| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế ban hành đề án phát triển dược liệu

Thứ Tư 15/03/2023 , 09:24 (GMT+7)

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành đề án 'Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2030'.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có tiềm năng đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nước dồi dào và khí hậu nhiệt đới gió mùa, là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây thảo dược quý.

Mặc dù chủng loại cây dược liệu rất phong phú, đa dạng ở các vùng rừng, nhưng suốt thời gian dài, phần lớn người dân có thói quen khai thác nguồn cây dược liệu về dùng mà chưa có cơ chế, chính sách để trồng, phục hồi những loài cây hữu dụng phục vụ cuộc sống, sức khỏe con người.

DSC04025

Giới thiệu sản phẩm từ sâm Bố Chính. Ảnh: CĐ.

Hơn nữa, do giá trị của tài nguyên về dược liệu chưa được nhìn nhận đúng mức, chỉ mới xác định yếu tố quý về mặt y tế chứ chưa quan tâm nhiều đến lợi ích kinh tế và môi trường nên chưa được bảo tồn, khai thác hợp lý và tạo ra sản phẩm dược liệu có giá trị.

Mặc dù đã có một số doanh nghiệp bắt tay với nhiều hộ dân, chính quyền địa phương trồng và khai thác dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng vẫn còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng nên dẫn đến sản lượng và hiệu quả kinh tế còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh đang có xu hướng cạn kiệt, cây dược liệu nuôi trồng phát triển một cách tự phát, mất cân đối.

Đặc biệt, những cây thuốc vừa quý về giá trị sử dụng, vừa quý về giá trị nguồn gen do hiếm gặp hoặc là loài đặc hữu nên đang bị khai thác tận diệt. Mâu thuẫn giữa cung và cầu, bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quý khiến một số loài tuy chưa bị sức ép bởi khai thác sử dụng, nhưng môi trường sống đang bị đe dọa, nguy cơ rủi ro cũng rất cao.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc sản xuất manh mún trong các hộ nông dân nhỏ lẻ luôn đi kèm với các rủi ro cao; đồng thời dược liệu được trồng chưa được cung cấp giống có chất lượng tốt, chưa có kỹ thuật trồng bài bản, chủ yếu theo kinh nghiệm.

DSC04029

Một số doanh nghiệp đã liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu nhưng mức độ lan tỏa chưa cao. Ảnh: CĐ.

Do đó, theo ông Tuấn, việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên sinh vật nói chung và nguồn cây dược liệu nói riêng đang là vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều sở ban ngành liên quan, trong đó ngành nông nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo. .

Để khơi dậy tiềm năng phát triển, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến năm 2030”.

Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ ưu tiên lựa lọn một số loại cây dược diệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa – thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu…

Theo kết quả nghiên cứu được công bố, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Các loài cây dược liệu thường được tìm thấy ở các khu vực như Bạch Mã, A Lưới, Phong Điền...

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, đến nay, cây dược liệu chưa được tổ chức sản xuất mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.

Xem thêm
Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.