Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bên cạnh đầu tư phát triển các vùng chuyên canh nông sản chủ lực, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) dần hình thành những mô hình trồng trọt các loại cây trồng mới có quy mô và sự liên kết trong sản xuất.
Chè vằng là một trong những loài cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm qua, sản phẩm cao chè vằng (được nấu từ lá chè vằng) ở vùng Cùa của huyện Cam Lộ đã trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, từ trước đến nay nguồn nguyên liệu chè vằng được khai thác chủ yếu dựa vào nguồn tự nhiên sẵn có. Người dân khai thác chè vằng chưa có ý thức cho cây tái sinh đã làm cạn kiệt nguyên liệu, trong khi đó nhu cầu thân lá cây chè vằng để nấu cao, chế biến các sản phẩm từ chè vằng ngày càng tăng.
Với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất cao chè vằng tại địa phương; chuyển đổi các vùng đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã đầu tư xây dựng phát triển mô hình trồng chè vằng. Mô hình được triển khai trên diện tích 3ha, mật độ trồng 22.000 cây/ha, phủ bạt ni-lon, có hệ thống tưới tự động do 6 hộ dân trong HTX đóng góp vốn thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân- GĐ HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết cho biết: “Từ trước đến nay, trên địa bàn xã nguồn nguyên liệu để chế biến vẫn chủ yếu dựa vào thu hái ngoài tự nhiên. Với mô hình này, ước tính sau một năm thì cho thu hoạch và mỗi năm thu hoạch 2 đợt, năng suất từ 2 - 2,5 tấn/ha. Với giá bán 8.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha có thể mang lại thu nhập từ 150 - 160 triệu đồng”.
Việc phát triển trồng cây chè vằng nguyên liệu mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Đây là cây trồng mới vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo bước đột phá để chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, có sự liên kết nhằm hình thành nên những sản phẩm nông sản đặc trưng.