Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (HTX Bắc Hồng), huyện Đông Anh, Hà Nội đang là cầu nối tiêu tụ từ 3 - 3,5 tấn rau, củ mỗi ngày cho bà con xã viên.
Hợp tác xã được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội lựa chọn làm điểm xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc HTX Bắc Hồng cho biết, sản phẩm rau an toàn của HTX đã được ký kết tiêu thụ ở các chuỗi siêu thị lớn, bếp công nghiệp và một số trường học trên địa bàn Thủ đô với các sản phẩm chủ lực như rau muống, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu bắp, mướp hương...
Tất cả diện tích gieo trồng, sản xuất của HTX đều là vùng rau toàn đã được công nhận. Bên cạnh đó, đơn vị đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất tập trung với 1.750m2 nhà màng và 1.200m2 nhà vòm.
Để giám sát chất lượng và nâng cao trình độ canh tác của các thành viên, HTX đã chủ động liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất và sơ chế rau củ an toàn cho 378 hộ nông dân trong xã Bắc Hồng.
Hội đồng quản trị HTX đã thành lập 5 tổ PGS với 85 hộ nông dân tham gia, có nhật ký ghi chép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hàng ngày. HTX cũng có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo sản xuất, giám sát, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, bảo đảm chất lượng, an toàn khi cung cấp các sản phẩm rau ra thị trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyển, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh, với khoảng 1.000ha sản xuất an toàn, chất lượng luôn là yếu tố quan trọng được UBND huyện và Trạm quan tâm hơn cả trong việc cung cấp thực phẩm ra thị trường.
Trạm đã tập huấn trên 90% số hộ tham gia sản xuất rau an toàn về các kỹ thuật canh tác, chương trình sản xuất rau an toàn PGS. Đặc biệt, 100% hộ sản xuất rau an toàn đã được đào tạo lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, HTX Bắc Hồng đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế sản phẩm rau sạch, với dây chuyền đóng gói hiện đại có nguồn gốc từ Nhật Bản, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Bắc Hồng phụ trách kỹ thuật cho biết, dây chuyền giúp tiết kiệm được rất nhiều nhân công và sức lao động so với cách đóng gói bao bì truyền thống khi nhân viên chỉ cần đặt rau vào hệ thống và nhận thành phẩm ở đầu ra là đã có thể vận chuyển đi tiêu thụ.
“Trước kia đóng gói thủ công, xưởng sơ chế và đóng gói cần tới 40 nhân công, nhưng khi đưa vào vận hành dây chuyền tự động, số nhân công giảm xuống còn 25 người”, ông Hữu chia sẻ.
Việc đóng gói, dãn nhãn bằng máy móc tự động cũng giúp sản phẩm của HTX đáp ứng được các tiêu chuẩn của đơn vị bán lẻ về mẫu mã và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Qua đó, gia tăng giá trị sản phẩm, thu hút doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm.
Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 - 3%. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, ngành nông nghiệp Thủ đô hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cuối năm là thời điểm sản xuất vụ đông và nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân tăng cao, Hà Nội có thể tranh thủ sản xuất vụ đông đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, đồng thời, tận dụng nhu cầu từ thị trường cuối năm để tạo đà tăng trưởng.