| Hotline: 0983.970.780

Thử nghiệm ứng dụng quản lý dinh dưỡng cây trồng

Thứ Hai 30/09/2024 , 22:18 (GMT+7)

CẦN THƠ Ứng dụng RCM có thể đưa ra các khuyến nghị về liều lượng, thời điểm bón phân, quản lý nước, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, tăng thu nhập, giảm phát thải.

Trong khuôn khổ Dự án Sử dụng phân bón đúng (FerRight) được chủ trì và tài trợ bởi Cục Nông nghiệp Đối ngoại – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), ngày 30/9, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tổ chức đánh giá mức độ chấp nhận của người dùng ứng dụng “Quản lý dinh dưỡng cây trồng” (gọi tắt là ứng dụng RCM).

Giao diện ứng dụng RCM giúp nông dân quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Giao diện ứng dụng RCM giúp nông dân quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Việc xây dựng thí điểm ứng dụng RCM là một trong những hoạt động khởi động Dự án Sử dụng phân bón đúng tại Việt Nam với mục tiêu tiếp nhận phản hồi từ người sử dụng. Từ đó, nhóm phát triển sẽ tiến hành cải tiến ứng dụng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn canh tác của từng địa phương.

Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cho biết, ứng dụng RCM sẽ giúp bà con nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật và kiểm nghiệm thực tế trên đồng ruộng một cách chính xác.

Dựa trên những dữ liệu đầu vào của bà con như diện tích đồng ruộng, mục tiêu năng suất, phương pháp xuống giống, giống lúa sử dụng gieo sạ, loại phân bón…, ứng dụng RCM sẽ đưa ra các khuyến nghị về liều lượng phân bón, nguồn phân bón và thời điểm bón phân, quản lý nước.

Đồng thời, ứng dụng cũng tính toán chi phí đầu tư phân bón cho từng thửa ruộng cụ thể dựa vào nhu cầu của cây trồng theo năng suất tối đa có thể đạt trên từng vùng đất khác nhau.

Ứng dụng RCM có chức năng đưa ra các khuyến nghị về liều lượng phân bón, nguồn phân bón, thời điểm bón phân hợp lý, quản lý nước... Ảnh: Kim Anh.

Ứng dụng RCM có chức năng đưa ra các khuyến nghị về liều lượng phân bón, nguồn phân bón, thời điểm bón phân hợp lý, quản lý nước... Ảnh: Kim Anh.

Để đánh giá hiệu quả của ứng dụng, dự kiến trong vụ đông xuân 2024 – 2025 và hè thu 2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ sẽ lựa chọn 24 hộ nông dân ở 3 địa phương trồng lúa trọng điểm là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai để xây dựng các mô hình thí điểm. Mỗi mô hình có quy mô 1.050m2, với 3 nghiệm thức canh tác là: 500m2 canh tác theo tập quán truyền thống; 500m2 canh tác theo khuyến nghị của ứng dụng RCM; 50m2 canh tác theo khuyến nghị của ứng dụng RCM nhưng không bón phân đạm.

Bà Rowena Castillo, chuyên gia Quản lý và Phát triển dự án của IRRI cho biết, ứng dụng RCM sẽ được chạy trên nền tảng website tại địa chỉ: https://webapps.irri.org/vn/rcm-rebuild/.

Các ý kiến đánh giá, phản hồi của người dùng về ưu, nhược điểm của ứng dụng RCM rất cần thiết để ứng dụng cho hiệu quả cao nhất khi ra mắt chính thức.

Chuyên gia IRRI giới thiệu về ứng dụng RCM. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia IRRI giới thiệu về ứng dụng RCM. Ảnh: Kim Anh.

Trước đó, vào tháng 4/2024, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã khởi động Dự án Sử dụng phân bón đúng tại Việt Nam do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) là chủ dự án và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) là đơn vị thực hiện.

Dự án được triển khai tại 3 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và 3 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gồm Đồng Tháp, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Dự án gồm 3 hợp phần, hợp phần 1 là phát triển công nghệ và công cụ nhằm sử dụng phân bón hiệu quả trong trồng lúa; hợp phần 2 sẽ nâng cao năng lực truyền thông cho các bên liên quan về thực hành bón phân đúng cho cây lúa và hợp phần 3 là giám sát và đánh giá việc thực hiện Dự án.

Dự kiến trong thời gian 4 năm (2024 – 2027), với ngân sách dự kiến 4,4 triệu USD, Dự án Sử dụng phân bón đúng sẽ hỗ trợ nông dân tại các địa phương trên tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp chính xác. Từ đó, sử dụng tối ưu đầu vào, nhất là phân bón để nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng phân bón, tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.