cá bằng thức ăn tự nhiên (cỏ, rau…) với diện tích 10.000m2, hàng năm cung cấp ra thị trường 3 - 4 tấn cá các loại. Khi được cán bộ nông nghiệp Thị trấn thông tin về dự án, nhận thấy có thể tận dụng được diện tích mặt nước sẵn có để kết hợp nuôi trai lấy ngọc, gia tăng thu nhập nên anh đã hào hứng đăng ký tham gia.

IMG_9678

Cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc định kỳ sẽ xuống hỗ trợ các hộ tham gia mô hình đánh giá các chỉ số sinh trưởng và phát triển của trai, ngọc. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Viên, trước khi thả giống, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan đã tới lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra nguồn nước trong ao nuôi của gia đình một cách kỹ lưỡng, khi đạt tiêu chuẩn mới được thả nuôi. Bên cạnh đó, anh được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc, cung cấp con giống chất lượng, được hỗ trợ 50% chi phí con giống và chế phẩm vi sinh để xử lý nước.

Trong quá trình nuôi, nguồn nước ao nuôi phải được đặc biệt chú ý, tránh các yếu tố hóa học và các nguồn xả thải vào ao. Toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp, đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai. Tuy nhiên, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh túi nuôi trai để loại bỏ rong rêu và các sinh vật sống bám, hạn chế tối đa dịch bệnh và đảm bảo sự phát triển của trai.

Đến hiện tại, hơn 2.500 con trai lấy ngọc của gia đình anh nuôi đã qua 12 tháng, tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng tuần, anh thường xuyên kiểm tra nguồn nước, tỷ lệ sống và tốc độ phát triển của trai, ghi nhật ký theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, định kỳ 3 tháng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc sẽ tới kiểm tra tổng thể và mổ trai kiểm tra ngọc. Kết quả lần kiểm tra gần nhất cho thấy, tỷ lệ sống của trai đạt 96%, tỷ lệ ngậm hạt ngọc cao. Dự kiến, sau 24 tháng, lứa trai có thể cho thu hoạch.

Về công tác tiêu thụ, anh Viên cho hay, do là đối tượng nuôi mới nên Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc sẽ giúp kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua ngọc trai để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ tham gia mô hình.

IMG_9690

Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, gia tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Trung Quân.

Ông Dương Văn Phương, Chủ nhiệm Dự án thông tin thêm: Kết quả thu được tại các mô hình trong giai đoạn 2021 - 2022 cho thấy, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đều cao hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra như: Tỷ lệ sống của trai đạt 81,6%; tỷ lệ ngậm hạt 71,1%; tỷ lệ ngọc loại I là 5,3%, loại 2 là 21,1%, loại 3 là 25,7%, loại 4 là 31,3% và tỷ lệ ngọc loại 5 là 16,6%. Lợi nhuận thu được tại 0,6ha nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đạt gần 300 triệu đồng.

Như vậy, các hộ tận dụng mặt nước nuôi cá để nuôi thêm trai nước ngọt lấy ngọc ngoài lợi nhuận thu từ việc thả cá, lợi nhuận từ việc nuôi trai là 49,1 triệu đồng/0,1ha. Bên cạnh đó, do mỗi con trai được ví như một chiếc máy lọc nước tuần hoàn nên đã góp phần giúp môi trường ao nuôi, đặc biệt nguồn nước trở nên trong sạch hơn.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.